TP.HCM đang thẩm định 33 đề án 'dám đột phá'

28/03/2023 14:13 GMT+7

Từ 92 ý tưởng đề xuất của cơ sở, Sở Nội vụ chọn 33 đề án 'dám đột phá' để tổ chức thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt trước khi thực hiện.

Sáng 28.3, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo 3 nghị định: chính sách tinh giảm biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phálợi ích chung; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14/2021, Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện.

Các sở ngành, địa phương gửi đề xuất về cơ quan đầu mối là Sở Nội vụ. Qua đánh giá 92 đề án gửi về, Sở Nội vụ nhận định có 33 đề án đạt yêu cầu và tổ chức thẩm định. Tổ thẩm định gồm đại diện các sở ngành, nếu đạt thì chuyển về cho đơn vị làm đề án chi tiết, trình UBND TP.HCM phê duyệt. Nếu đề án không đạt thì trả về.

TP.HCM đang thẩm định 33 đề án 'dám đột phá' - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết thành phố đang thẩm định 33 đề án dám đột phá

SỸ ĐÔNG

"59 đề án bị trả về do mới chỉ năng động, sáng tạo giống như phong trào thi đua chứ chưa có yếu tố đột phá, dám nghĩ, dám làm", ông Nhân nói thêm.

Trong khi đó, ông Ngô Công Hầu, Giám đốc Sở Nội vụ Bạc Liêu nhìn nhận, thực tiễn hiện nay có những người sợ sai, không dám làm gì nên nghị định khuyến khích cán bộ dám đột phá cần sớm ban hành. Dù vậy, ông Hầu băn khoăn với tình huống cùng một mô hình cụ thể nhưng nhiệm kỳ này hiệu quả còn nhiệm kỳ sau thực hiện không hiệu quả, hoặc làm sai thì công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ như thế nào.

Dám làm nhưng chưa dám triển khai

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang, cho rằng nên có chế tài với những trường hợp cá nhân có ý kiến sáng tạo mà thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận.

Đối với quy định 5 - 10 ngày phải giải quyết các đề án, ông Trí nhìn nhận thời gian khá ngắn nên sẽ khó khi áp dụng. Ông dẫn chứng một ý tưởng ảnh hưởng đến toàn tỉnh, cần thông qua Ban Cán sự Đảng cấp tỉnh thì 5 ngày sẽ không đảm bảo thời gian.

TP.HCM đang thẩm định 33 đề án 'dám đột phá' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang

SỸ ĐÔNG

Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang cho biết, tỉnh có ý tưởng đột phá về tinh giản biên chế, lãnh đạo tỉnh "dám làm nhưng chưa dám triển khai" vì chưa có quy định. Cụ thể, tỉnh này đang đánh giá cán bộ hằng năm theo điểm số, và muốn đưa những trường hợp có điểm thấp hơn vào diện tinh giảm, thay vì phải 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ như quy định hiện hành. Ông Trí nêu thực tế số trường hợp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ rất thấp, nên khó tinh giảm biên chế.

Ông Trí cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh đã xin ý kiến cơ quan Trung ương về đề án này, trong đó Bộ Nội vụ đồng tình còn Ban Tổ chức Trung ương nói làm theo quy định. Do đó, ý tưởng này chưa thể triển khai.

Khó mấy cũng phải làm

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhìn nhận nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là "vấn đề rất mới và rất khó".

Dự kiến, dự thảo nghị định về việc này sẽ báo cáo xin ý kiến các cơ quan tư pháp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất về pháp lý, cơ sở chính trị.

TP.HCM đang thẩm định 33 đề án 'dám đột phá' - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội thảo

SỸ ĐÔNG

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nghị định chỉ ban hành khung cơ bản. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào để cụ thể hóa phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị. Dù đánh giá đây là nghị định khó nhưng bà Trà bày tỏ, "khó mấy cũng phải làm và phải làm cho bằng được". Tuy nhiên, việc xây dựng nghị định sẽ không cầu toàn mà sẽ hoàn thiện dần, có thể nâng lên thành văn bản pháp quy cao hơn, tạo nền tảng cho cán bộ dám làm, dám đột phá.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đang tập trung tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tiếp theo. Do đó, cần phải chủ động cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách tinh giảm biên chế để sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đánh giá trong điều kiện và bối cảnh hiện nay cần có cơ chế đủ mạnh để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng cũng như yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.