TP.HCM chính thức đặt tên đường Lê Văn Duyệt nhân lễ giỗ thứ 188 của Đức Tả quân

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
16/09/2020 12:52 GMT+7

Sáng 16.9, Lễ giỗ lần thứ 188 Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã diễn ra long trọng tại di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (hay gọi lăng Ông - Bà Chiểu). Dịp này, TP.HCM cũng chính thức gắn bảng tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ Cầu Bông đến giao lộ Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh).

Vào ngày 30.7, 1.8 và 2.8 âm lịch hằng năm là ngày diễn ra lễ giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Năm nay, lịch âm tháng 7 chỉ có 29 ngày nên ngày 29.7, 1 và 2.8 âm lịch (tức ngày 16, 17 và 18.9) được chọn là ngày giỗ 188 năm ngày mất của Đức Tả quân. Theo đó, Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra trong 3 ngày gồm: Ngày Tiên thường, ngày Chánh giỗ và ngày Hậu thường. Chương trình lễ giỗ theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn.

Từ hôm nay, đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu thành Lê Văn Duyệt

Biết ơn và ghi công trước phần mộ Đức Tả quân

Từ 6 giờ sáng nay, quanh khu vực di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, không khí đã rộn ràng bởi những đoàn người, nghệ sĩ hát bội, đội ngũ múa lân… cùng hàng trăm người dân đến xem lễ. Lễ giỗ có sự tham dự của các lãnh đạo Thành ủy - UBND - HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và lãnh đạo Q.Bình Thạnh…
Đúng 7 giờ, chương trình lễ bắt đầu với ý nghĩa chính “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và theo thông lệ, dịp này cũng là ngày cầu an cho bá tánh, cầu thạnh cho quốc gia, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc

Cổng chính của di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt mới được tôn tạo  

Ảnh: Ngọc Dương

.

Lễ giỗ diễn ra theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn

Ảnh: Ngọc Dương

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh – Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, cho biết: “Năm nay là năm đầu tiên ngày giỗ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM, Sở VH-TT và UBND Q.Bình Thạnh phối hợp với Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt tổ chức. Vì thế, sự kiện lần này long trọng và có quy mô lớn hơn trước đây. Đáng ghi nhớ khi năm nay di tích đã được UBND TP.HCM tổ chức phục dựng cổng và tôn tạo hàng rào, tạo cho di tích một cảnh quan bên ngoài càng khang trang hơn. Song song đó, một niềm vui mừng lớn lao nữa là sau buổi lễ giỗ này, đoạn đường có lăng mộ Tả quân được công bố đổi tên Lê Văn Duyệt. Tài năng và công đức của Đức Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, yêu thương gọi là Ông lớn hay ông Thượng. Do đó khi tạ thế, Đức Tả quân được an táng tại lăng miếu này và nhân dân hết lòng thờ phụng đến ngày nay”.
Khoảng 7 giờ 45 là nghi thức tiếp quan khách, mời trần cau, rượu lễ; nghi thức lên trước bàn thờ Ông rước lộc và tặng khăn lộc cho quan khách với 4 từ Vinh danh Vĩnh Kỷ - tạm dịch là Tên tuổi của Ngài vang tiếng muôn thế hệ. Tiếp đến là nghi thức cúng giỗ ngày Tiên thường theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn.

Các đại biểu dâng hương tại phần mộ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt

Ảnh: Ngọc Dương

Khoảng 8 giờ 50, các đồng chí lãnh đạo và đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương tại Chánh điện, sau đó di chuyển đến phần mộ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt dâng hương và tham dự Lễ đổi tên đường Lê Văn Duyệt - đoạn từ cầu Bông đến giao lộ Phan Đăng Lưu (thuộc địa phận Q.Bình Thạnh).
Trong suốt 3 ngày lễ giỗ, các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP.HCM cũng sẽ biểu diễn suốt 3 vở: Lê Công kỳ án, Ngũ sắc châu và San hậu phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân tại di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt.

Nghệ sĩ thắp hương kính lễ trên sân khấu hát bội

Ảnh: Ngọc Dương

Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng đã được đổi tên thành Lê Văn Duyệt

Một trong những sự kiện ghi dấu ấn trong dịp giỗ năm nay của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thuộc Q.Bình Thạnh (TP.HCM) được chính thức đổi tên thành Lê Văn Duyệt.  Các bảng tên chỉ đường của đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thuộc phường 1 và phường 3 của Q.Bình Thạnh đã được thay bằng Lê Văn Duyệt. Đoạn đường này dài 947m với điểm đầu là cầu Bông phía đường Trường Sa đến đường Phan Đăng Lưu. Việc đặt lại tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt đã được đưa ra thảo luận trong nhiều hội thảo khoa học. Trước năm 1975, đoạn đường này đã từng mang tên Lê Văn Duyệt.

