Sáng qua (5.8), chiếc xe tiêm vắc xin lưu động đậu trước hẻm 194 Võ Văn Tần (P.5, Q.3, TP.HCM) để chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân trong khu hẻm bị phong tỏa này.
Tiêm vắc xin tận nhà, khắc phục bất cập
Địa điểm nói trên có 60 hộ gia đình với khoảng 200 nhân khẩu được xếp vào khu vực có nguy cơ cao vì có 11 ca dương tính với Covid-19, gồm 8 ca cách ly tập trung và 3 ca cách ly tại nhà. Những người đủ điều kiện tiêm được lên danh sách từ trước, chờ nhân viên y tế thông báo khi đến lượt. Cơn mưa bất chợt trong lúc tiêm nên cả người dân và nhân viên y tế vừa tiêm vừa tránh mưa nhưng không tập trung đông. Những người dân trên 65 tuổi hoặc dưới 65 tuổi nhưng có bệnh lý nền sẽ được tiêm vắc xin Moderna, còn lại tiêm vắc xin AstraZeneca.
Ông Nguyễn Thiện Tâm (64 tuổi) sống tại hẻm 194 Võ Văn Tần phấn khởi khi được tiêm vắc xin dù đang sống trong khu vực phong tỏa. “Sống trong khu phong tỏa không thể ra ngoài nên nghe có đội tiêm vắc xin lưu động, chúng tôi rất vui và phấn khởi. Tình hình dịch đang phức tạp, tiêm vắc xin tôi thấy yên tâm hơn. Các nhân viên y tế cũng hướng dẫn rất cặn kẽ”, ông Tâm nói. Sau khi tiêm xong, ông Tâm ngồi chờ 20 phút để theo dõi rồi về nhà. Một số người dân lớn tuổi khó khăn trong việc đi lại được nhân viên y tế tới tận nhà tiêm; những người huyết áp cao, thân nhiệt cao thì hoãn tiêm để tiếp tục theo dõi. Ông Dương Minh Hải, Chủ tịch UBND P.5, cho biết quận triển khai tiêm vắc xin lưu động cho người dân trong khu vực này để thu hẹp nguy cơ cao, mở rộng vùng xanh.
|
TP.HCM đang tổ chức đợt tiêm chủng thứ 6 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8.2021 với mục tiêu 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin, qua đó sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Đợt tiêm này được TP.HCM giao quyền chủ động về cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai. Dù đa số các điểm tiêm đảm bảo yêu cầu giãn cách nhưng vẫn còn một vài điểm tập trung đông người. Như tại điểm tiêm tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (19 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình) ngày 4.8, người dân tập trung khá đông, một số người phải quay về dù được hẹn đến tiêm. Hay một điểm tiêm khác tại P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức) ngày 4.8 cũng tập trung đông, cảnh tượng nhốn nháo.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.Tân Bình cho biết ngày 3.8, lượng vắc xin chỉ đủ tiêm cho buổi sáng, quận báo cho Sở Y tế và UBND TP.HCM cấp thêm để tiêm cho buổi chiều. Nhưng do thông tin trễ, trong khi phường lỡ gửi thư mời nên chiều không có vắc xin. Đến sáng 4.8, nhiều người được mời tiêm từ hôm trước đến tiêm cùng một số người đi sớm nên dẫn đến tập trung đông, quận đã điều phối. “Người dân nôn nóng tiêm vắc xin Covid-19, cứ nghĩ hôm nay không đi thì hết vắc xin. Tuy nhiên, tiêm cả tháng, nên người dân yên tâm. Điểm tiêm Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn có 4 bàn tiêm, dự kiến tiêm 800/người/ngày”, vị này thông tin, đồng thời cho biết sẽ sắp xếp lại cho ổn, mở thêm điểm tiêm và nói thêm: “Cũng có trường hợp khi phường mời tiêm, người dân rủ luôn cả hàng xóm đi vì sợ hết vắc xin”.
Q.Tân Bình có hơn 300.000 người thuộc độ tuổi tiêm vắc xin Covid-19, sắp xếp 48 bàn tiêm ở 15 phường và các điểm tiêm ở các bệnh viện, kể cả bệnh viện tư nhân cũng tham gia để tiêm cho người trên 65 tuổi. Dự kiến, quận mở các điểm tiêm lưu động ở chung cư, khu phong tỏa, nơi có người già khó khăn trong việc đi lại. Lãnh đạo UBND Q.Tân Bình khuyến cáo người dân đi tiêm đúng giờ để đảm bảo giãn cách, phối hợp với chính quyền để điều phối.
Còn lãnh đạo Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cho biết nguyên nhân dẫn đến tập trung đông do người dân tranh thủ đi tiêm vì sợ hết vắc xin, “trong khi các lần trước thì không chịu ra tiêm”. Sau khi điều phối điểm tiêm tại P.Thảo Điền, đến ngày 5.8 đã ổn định. Lãnh đạo Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cho biết toàn thành phố có 70 - 80 điểm, kể cả tiêm lưu động; mỗi ngày sẽ tiêm từ 300 - 500 mũi/bàn. TP.Thủ Đức có số lượng người trong độ tuổi tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất TP.HCM với 884.000 người.
