Ngày 24.12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, TP.HCM triển khai thực hiện kế hoạch hưởng ứng ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh (27.12) năm 2023 trong toàn ngành y tế.
Theo đó, HCDC đề nghị các đơn vị y tế tăng cường thông tin, giới thiệu về ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh và đẩy mạnh truyền thông về các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm gia cầm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tại mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường triển khai các hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết.
HCDC sẽ thành lập 2 đoàn công tác để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM.
Biến thể JN.1 mới gây bệnh Covid-19 nguy hiểm ra sao?
Theo HCDC, ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27.12 có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng đối với việc phòng chống dịch. Do đó, HCDC kêu gọi tất cả mọi người dân đều có trách nhiệm và hãy cùng chung tay với ngành y tế và các cấp chính quyền địa phương phòng ngừa, chuẩn bị, đáp ứng với dịch bệnh.
Bộ Y tế trước đó cũng đã ban hành kế hoạch hưởng ứng ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27.12) năm 2023 với chủ đề toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao ý thức của người dân và tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng chống dịch bệnh, đồng thời phát động phong trào thi đua phòng chống dịch bệnh năm 2024.
Xem nhanh 12h ngày 24.12: Biến thể JN.1 mới gây bệnh Covid-19 nguy hiểm ra sao?
Theo HCDC, ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness) đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đồng thuận, thông qua trong Nghị quyết số A/RES/75/27 ngày 27.12.2020. Kể từ đó, ngày này càng trở nên quan trọng, ghi nhận sự cần thiết phải chuẩn bị toàn cầu cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh lớn có tác động tàn khốc đến cuộc sống con người, tàn phá sự phát triển kinh tế và xã hội lâu dài, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, toàn xã hội càng hiểu sâu sắc hơn tác động này. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Để có được sự chuẩn bị hiệu quả đòi hỏi phải chia sẻ thông tin, nguồn lực và kiến thức chuyên môn giữa các quốc gia và cộng đồng địa phương.
Thông điệp truyền thông hưởng ứng ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27.12) năm 2023
- Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh.
- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác - chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
- Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch bệnh.
- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng chống dịch bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển.
- Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng chống dịch bệnh.
- Quan hệ tình dục an toàn để phòng chống bệnh lây lan qua đường tình dục.
- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.
- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn.
- Phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, giữ ấm cơ thể, thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời.
- Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh.
- Thực hiện 2K (khẩu trang - khử khuẩn) để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.
Bình luận (0)