TP.HCM đã cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) hoạt động trở lại, từ 6 - 18 giờ theo hình thức bán hàng mang về. Những người trẻ bán trà sữa, cơm… hoan nghênh quyết định này. Tuy nhiên, những người bán cũng gặp không ít khó khăn trong việc giao hàng vì phí quá cao.
Đã chuẩn bị trước… nhưng
Sáng 9.9, chị Bùi Thị Duyên (26 tuổi), kinh doanh trà sữa tại số 11 Lý Phục Man, 444 Huỳnh Tấn Phát thuộc P. Bình Thuận, Q.7, đã chính thức mở cửa tiệm trở lại.
Chị Duyên cho hay từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, tất cả quán của chị đã “đóng băng”, hầu như không có doanh thu, nhưng phải "gánh" thuê tiền mặt bằng quá cao. Chị đành phải trả bớt một mặt bằng để giảm gánh nặng. Khi nghe tin quán được mở cửa trở lại, chị rất vui và phấn khởi.
Chị Duyên cho rằng việc kinh doanh mặt hàng thức uống chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể trở lại được như trước dịch. "Lượng khách không được như trước đây nữa, vì kinh tế khó khăn, nhu cầu giảm, mọi người hạn chế ra đường và tiếp xúc. Việc đặt shipper giao hàng rất khó mà giá cước giao hàng lại cao quá, có khi tiền công giao hàng còn cao hơn tiền thức uống", chị Duyên chia sẻ.
|
Nhiều khách đặt hàng trà sữa trên các app rất khó, có khi cả buổi mới đặt được nhưng giá thì rất cao. Chị Duyên nêu cụ thể là hồi mới có Chỉ thị 16, đặt giao hàng nhanh khoảng 1 km là 15.000 - 22.000 đồng, nhưng sáng hôm nay là hơn 30.000 đồng. "Khách không vui tí nào khi biết phí giao hàng, một số người khi nghe tôi báo phí xong khách hủy đơn hàng luôn, thật buồn!”, chị Duyên chia sẻ.
Rồi chị Duyên nói tiếp: “Sáng hôm nay khai trương, một số bạn bè thân thiết ở Q.4 đã đặt hàng nhưng tôi kêu họ đặt quán khác gần hơn vì tiền giao hàng qua đó là 70.000 đồng”.
"Không ai mua hộp cơm 35.000 đồng mà tiền giao hàng đến 50.000 đồng..."
Chị Đỗ Thị Bạch Tuyết, công tác tại Liên đoàn Võ thuật quân đội nhân dân Việt Nam, Q.Tân Bình, TP.HCM cũng đang cân nhắc liệu rằng có nên mở quán lại quán cơm hay không. Quán cơm chị Tuyết nằm trong một con hẻm ở Q.Phú Nhuận đã đóng cửa từ đầu tháng 7 để chung tay chống dịch với người dân.
“Quán ăn được phép mở cửa lại nhưng phải đảm bảo “ba tại chỗ”, trong khi quán của tôi có năm nhân viên. Trước đây, tôi hỗ trợ một bữa cho nhân viên thì nay là phải nuôi ba bữa hơn nếu mở cửa quán trở lại", chị Tuyết chia sẻ.
Theo quy định, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “ba tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 hai ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp ba người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
|
Ngoài tiền mặt bằng, điện nước, chị Tuyết còn phải chi trả tiền “test” Covid-19 liên tục cho nhân viên, mỗi người mất hơn 300.000 đồng/lần để có giấy chứng nhận, tính ra mỗi tháng chi cả chục triệu đồng.
|
Bên cạnh đó, mỗi hộp cơm bán ra chỉ lời khoảng 5.000 - 10.000 đồng nên chị Tuyết cảm thấy ngán ngẫm. "Chưa kể việc chi phí giao hàng liên quận đối với các nhu yếu phẩm như rau củ quả, thịt liên tục tăng. Không ai mua hộp cơm 35.000 đồng mà tiền ship đến 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng”, chị Tuyết nói.
Bình luận (0)