Tiếp thu phản ánh của Báo Thanh Niên về việc mời người dân tiêm gấp gáp khi tối hôm trước mời sáng hôm sau đi tiêm, bà Lê Thị Anh Thư, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè, cho biết sẽ phân bổ lại lịch mời tiêm giãn ra 1 ngày để người dân chủ động hơn. Trong trường hợp người dân được mời tiêm nhưng có việc đột xuất, không tiêm được thì hôm sau quay lại tiêm bình thường. Để đảm bảo giãn cách, bà Thư cho biết sẽ mời người dân đến tiêm theo khung giờ, hết lượt này đến lượt khác.
Lãnh đạo UBND H.Nhà Bè cho biết để không lập trùng danh sách (vì người dân vừa đăng ký nơi làm việc, vừa đăng ký nơi cư trú), huyện sử dụng phần mềm do Sở TT-TT hướng dẫn. Đối với những người lớn tuổi hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh để đăng ký qua mạng, các tổ dân phố sẽ phát phiếu để người dân điền thông tin, sau đó thu phiếu để nhập dữ liệu lên hệ thống. “Huyện có dân số đông nên tiêm theo thứ tự. Những trường hợp nào có dữ liệu trước thì tiêm trước”, bà Thư cho hay.
Cung ứng đầy đủ, không để tiêm gián đoạn
Về việc cấp vắc xin hiện nay, có quận huyện phản ánh hiện cứ chiều tối hằng ngày phải đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận vắc xin để tiêm cho hôm sau, đồng thời kiến nghị HCDC cấp nhanh, cấp một lần cho nhiều ngày. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về vấn đề này tại buổi họp báo chiều 5.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định hiện HCDC không cấp vắc xin theo ngày mà theo từng đợt. Ngoài ra, khả năng lưu trữ vắc xin phụ thuộc vào các trung tâm y tế, thông thường nhận đầy kho thì ngưng. Do những ngày qua, tốc độ tiêm chủng tăng nhanh nên dẫn đến việc tiếp nhận liên tục chứ không phải HCDC phân bổ vắc xin theo từng ngày.
“Các địa phương cần chủ động hơn để làm chủ nguồn vắc xin của mình, tổ chức tiêm cho phù hợp. Chủ trương của Trung tâm điều phối vắc xin TP.HCM là sẽ cung ứng đầy đủ để đảm bảo tiêm liên tục, không gián đoạn”, ông Đức nhấn mạnh. Hiện TP.HCM còn 695.000 liều vắc xin AstraZeneca trong kho, riêng vắc xin Pfizer và Moderna đã cấp hết cho các quận, huyện để tiêm cho đúng thời gian. Tốc độ tiêm chủng vắc xin của TP.HCM khoảng 200.000 liều/ngày và Bộ Y tế đang tích cực hỗ trợ các nguồn vắc xin tiếp theo để tiêm liên tục, dự kiến sắp tới sẽ được cấp thêm vắc xin AstraZeneca.
Sẽ xem xét trả lời đề nghị mượn vắc xin Sinopharm của TP.Hải PhòngTại buổi họp báo chiều 5.8, trả lời câu hỏi về quan điểm của TP.HCM trước đề nghị của TP.Hải Phòng về việc mượn 500.000 liều vắc xin Sinopharm, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết TP.HCM là “thành phố nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước” nên sẽ xem xét đề nghị này và trả lời TP.Hải Phòng trong thời gian sớm nhất trên tinh thần tương trợ lẫn nhau. Hiện lô vắc xin 1 triệu liều Sinopharm này đang được Bộ Y tế kiểm định, TP chưa triển khai tiêm trong đợt 6.
|
Giải đáp câu hỏi của phóng viên về việc Sở Y tế yêu cầu tiêm hết vắc xin Pfizer và Moderna được cấp đợt trước đây hoàn thành trước ngày 8.8, ông Đức cho biết số vắc xin Pfizer và Moderna này đã cấp cho các quận, huyện, TP.Thủ Đức và bệnh viện tiêm. Tuy nhiên, 2 loại vắc xin này có yêu cầu lưu trữ hết sức ngặt nghèo và đều phải qua công đoạn rã đông.
Sau khi rã đông xong thì phải tiêm trong vòng 1 tháng, nếu không sẽ hết hạn. Số lượng vắc xin đề cập trong văn bản của Sở Y tế còn hạn đến ngày 13.8, nhưng số lượng ít nên Sở Y tế yêu cầu tiêm hết trước ngày 8.8 để các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiêm. Trong trường hợp tiêm chậm thì vẫn còn thời gian dự trữ, các đơn vị có thể tiêm tiếp trong những ngày còn lại, tránh lãng phí.
Cũng theo ông Dương Anh Đức, hiện Sở Y tế và Sở Ngoại vụ đang cập nhật tình hình tiêm chủng cho người nước ngoài để cân đối giữa các đối tượng tùy vào khả năng của TP.
Bình luận (0)