TP.HCM: BQL chợ Xã Tây 'đi chợ hộ' bà con mùa dịch Covid-19, giao hàng tận cửa

Lê Nam
Lê Nam
04/07/2021 07:00 GMT+7

Để duy trì nhịp sống thường nhật trong mùa dịch Covid-19 , BQL chợ Xã Tây (P.11, Q.5, TP.HCM) nghĩ ra sáng kiến 'đi chợ hộ' bà con, đồng thời công khai số điện thoại sạp hàng để người dân dễ dàng ở nhà đặt hàng online.

Chẳng cần vào bên trong chợ, cũng không cần tiếp xúc với người bán, người mua mà vẫn có hàng hóa, đồ ăn thiết yếu mỗi ngày cho gia đình. Đó là cách đi chợ mới của những bà con sống quanh khu vực chợ Xã Tây (P.11, Q.5, TP.HCM) những ngày qua.
Giữa những ngày dịch Covid-19 căng thẳng ở TP.HCM, khi nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các khu chợ đang khiến nhiều người lo lắng thì việc đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trong chợ truyền thống cũng khiến nhiều ban quản lý chợ đau đầu.
Trong cái khó lại ló cái sáng tạo. Những ngày qua, ban quản lý (BQL) một khu chợ truyền thống ở Q.5 (TP.HCM) đã nghĩ ra ý tưởng đi chợ hộ cho bà con trên địa bàn quận để hạn chế tiếp xúc giữa tiểu thương và khách hàng.

VIDEO Chợ Xã Tây quận 5 ‘đi chợ hộ’ bà con, giao hàng miễn phí ngày dịch Covid-19

Bảo vệ, cán bộ ban quản lý chợ làm shipper

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sinh, trưởng ban quản lý chợ Xã Tây, chia sẻ, nhiều ngày nay, anh em bảo vệ và ngay cả chính bản thân ông đang đảm nhiệm thêm công việc shipper, đi chợ hộ rồi giao hàng tận nhà cho người dân quanh khu vực Q.5 để hạn chế việc bà con đến chợ trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp. 
“Nếu trong bán kính quận, chúng tôi sẽ giao hàng miễn phí”, ông Sinh khẳng định.

Lác đác người đi chợ do lo sợ dịch bệnh

Lê Nam

Để giúp người dân làm quen với hình thức đi chợ truyền thống mới mà không cần ra khỏi nhà. Chợ Xã Tây đã đăng số điện thoại, danh sách các tiểu thương bán thịt, cá, trứng... lên website của chợ để người dân biết.
Khi mua hàng, người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng của chợ, chợ sẽ cử người tiếp nhận, ghi lại đơn hàng và cử người mua hộ... sau đó đi giao tận nhà cho bà con trong khu vực Q.5. Tiền hàng lấy từ khách sẽ đưa về trả lại cho người bán.

Tiểu thương chợ Xã Tây thích thú với "dịch vụ" giao hàng hộ của BQL chợ

Lê Nam

“Đơn hàng chúng tôi ra mua trực tiếp rồi mang đến giao trực tiếp cho người dân, nhận được tiền chúng tôi trả cho bà con tiểu thương. Mỗi ngày chúng tôi nhận đơn hàng từ 7 giờ 15 phút đến 10 giờ là hết vì 11 giờ chợ truyền thống nghỉ rồi, lúc đó bà con đã rục rịch dẹp chợ” ông Sinh cho biết. 
“Cứ 1 tiếng chúng tôi giao hàng một lần. Nhiều người đặt hàng tới nói đặt từ sớm nhưng đến trưa mới giao hàng thì không có chuyện đó. 7 giờ 15 chúng tôi nhận đơn hàng thì đúng 8 giờ 15 phút chúng tôi giao hàng một lần, 9 giờ 15 phút giao hàng một lần, 10 giờ 15 phút giao hàng một lần. Như thế một buổi sáng anh em đi giao hàng 3 lần” Trưởng BQL chợ Xã Tây giải thích về cách hoạt động của dịch vụ "đi chợ hộ". 

Niêm yết giá công khai, tránh mặc cả kỳ kèo!

Ngoài hình thức đi chợ hộ, chợ Xã Tây cũng áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo giãn cách, hạn chế tập trung đông người trong chợ. Người dân vào chợ bằng 2 cửa, bà con vào cổng này ra cổng kia, ra vào đều phải rửa tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế phòng Covid-19. Phía bên trong, các sạp hàng cách 1 mét đảm bảo không gian thoáng đãng.
Ông Sinh dẫn PV đi một vòng chợ Xã Tây, tại đây, tất cả các sạp hàng từ nhỏ đến lớn đều có chung một điểm là tấm biển xanh đề rõ ràng, cụ thể giá từng mặt hàng được bán.
Theo ông Sinh, việc này để các tiểu thương cam kết không bán nâng giá, không nói thách, người dân yên tâm mua hàng mà không phải trả giá, kì kèo mặc cả giữa chợ, làm tăng thời gian ở chợ dẫn tới tụ tập đông người. 

