(TNO) Hôm nay (23.4), ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết, hiện chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus cúm gia cầm cũng như hiện tượng chim yến chết bất thường tại TP.HCM. TP.HCM cũng như chưa cần phải có các biện pháp gây thiệt hại kinh tế cho nhà nuôi yến để phòng cúm A/H5N1.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Thú y TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có trên 300 nhà yến. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở địa bàn huyện Cần Giờ (219 hộ nuôi). Trong nội thành thì nhiều nhất là quận 2 với 14 hộ nuôi. Còn lại, các hộ nuôi rải đều ở một số quận, huyện.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có 10 nhà nuôi yến tại Cần Giờ được cấp phép. Còn lại đều xây dựng tự phát, một số hộ cải tạo một phần diện tích nhà ở thành nơi dẫn dụ, gây nuôi chim yến.
|
Trước diễn biến cúm gia cầm H5N1 vừa qua được phát hiện trên chim yến ở Ninh Thuận, để phòng dịch, Chi cục Thú y TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện lấy mẫu giám sát cúm trên chim yến ở tất cả các nhà nuôi yến đã được thống kê trên địa bàn TP. Đồng thời kiểm dịch chim cảnh tại các khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên.
“Kiểm tra cúm trên gia cầm nếu các mẫu dương tính với cúm A nhưng âm tính với chủng H5N1 thì sẽ được chuyển qua Viện Pasteur để kiểm tra virus H7N9”, ông Thảo cho biết
Việc kiểm dịch này sẽ được thực hiện và hoàn tất trong tháng 4.
Đồng thời, theo đề xuất của Sở NN-PTNT TP.HCM và ý kiến của HĐND TP.HCM, trước mắt, TP.HCM sẽ ban hành quy chế quản lý việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn TP.
Trong đó, quy trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép xây dựng nhà nuôi yến mới; quản lý đưa các nhà nuôi yến hiện hữu đi vào nề nếp; xử lý các trường hợp phát sinh xây nhà nuôi yến ngoài khu vực được quy hoạch, xây dựng nhà nuôi yến trái phép; trách nhiệm của chủ nhà yến trong việc giám sát dịch bệnh.
Trước đó, trong buổi họp giám sát và chỉ đạo công tác phòng dịch với các cơ quan y tế, thú y, hải quan trên địa bàn TP.HCM, ý kiến của HĐND TP.HCM cho rằng, hiện các cơ quan chức năng cần thống kê chính xác, quản lý chặt chẽ các hộ nuôi yến, phải kiểm dịch thường xuyên nhưng không gây bất an, chưa cần phải có các biện pháp gây thiệt hại kinh tế cho nhà nuôi, không gây xáo trộn đời sống người dân, các hoạt động dịch vụ, kinh tế.
Nguyên Mi
>> Siết "đường lây" cúm A/H5N1 vào TP.HCM
>> Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến: Không ai làm như ta là diệt tất tần tật!
>> Giám sát, xét nghiệm tất cả các ca bệnh viêm phổi, cúm để phòng H7N9
>> Đề nghị công bố dịch cúm tại cơ sở có chim yến bị nhiễm H5N1
>> Chưa phát hiện vi rút H5N1 trên chim yến sống
>> Ninh Thuận triển khai phòng chống dịch cho chim yến nuôi
>> Không tiếp xúc gia cầm vẫn nhiễm H7N9
>> Ca tử vong thứ 16 do cúm H7N9 ở Trung Quốc
>> Chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc hỗ trợ nghiên cứu H7N9
>> Giám sát vi rút H7N9 trên gia cầm nhập lậu
>> Tăng cường đề phòng lây lan cúm A/H7N9 qua cửa khẩu
>> Phòng chống cúm A/H7N9: Kiểm tra thân nhiệt khách ở sân bay
Bình luận (0)