TP.HCM kiên cường chống dịch Covid-19: Mở rộng vùng xanh

01/08/2021 06:40 GMT+7

Bên cạnh các biện pháp khống chế, kiểm soát, ngăn chặn lây lan dịch bệnh ở các khu vực có ca nhiễm, TP.HCM đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng vùng xanh và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân.

Hơn 1 tuần trước, người dân trong hẻm 69 Trần Kế Xương (P.7, Q.Phú Nhuận) nảy sinh ý tưởng lập một hàng rào nhỏ trong hẻm để hạn chế người lạ vào bên trong. Sau đó, nhận được sự hưởng ứng của những hộ xung quanh và hướng dẫn của phường, chốt được dời ra tận đầu hẻm. Tại mỗi chốt đều gắn tấm bảng “khu vực tự quản - vùng an toàn” với một số yêu cầu như người cách người, nhà cách nhà, hạn chế ra vào, chỉ ra ngoài khi mua hàng thiết yếu, giao nhận hàng tại nhà… kèm theo khẩu hiệu “Vì Q.Phú Nhuận bình yên - Đẩy lùi dịch bệnh”. Mô hình chốt kiểm soát vùng xanh (vùng không có ca nhiễm) nhanh chóng được người dân ủng hộ, đến nay đã có 16 khu vực vùng xanh theo phương thức nhân dân tự quản tại P.7, nhiều phường khác cũng bắt đầu học hỏi cách làm này.

Các khu vực an toàn (vùng xanh) tại Q.3, TP.HCM được kiểm soát nghiêm ngặt

ẢNH: KHẢ HÒA

Giữ vững “sắc xanh”

Ông Đinh Gia Huỳnh, Bí thư Đảng ủy P.7 (Q.Phú Nhuận), cho biết mục tiêu của các chốt kiểm soát vùng xanh xuất phát từ mong muốn của người dân về nơi mình sinh sống không có ca bệnh; hoặc khi có ca bệnh mà đã giải quyết xong thì không để ca phát sinh nữa. Trên cơ sở đồng thuận của người dân, cấp ủy phường phối hợp trưởng khu phố và trưởng ban công tác mặt trận chọn địa điểm dựng chốt, người dân tự phân công nhau trực. “Có hộ dân còn tự lấy hàng rào của nhà mình, sửa chữa lại thành hàng rào nhỏ đặt vừa vặn trước hẻm rồi treo băng rôn. Người thì mang dù bạt, bàn ghế ra lập chốt bảo vệ vùng xanh; phường hướng dẫn làm cuốn sổ nhật ký ghi thời gian giao hàng, ai nhận hàng, số điện thoại shipper..., khi cần thì truy vết dịch tễ. Thấy các thành viên trực chốt vất vả, người dân trong hẻm gửi tặng chai nước, ly cà phê, bịch trái cây để động viên nhau”, ông Huỳnh nói.