Mọi sạp hàng đều có bảng giá niêm yết

Lê Nam

Số điện thoại của tiểu thương cũng được cung cấp trực tiếp cho người dân nên đôi khi người đi chợ cũng không cần vào chợ.
“Ví dụ mua sườn cốt lết, thịt ba rọi, khách chỉ cần gọi điện hỏi giá và báo số lượng cần mua. Tiểu thương cân xong sẽ mang hàng đến tận cổng mà người dân không cần phải vào chợ. Đây cũng là một hình thức để hạn chế đông người vào những ngày dịch Covid-19”, ông Sinh chia sẻ.

Thầy giáo ngoại quốc đẫm mồ hôi giúp bà con nghèo Sài Gòn đi chợ 0 đồng ngày dịch Covid-19

“Chốt đơn” online giữa chợ truyền thống

Khi dịch ngày càng lan nhanh, chợ truyền thống đứng trước nguy cơ tấn công của Covid-19, chính những tiểu thương chợ cũng ý thức được nguy cơ và nhanh chóng thích ứng với các hình thức mua bán mới.
Văn Phú, 18 tuổi, con trai bà chủ sạp cá Tuyết Mai – hơn 20 năm bán ở chợ Xã Tây, thời gian gần đây đã chủ động đưa sạp hàng của mẹ lên ứng dụng chợ trực tuyến. Bên cạnh các đơn hàng mà BQL chợ giao giùm, sạp cá của hai mẹ con cũng liên tục “nổ đơn” trong vài tiếng buổi sáng.

Con trai bà chủ sạp cá giúp mẹ chốt nhiều đơn trên chợ trực tuyến những ngày chợ vắng do dịch Covid-19

Lê Nam

“Mẹ mình không biết về công nghệ nên mình ra chợ phụ mẹ đưa gian hàng lên ứng dụng công nghệ. Ngày xưa doanh thu cao lắm tầm 1 triệu, bây giờ doanh thu được 2-3 triệu, có ngày 4 triệu cũng có. Đơn cao nhất khoảng 600-700.000 đồng, số lượng đơn một ngày từ 10 đến 11 đơn, có ngày mười mấy - hai chục đơn”, con trai bà chủ sạp cá chia sẻ.
Bà chủ sạp cá Tuyết Mai nói thêm, không chỉ bà con ở Q.5 mà cả khách ở tận Q.Tân Bình cũng gọi điện đặt hàng. Nơi nào xa quá không đi giao được thì mẹ con bà chủ sạp cá sẽ thuê xe chở hàng đến tận nhà cho khách.  

Anh Nguyễn Minh Tuấn cùng vợ có hơn 10 bán đồ hải sản tươi trong chợ, vài ngày mai, anh chủ yếu giúp vợ làm shipper - giao tận nơi cho khách trong quận

Lê Nam

Anh Nguyễn Minh Tuấn - tiểu thương bán hải sản ở chợ Xã Tây tất tả lau mồ hôi sau khi vừa giao đơn hàng gần 1 triệu đồng cho một khách quen rồi vội làm mực, cá để giao tiếp.
Nhiều ngày nay, bên cạnh vai trò ông chủ sạp hải sản, anh kiêm thêm công việc shipper phụ vợ, bởi lẽ, mặc dù sạp hàng còn vẹn nguyên ở đó, nhưng khách thì chỉ dám ở nhà và mua hàng online.
Để duy trì được hoạt động trong khu chợ Xã Tây, BQL chợ liên tục phát loa nhắc nhở bà con tiểu thương, người dân đi chợ tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế. Bà con bạn hàng cũng chủ động thông tin liên tục trong nhóm trực tuyến, giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khách phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn trước khi vào chợ

Lê Nam

Việc BQL đi chợ hộ người dân được đánh giá là sáng kiến nhằm làm giảm lượng người đến chợ, đảm bảo giãn cách an toàn.
Chương trình này cũng nhận được sự hỗ trợ của phường, đoàn thanh niên trên địa bàn. Trưởng BQL chợ Xã Tây cho biết, QBL chợ sẽ cố gắng tiếp tục chương trình "đi chợ hộ" bà con tại đây cho đến khi nào dịch bệnh Covid-19 bớt nóng bỏng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.