TP.HCM: Được bán mang về nhưng nhiều chủ quán còn e dè, trì hoãn

10/09/2021 16:33 GMT+7

Ghi nhận của chúng tôi trong ngày 10.9 cho thấy, dù được cho phép mở bán mang về, nhưng nhiều người kinh doanh ở TP.HCM vẫn còn lo ngại, cho biết chờ đến ngày 15.9 mới kinh doanh trở lại.

Ngày 10.9, ghi nhận của chúng tôi tại một số quán ăn trên các tuyến đường ở TP.HCM sau khi thành phố cho phép các hàng quán đủ điều kiện được hoạt động trở lại, bán mang về.

Gặp khó về nguồn cung nguyên liệu

Chị Hạnh, kinh doanh bánh mì và một số mặt hàng khác như chả, chà bông,.. trên đường 3 Tháng 2 (Q.10) mở bán mang về, cho biết: “Một bịch bánh mì trước đây bán 20.000 đồng, nhưng giờ phải bán 30.000 đồng mới có lời. Chỉ hoạt động trong Q.10 thì nguyên liệu không có nhiều, đại lý giao bao nhiêu chúng tôi bán bấy nhiêu, người ta bỏ một bịch bánh 25.000 đồng, thì chúng tôi phải bán 30.000 đồng”. Chị Hạnh nói thêm, ngoài bánh mì, những mặt hàng khác cũng đều đội giá thành như chả, chà bông,... vì nguồn cung khan hiếm và khó khăn khi vận chuyển.

Giá các mặt hàng thực phẩm hiện cao hơn trước

KHÁNH TRẦN

Tại đường Nguyễn Gia Trí (Q.Bình Thạnh), nơi được cho là một trong những “thiên đường ăn uống” của TP.HCM, những ngày đầu tiên được kinh doanh bán mang về, hàng quán vẫn đóng cửa im lìm.
Chị Trần Thị Thúy (30 tuổi, quê Nam Định) chủ quán bún đậu Tràng Tiền (112 Nguyễn Gia Trí, P.25, Q.Bình Thạnh) cho biết thông tin được phép bán hàng trở lại khiến chị vừa mừng vừa lo. Gia đình chị và nhân viên làm việc cho quán đã tiêm đủ 2 liều vắc xin nên chị Thúy cho biết yên tâm phần nào nếu như bán trở lại. Nhưng vì gặp nhiều bất cập trong việc buôn bán nên khi biết thông tin được phép kinh doanh trở lại, chị Thúy chia sẻ vẫn còn e dè.

Hàng quán bán mang về: Rục rịch dọn dẹp nhưng chưa sẵn sàng mở lại!

Chị Trần Thị Thúy bán rau kiếm thêm thu nhập, cầm cự tới khi có thể buôn bán lại bình thường

ĐÀO NGUYÊN

“Tôi có ý định mở bán lại nhưng vẫn chưa liên hệ được với cơ sở cung cấp nguyên liệu. Họ cũng như mình, dù rất muốn kinh doanh trở lại nhưng vì việc giao nhận hàng hóa từ quận này qua quận khác quá khó khăn và khan hiếm hàng nên họ cũng đang xem xét tình hình rồi mới trả lời”, chị Thúy nói.
Bán cơm trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM) nhưng nghỉ gần 3 tháng nay, bà Dung mong chờ từng ngày để được bán lại. Tuy nhiên, khi TP.HCM ra thông báo cho bán mang về từ hôm 8.9, bà Dung tỏ ra băn khoăn vì thời điểm này việc chuẩn bị buôn bán vẫn gặp khó khăn.
“Nếu bán lại thì tôi cũng tự làm hết vì giờ cũng không còn đủ tiền để thuê người. Trước tôi đi chợ gần nhà từ 3 giờ sáng để mua nguyên liệu, nhưng giờ chợ gần nhà chưa mở. Tôi cũng đăng ký để bán trên các ứng dụng nhưng chưa được. Số tiền tích lũy từ trước giờ cũng cạn kiệt vì chi phí cho mặt bằng nhưng tôi phải giữ để hết dịch còn có nơi để làm ăn”, bà Dung cho hay.

Bán giá cũ không có lời, cao quá không ai mua

Một chủ quán phở trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) cho biết sẽ chờ đến ngày 15.9 để bán trở lại vì hiện nay dù cho bán mang về vẫn phải đảm đáp ứng được nhiều yêu cầu. Chẳng hạn, phải đăng ký giao hàng qua ứng dụng nhưng không phải cứ đăng ký là được. Ngoài ra, hiện nay người dân vẫn hạn chế ra đường, doanh thu cũng không được bao nhiêu nếu chỉ bán cho khách vãng lai. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguyên liệu, nhân lực để bán lại cũng là vấn đề.

Nhiều quán ăn hiện vẫn tạm nghỉ

KHÁNH TRẦN

Đại diện một quán ăn hoạt động “3 tại chỗ” trên đường Ngô Thời Nhiệm (Q.3), có lượng đơn đặt hàng qua các ứng dụng giao đồ ăn tăng mạnh từ hôm 8.9, cho biết: “Chúng tôi hoạt động 3 tại chỗ nên cũng hạn chế nhân lực ở mức tối thiểu. Tất cả nhân viên đã tiêm vắc xin mũi 1 hoặc 2, xét nghiệm 3 ngày 1 lần. Dù chi phí nhiều, nhưng nhờ có nguồn khách quen, và khách hàng đặt online qua ứng dụng, chúng tôi vẫn có thể hoạt động được. Nhưng việc giao hàng gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng nhiều mà người giao hàng lại ít”.
Chị Trần Thị Thúy, chủ quán bún đậu Tràng Tiền (nêu trên) cho biết, từ khi phải ngừng buôn bán do dịch Covid-19, nhân viên của quán bị kẹt lại không thể về quê nên chị giữ mọi người lại lo ăn uống và chỗ ngủ nghỉ. Chuyện lời lãi khi buôn bán trong lúc dịch bệnh căng thẳng hiện nay khiến chị càng thêm đau đầu.
“Tính cả người nhà và nhân viên là 11 miệng ăn, dịch bệnh khó khăn tôi cũng chỉ có thể lo cơm nước chứ cũng không thể trả lương cho nhân viên được. Tiền dành dụm cũng đã sắp hết, trong khi đó tiền thuê mặt bằng vẫn phải đóng đều dù không buôn bán gì được, khiến kinh tế gia đình gần như kiệt quệ”, chị Thúy chia sẻ.
Chị Thúy lo ngại nếu nâng giá đồ ăn lên thì không ai mua mà giữ nguyên giá thì không có lợi nhuận, hơn nữa phí giao hàng tăng cao hơn bình thường. “Một phần bún đậu có giá 60.000 đồng bây giờ tính cả phí giao hàng là 100.000 đồng thì ai ăn cho nổi”, chị Thúy nói.
Trong khi đó, nhiều người lựa chọn bán hàng qua mạng xã hội, không đăng ký qua ứng dụng. Họ chủ động được nguồn nguyên liệu và chế biến tại nhà, rao bán trên mạng xã hội rồi đi giao tận nơi trong khu vực nhất định. Hình thức này thu hút được nhiều người mua vì sự tiện lợi, nhanh chóng.
Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về.
TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa là shipper trong phạm vi một quận, huyện, TP.Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.