Lễ đổi tên đường Lê Văn Duyệt - đoạn từ cầu Bông đến giao lộ Phan Đăng Lưu (thuộc địa phận Q.Bình Thạnh)

Ảnh: Ngọc Dương

Lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu thành Lê Văn Duyệt diễn ra vào lúc 9 giờ sáng 16.9 cũng tại khuôn viên di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt và nghi thức cắt băng khánh thành đoạn đường mới diễn ra ngay vị trí góc đường Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng cũ, nay sẽ thành Phan Đăng Lưu – Lê Văn Duyệt.
Ông Hoàng Song Hà - Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q. Bình Thạnh, cho biết: “Việc đổi tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn Q,Bình Thạnh có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Qua buổi lễ công bố hôm nay, Q.Bình Thạnh sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân thay đổi, bổ sung hồ sơ quyền sở hữu nhà và đất ở, giấy tờ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình ở trên tuyến đường có tên mới tiếp tục bảo vệ cảnh quan môi trường, lòng lề đường luôn xanh - sạch - đẹp, duy trì nâng cao nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư, góp tham gia xây dựng Q.Bình Thạnh ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Lộ trình đổi tên từ đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt

Để phát huy truyền thống hào hùng của vùng đất Gia Định xưa, đánh giá đúng với công lao, tài năng của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với vùng đất Sài Gòn - Gia Định cũng như trong việc mở mang bờ cõi đất nước, đồng thời theo mong muốn của nhân dân quận Bình Thạnh, tháng 10.2019, Quận ủy - UBND Q.Bình Thạnh báo cáo xin ý kiến Thường trực Thành ủy - UBND TP.HCM chủ trương đề xuất đặt tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn Q.Bình Thạnh.

Biển tên mới của đường Lê Văn Duyệt tại Q. Bình Thạnh - TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Tháng 3.2020, UBND Q.Bình Thạnh phối hợp Sở VH-TT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của Thường trực MTTQ Việt Nam TP.HCM và các tổ chức đoàn thể trong quận; lấy ý kiến của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân phường 1, phường 3 tại khu vực có tuyến đường dự kiến đổi tên thành Lê Văn Duyệt. Các tổ chức, đoàn thể từ quận đến phường và nhân dân đều thống nhất chủ trương đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu có chiều dài 947m) thành đường Lê Văn Duyệt. Ngày 29.4.2020, UBND Q.Bình Thạnh báo cáo Ban thường vụ Quận ủy và được sự đồng thuận của tập thể Ban Thường vụ Quận ủy, hoàn tất hồ sơ trình UBND TP.HCM.
Việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt được Sở VH-TT TP.HCM lấy ý kiến và được sự thống nhất của Hội Khoa học lịch sử thành phố và Hội Di sản Văn hóa thành phố. Ngày 8.7.2020, UBND TP.HCM có tờ trình trình HĐND TP và 11.7.2020, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 26 về việc bổ sung Quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu trên địa bàn Q.Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.
Một số hình ảnh tại buổi lễ giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt sáng 16.9:

MC Thanh Bạch đến dự lễ cùng bạn bè, người thân

Ảnh: Cao Tùng

 

Các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP.HCM sẽ biểu diễn suốt lễ Giỗ 3 ngày với 3 vở: Lê Công kỳ án, Ngũ sắc châu San hậu

Ảnh: Cao Tùng

Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt được công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16.11.1988 của Bộ VH-TT-DL. Lăng Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 01 đường Vũ Tùng, phường 1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764. Nguyên quán Quãng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Từ Võ tướng thời chúa Nguyễn đến Đại thần dưới triều Nguyễn, ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ 1812 - 1815 và từ 1820 - 1832). Tả quân Lê Văn Duyệt có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam; ông chăm lo việc đào kênh, đắp lũy, xây thành, vừa phát triển kinh tế, mở rộng giao thương, củng cố nền hành chính, vừa tăng cường ngoại giao, củng cố biên cương, gia cố thế phòng thủ cả Trấn Thành và miền Gia Định… Năm 1819, ông dâng sớ về việc đào kênh Vĩnh Tế phục vụ phát triển thông thương và nhu cầu hành chính, quân sự bảo vệ vùng biên cương. Năm 1830, ông cho củng cố thành Bát Quái để tăng cường phòng thủ chống xâm lược.
Là vị Tổng trấn sống thanh liêm, khéo dùng người tài đức, kiên quyết trừng trị tham quan ô lại, có nhiều chính sách an dân, quan tâm khuyến khích người Việt, người Hoa làm ăn, an cư lạc nghiệp. Ông mất năm 1832 tại Gia Định. Nhân dân kính phục xây lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu để tôn thờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.