TP.HCM gặp khó về nhân lực xây dựng đô thị thông minh

17/07/2020 04:28 GMT+7

Một trong những nguyên nhân khó tuyển được người là mức lương quá cao, có vị trí lên tới cả chục ngàn USD/tháng.

Ngày 16.7, Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội TP.HCM khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết hiện TP đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội; đang xây dựng hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung của TP. Một số sở ngành cũng triển khai đề án riêng về các lĩnh vực, như: giao thông, chống ngập, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, môi trường... trên các ứng dụng di động. Dù vậy, ông Cường nhìn nhận các giải pháp khoa học công nghệ và thông tin thay đổi liên tục, trong khi quy trình đầu tư theo luật Đầu tư công và luật Ngân sách nhà nước phức tạp, thời gian kéo dài. Điều này dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ không còn phù hợp.

Trung tâm điều khiển giao thông giải cứu ùn tắc giao thông - Video tư liệu

Thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết trong đề án đô thị thông minh, dữ liệu về người dân (trên cơ sở dữ liệu dân cư và hộ tịch) là hết sức quan trọng để dự báo, mô phỏng cũng như quản lý. Thế nhưng, trong khi dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành được 70% thì dữ liệu dân cư do Bộ Công an triển khai còn chậm. Bà Trinh đề nghị Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ sở dữ liệu dân cư.
Để giải quyết bài toán về sự lạc hậu công nghệ cũng như kinh phí vận hành thiết bị, bà Trinh cho rằng hình thức thuê dịch vụ là phù hợp, nhưng khi triển khai lại gặp khó về quy định mà cụ thể là Nghị định 40/2020 về hướng dẫn thực hiện luật Đầu tư công không cho dùng vốn đầu tư công để thuê dịch vụ. Đồng thời, Nghị định 73/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có một số từ ngữ gây trở ngại khi sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp trên 15 tỉ đồng để thuê dịch vụ.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở TT-TT đang đề nghị Bộ TT-TT hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, TP cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin, hiện bình quân đơn vị cấp quận chỉ có 1 tổ công nghệ thông tin khoảng 2 - 3 người thuộc văn phòng. Chưa kể, việc tuyển dụng nhân sự mới cũng khó khăn; nhân sự khi tuyển được rồi thì cần thêm nhiều thời gian để đáp ứng công việc.
Đáng lưu ý, bà Trinh cho biết lĩnh vực an toàn thông tin càng không tuyển được nhân sự do mức lương chuyên gia lên tới cả chục ngàn USD/tháng, không có cơ quan nhà nước nào đáp ứng được. Do vậy, TP.HCM đang tính đến phương án thuê dịch vụ, giải quyết được khâu đầu tư thiết bị và đội ngũ vận hành. Có thể thuê theo dạng TP đầu tư ban đầu, sau đó thuê đội ngũ chuyên nghiệp vận hành thì vẫn đảm bảo hiệu quả của các thiết bị, phù hợp với xu thế hiện nay.

Địa phương phải mua biểu mẫu của bộ, ngành

ĐB Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết đề án đô thị thông minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính, thế nhưng thực tế có tình trạng các biểu mẫu để thực hiện thủ tục hành chính do bộ ngành ban hành và các địa phương phải mua để sử dụng. Đây là vấn đề gây phiền phức và không thuận tiện cho cơ quan nhà nước và người dân. “Đã là biểu mẫu thì chỉ cần quy định khung chung rồi để cho địa phương xây dựng và sử dụng biểu mẫu, người dân có thể lên mạng tải biểu mẫu về sử dụng”, bà Thuận nói.
ĐB Thuận cũng đề nghị Sở TT-TT có giải pháp kết nối, tích hợp dữ liệu từ các sở, ngành và 24 quận huyện để tránh tốn kém khi xây dựng kho dữ liệu dùng chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.