TP.HCM có 6 quận thuộc diện sáp nhập trong 3 năm tới

04/08/2023 06:24 GMT+7

Chiều 3.8, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TP.HCM, PV Thanh Niên đặt câu hỏi về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tại TP.HCM.

6 quận, 142 đơn vị cấp phường, xã phải sắp xếp lại

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ TP.HCM), cho biết qua rà soát, TP.HCM có 6 đơn vị cấp huyện và 142 đơn vị cấp xã chưa đủ điều kiện về dân số và diện tích nên thuộc diện sắp xếp. Cụ thể, 6 quận thuộc diện sắp xếp gồm: Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.11 và Q.Phú Nhuận. Ông Hiếu cũng cho biết có 4 trường hợp đặc thù không thuộc diện sắp xếp và Sở Nội vụ đang phối hợp các địa phương rà soát từng xã, phường, thị trấn để đưa ra phương án cuối cùng.

TP.HCM có 6 quận thuộc diện sáp nhập trong 3 năm tới - Ảnh 1.

Những quận có diện tích dưới 7 ki lô mét vuông và dân số dưới 300.000 người sẽ thuộc diện sắp xếp

NGỌC DƯƠNG

Hiện TP.HCM có 16 quận (1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và Bình Tân), 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi), 1 TP (TP.Thủ Đức) với 312 phường, xã, thị trấn. Trong đó, có 21 đơn vị cấp huyện và 223 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số.

6 quận TP.HCM thuộc diện phải sáp nhập vì không đủ diện tích, dân số

Theo văn bản hợp nhất số 19 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính thì cấp quận có dân số từ 150.000 người, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên và ít nhất 10 phường. Cấp huyện ở khu vực đồng bằng có dân số từ 120.000 người, diện tích từ 450 km2 và 13 xã, thị trấn trở lên. Đối với cấp phường, diện tích rộng từ 5,5 km2, dân số phường thuộc quận từ 15.000 người, phường thuộc TP từ 7.000 người trở lên; xã rộng từ 30 km2 và dân số từ 8.000 người trở lên.

Ngày 30.7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, trong đó xác định 3 trường hợp phải sắp xếp. Thứ nhất, cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn. Thứ hai, đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn. Thứ ba, cấp xã đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Như vậy, những quận có diện tích dưới 7 km2 và dân số dưới 300.000 người sẽ thuộc diện sắp xếp. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, 6 quận có diện tích dưới 7 km2 gồm: Q.3 (4,92 km2), Q.4 (4,18 km2), Q.5 (4,27 km2), Q.10 (5,72 km2), Q.11 (5,14 km2) và Q.Phú Nhuận (4,88 km2). Các quận này cũng đều có dân số đăng ký thường trú dưới 300.000 người.

TP.HCM phản hồi thông tin không chính xác về sáp nhập quận, phường, xã

LÝ DO CHẬM KHỞI TỐ HÀNH VI TRỐN ĐÓNG BHXH

Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan việc xử lý trốn đóng BHXH, BHYT, các ứng dụng cho vay kiểu "tín dụng đen" và biển số xe định danh.

Cụ thể, ông Hà nêu 3 nguyên nhân dẫn đến trốn đóng BHXH gồm: ý thức chấp hành của một số doanh nghiệp (DN) chưa cao; nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi; suy thoái kinh tế, dịch bệnh Covid-19 khiến DN khó khăn, làm ăn thua lỗ, phá sản nên không có kinh phí đóng bảo hiểm cho người lao động.

Công an TP.HCM đang tiếp nhận, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xử lý các DN trốn đóng BHXH nhưng quá trình xác minh, kiến nghị khởi tố còn chậm.

Ông Hà nêu hàng loạt lý do như hồ sơ từ cơ quan BHXH chuyển giao chưa đảm bảo giá trị pháp lý; hồ sơ không thể hiện hành vi trốn đóng, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng; công tác thanh tra, kiểm tra đã lâu. Đại diện Công an TP.HCM còn cho biết nhiều DN không còn hoạt động hoặc chuyển sang địa phương khác, thay đổi pháp nhân, tuyên bố phá sản để né tránh các nghĩa vụ với người lao động, gây khó khăn cho cơ quan điều tra khi xác minh. "Ban giám đốc Công an TP.HCM đã giao các phòng nghiệp vụ đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc nếu có dấu hiệu hình sự", thượng tá Hà nói.

Công an TP.HCM: ‘Nhiều nơi trốn đóng bảo hiểm, né tránh nghĩa vụ với người lao động’

TRIỆT XÓA 27 ỨNG DỤNG CHO VAY "TÍN DỤNG ĐEN"

Về hoạt động cho vay kiểu "tín dụng đen", Công an TP.HCM nhận định các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, núp bóng DN cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng (app) tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen". Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt app và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các app vay khác.

Dù lãi suất trong hợp đồng cho vay thường không vượt quá 20%/năm nhưng người vay phải trả thêm các loại phí như: phí dịch vụ, phí phạt dẫn đến lãi suất thực tế có thể lên tới vài chục phần trăm/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý.

Từ đầu năm đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; triệt xóa 27 app cho vay "tín dụng đen" như goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay...

Công an TP.HCM vạch trần thủ đoạn tinh vi của tín dụng đen

Biển số xe 4 số không nhất thiết đổi thành 5 số

Liên quan thủ tục sang tên, đổi chủ ô tô, xe máy biển kiểm soát (biển số) có 4 số kể từ sau ngày 15.8, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết xe đã đăng ký biển số 3 số hoặc 4 số vẫn được tiếp tục tham gia giao thông, trừ khi chủ xe có nhu cầu cấp sang biển số định danh mới. Khi chủ xe làm thủ tục cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, cấp đổi biển số xe, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, cấp lại biển số xe hoặc đăng ký sang tên thì thu hồi biển số hiện tại và cấp đổi sang biển số định danh.

Về thắc mắc liệu có được làm giấy ủy quyền cho tặng xe kèm biển số, đại diện Công an TP.HCM khẳng định chủ xe chỉ được bán, tặng, cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, điều chuyển xe kèm theo biển số trúng đấu giá. Nếu chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, thì chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi. Dù chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu.

Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, được đăng ký, giữ nguyên biển số xe trúng đấu giá. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá chỉ được chuyển quyền sở hữu xe, chứ không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số cho người khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.