TP.HCM: Chương trình đột phá hay chương trình trọng điểm quan trọng hơn?

09/07/2020 16:26 GMT+7

7 chương trình đột phá của TP.HCM nhiệm kỳ này có nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành nên trong nhiệm kỳ mới, đại biểu đề nghị TP cần chọn một chương trình trọng tâm để dồn lực thực hiện.

Chiều 9.7, HĐND TP.HCM tổ chức 4 tổ thảo luận để lắng nghe các góp ý của đại biểu (ĐB) cho văn kiện đại hội đảng bộ TP lần thứ XI và dự thảo các văn kiện đại hội XIII của đảng.
Tại tổ thảo luận số 4, ĐB Trần Thanh Trí (Q.12) đề nghị loại bỏ những nội dung trùng lặp. Đồng thời, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hết ngập, hết ô nhiễm môi trường, hết ùn tắc giao thông hết tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, ĐB Trí lo ngại về tính khả thi của các mục tiêu này, nhất là tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. 

ĐB Trần Thanh Trí đề nghị TP.HCM chọn một chương trình trọng tâm thay vì cùng lúc 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm

Ảnh: Sỹ Đông

Nhiệm kỳ này, TP.HCM đề ra 7 chương trình đột phá, dù chưa tổng kết nhưng nhìn sơ bộ thì chưa có chương trình nào hoàn thành. Trong văn kiện đại hội đảng bộ, TP có 4 chương trình bao gồm 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm.
“Vậy thì chương trình đột phá quan trọng hơn hay chương trình trọng điểm quan trọng hơn, vấn đề này tùy theo nhận thức của mỗi người”, ông Trí nhìn nhận và đề nghị TP xác định một mục tiêu trọng tâm và tập trung nguồn lực để hoàn thành từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Bỏ HĐND cấp quận, phường

Đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM đề nghị đưa giải pháp cụ thể đối với việc xây dựng chính quyền vào văn kiện của Đảng bộ TP để bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; trong đó thí điểm một số mô hình phù hợp với thực tiễn và đặc thù của TP.
Cụ thể, ông Đức đề nghị TP đề xuất Trung ương cho phép thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận và phường nhằm tăng tính chủ động trong chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. Thời gian qua, HĐND quận, huyện, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Còn ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa, sự tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM đề nghị Trung ương cho phép thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận và phường

Ảnh: Sỹ Đông

“Cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước”, ông Đức nhận định.
Trước đó, trong giai đoạn 2011 - 2016, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường trên địa bàn TP.HCM, UBND các quận, huyện, phường không có HĐND hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy. Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính. Các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương, TP.HCM vẫn thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.