HCDC: TP.HCM tổng cộng 34.639 ca Covid-19 đã được xuất viện

Bảo vệ vùng xanh là bảo vệ người già, người có nguy cơ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng bảo vệ vùng xanh là bảo vệ người già, người cao tuổi, người có yếu tố nguy cơ, và kể cả các vùng khác cũng phải bảo vệ như vậy. Bảo vệ người già là để khỏi mắc bệnh, khỏi tử vong. Do đó, cần phân loại gia đình nào có người lớn tuổi thì phải cách ly kiểu khác, gia đình nào không có người lớn tuổi, không có nguy cơ thì cách ly kiểu khác. Muốn bảo vệ người già thì người trẻ trong nhà, trong khu vực vùng xanh không được bị bệnh để khỏi lây cho người già. Chiến lược bây giờ là phải tìm những người già để bảo vệ cho đến khi có vắc xin bao phủ. Song song đó là thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K.    
Duy Tính
Ông Huỳnh cho biết người dân tổ chức chốt theo mô hình tự quản giúp việc kiểm soát người ra vào nhẹ nhàng hơn, các lực lượng của phường tập trung công tác chuyên môn. Không chỉ người dân sinh sống trong hẻm mà người dân ở chung cư cũng hưởng ứng nhiệt tình. Bên cạnh các chốt vùng xanh chưa có ca nhiễm, người dân trong khu vực từng có ca nhiễm nay đã “sạch bóng Covid-19” như hẻm 46 Nguyễn Công Hoan cũng hưởng ứng, lập chốt kiểm soát với quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh tái xâm nhập.
Nhiều tuyến hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng 8 và đường Nguyễn Hiền (P.4, Q.3) cũng lập chốt bảo vệ vùng xanh, người dân cùng tình nguyện viên túc trực canh gác, hàng hóa và người dân ra vào đều phải khử khuẩn. Tại chốt phía trước cổng cư xá Đô Thành (đường Nguyễn Hiền), vạch sơn ghi rõ vị trí đứng của nhân viên giao hàng, người dân muốn ra hoặc vào khu vực “vùng xanh” thì phải dừng xe, xuất trình giấy tờ.
Ông Lê Minh Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy P.4 (Q.3), cho biết hiện phường đã lập được 12 chốt bảo vệ vùng xanh, các chốt hoạt động từ 6 - 21 giờ, chia làm 3 ca trực với lực lượng là các tình nguyện viên và người dân tại khu phố.
Theo quy định, nhân viên giao hàng chỉ giao được hàng đến đầu chốt và điện thoại cho người nhận ra chốt để nhận, hàng hóa được khử khuẩn toàn bộ trước khi giao. Người dân trong khu vực khi ra ngoài phải đúng theo các trường hợp quy định, người dân ở bên ngoài khi vào bên trong phải được xác nhận là người trong khu vực.
Trước hiệu quả kiểm soát dịch bệnh thông qua chốt bảo vệ vùng xanh, nhiều xã, phường ở TP.Thủ Đức, Q.1, Q.7, H.Nhà Bè, H.Củ Chi... cũng lập các chốt tương tự.

Yên lòng bên chốt bảo vệ “vùng xanh” ngay nơi Covid-19 nóng bỏng nhất

Ý nghĩa nhất là sự đồng hành của người dân

Kể từ khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng (từ ngày 9.7), TP.HCM đã đề ra các giải pháp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh, trong đó tập trung vào khoanh “vùng đỏ” (vùng có nhiều ca nhiễm), mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19. Trong buổi kiểm tra một số chốt bảo vệ vùng xanh ở Q.4 và H.Nhà Bè chiều tối 31.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao mô hình này cũng như sự ủng hộ, chung tay tuân thủ giãn cách của người dân.
Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, nhìn nhận ý nghĩa lớn nhất của các chốt tự quản kiểm soát vùng xanh chính là sự ủng hộ, đồng hành của người dân cùng quận giữ gìn cho bản thân và cộng đồng trước những nguy cơ khó lường của dịch Covid-19. Việc giữ “sắc xanh” trên bản đồ Covid-19 được thực hiện trên 2 hướng: khu dân cư chưa có ca bệnh và khu vực có ca nhiễm (tức là vùng đỏ) đã thực hiện tầm soát, lấy mẫu, làm sạch ca bệnh. Có nhiều khu phố, phường chưa kịp triển khai thì người dân đã đề nghị làm sớm, thống nhất với nhau là cùng ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc. “Trong suốt thời gian qua, người dân đã đồng hành cùng chính quyền giữ cho khu vực mình sinh sống an toàn, sạch bóng dịch bệnh thì nay càng phải quyết tâm gìn giữ. Nếu người dân không ủng hộ thì quận cũng sẽ làm không nổi”, ông Tùng bày tỏ.
UBND Q.Bình Thạnh cũng vừa có văn bản gửi 20 phường về việc thiết lập chốt bảo vệ vùng xanh tại các khu dân cư chưa có dịch với mục tiêu giữ vững khu vực chưa có ca nhiễm, các chốt hoạt động trên tinh thần vừa bảo vệ, vừa kiểm soát, tạo sự thuận tiện cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.