TP.HCM có nơi 35-37 độ C: Đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt

Thảo Phương
Thảo Phương
27/02/2024 09:00 GMT+7

TP.HCM đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nhiều người trẻ quê ở những tỉnh thành có khí hậu mát mẻ, se lạnh cảm thấy bị sốc nhiệt khi quay lại thành phố sau tết.

Cảm, sốt vì thay đổi nhiệt độ

Theo như Thanh Niên đã đưa tin trước đó, ngay sau kỳ nghỉ tết Giáp Thìn, thời tiết TP.HCM, Nam bộ nắng nóng gay gắt, có nơi 35 - 37 độ C, đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt.

TP.HCM có nơi 35-37 độ C: Đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt- Ảnh 1.

Sau tết, thời tiết TP.HCM nắng nóng gay gắt

THẢO PHƯƠNG

Nhiều người trẻ về quê tận hưởng kỳ nghỉ tết trong thời tiết mát mẻ, se lạnh nên khi quay lại thành phố ngay đợt nắng nóng họ đã gặp các vấn đề về sức khỏe do chênh lệch nhiệt độ.

Sau nửa tháng về quê ở TP. Huế nghỉ tết, Nguyễn Minh Thư, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cảm thấy sốc nhiệt khi quay trở lại thành phố để đi học. “Mình không nghĩ lại nắng nóng đến mức như vậy. Tết năm nay mặc dù ở quê nhiệt độ không xuống thấp như mọi năm nhưng tiết trời vẫn khá lạnh. Nhất là buổi tối hay sáng sớm phải mặc đồ ấm, có ngày nhiệt độ chỉ khoảng 18 - 20 độ C. Còn đến lúc vào lại TP.HCM thì nắng bể đầu”, Thư cho biết.

“Từ TP.HCM về Huế mình bị cảm sốt hết 4 ngày mà đến khi vào lại cũng nghẹt mũi, hắt xì liên tục vì thay đổi thời tiết. Rất mệt mỏi”, Thư nói.

TP.HCM có nơi 35-37 độ C: Đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt- Ảnh 2.

Đề phòng say nắng, sốc nhiệt khi di chuyển ngoài trời nắng nóng

THẢO PHƯƠNG

Cũng trong tình trạng sổ mũi, đau họng do chênh lệch nhiệt độ khi từ quê trở lại thành phố, Nguyễn Thị Mỹ Hương (24 tuổi), ngụ tại hẻm 86 Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình (TP.HCM), kể: “Về Đắk Lắk nghỉ tết thời tiết mát mẻ, se lạnh rất dễ chịu, mình làm gì cũng thấy thích. Đến khi hết tết vào lại TP.HCM thì nắng rát da. 3 ngày đầu tiên quay lại thành phố mình đã bị sốt, ho, sổ mũi. Trời nắng đến nỗi mình không muốn ra đường. Cho nên những ngày đi làm mình tranh thủ dậy sớm hơn để nấu cơm mang theo chứ thời tiết này giữa trưa không dám bước chân ra đường”.

Đề phòng say nắng, sốc nhiệt

Để thích nghi với sự thay đổi điều kiện nhiệt độ do di chuyển từ vùng lạnh sang vùng có nền nhiệt cao hơn, thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM khuyên mọi người không nên chủ quan. "Khi đi từ vùng lạnh đến nóng, do thay đổi nhiệt độ làm cơ thể chưa thích nghi được, sức đề kháng giảm nên dễ dẫn đến những triệu chứng khó chịu như các bạn trẻ kể trên. Tuy nhiên, nếu nơi đến có nền nhiệt quá nóng thì cần chú ý đến vấn đề sốc nhiệt", bác sĩ Lợi cho hay.

Định nghĩa về sốc nhiệt, bác sĩ Lợi giải thích: "Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao quá mức, trên 40 độ C và diễn ra đột ngột. Chủ yếu do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một khoảng thời gian dài, trong khi cơ thể chưa kịp thích nghi dẫn đến ra nhiều mồ hôi khiến mất nước, chất điện giải làm tổn thương hệ thống kiểm soát điều hòa thân nhiệt. Tùy vào mức độ và xử trí ban đầu, nhưng nhìn chung sốc nhiệt nguy hiểm và cần thận trọng. Vì sốc nhiệt là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt, có thể gây tổn hại cho não, tim, thận, tiêu cơ vân và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Do đó, nên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để biết được nhiệt độ tại khu vực sinh sống hoặc những thay đổi bất thường có thể xuất hiện".

TP.HCM có nơi 35-37 độ C: Đề phòng sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt- Ảnh 3.

Nên trang bị mắt kính, khẩu trang, áo khoác chống nắng để bảo vệ sức khỏe khi đi ngoài trời nắng nóng

THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Lợi thông tin thêm nắng nóng kéo dài thường làm gia tăng tình trạng sốc nhiệt, say nắng, kiệt sức, mất nước, ngoài ra cũng có thể gây nên tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da.

Do đó, khi phải di chuyển ngoài trời nắng nóng bác sĩ Lợi đưa ra lời khuyên: “Nên mặc trang phục mát, đồ nhẹ, rộng, chất liệu cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, quần áo sáng màu, mang khẩu trang, tránh những chất liệu vải quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt. Thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15 hoặc cao hơn. Tránh nắng vào khoảng 11 - 15 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất. Cần lưu ý không nên tập thể dục vào các thời điểm nắng gắt trong ngày”.

Với những công nhân, người lao động nặng nhọc, vận động viên, cầu thủ bóng đá, bác sĩ Lợi chia sẻ nên mặc các loại quần áo mỏng, thoáng và uống đủ lượng nước cần thiết, bổ sung điện giải. Ngoài ra, những người có bệnh nền về tim mạch, huyết áp, sức đề kháng yếu hoặc trẻ em thì sốc nhiệt do thời tiết nắng nóng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nên đặc biệt cần lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.