TP.HCM liên kết du lịch Tây Bắc: Cơ hội đi tour an toàn, giá cạnh tranh

14/11/2020 20:23 GMT+7

Sau khi TP.HCM ký liên kết hợp tác phát triển cùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, du khách có cơ hội đi tour an toàn với các biện pháp phòng dịch được đặt lên hàng đầu, giá cạnh tranh hợp lý và nhiều sự lựa chọn.

Chiều 14.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang và Phú Thọ) đã ký liên kết hợp tác phát triển du lịch tại TP.Việt Trì (Phú Thọ).

Liên kết để phát triển

Phát biểu tại Hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc liên kết ngày càng quan trọng; tinh thần và cách làm liên kết cần nhân rộng ra cả nước không chỉ các tỉnh mà còn nội tại trong tỉnh, giữa các ngành bởi liên kết là bổ trợ sức mạnh cho nhau.
Phó thủ tướng yêu cầu điều đầu tiên ngành du lịch cần thống nhất, rằng muốn tồn tại được là phải an toàn từ cơ sở lưu trú, đi lại, nhà hàng và phải thực hiện theo các tiêu chí phòng dịch của Bộ Y tế.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Trần Cường

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn và còn những điểm nghẽn đã được nhận diện, bản thỏa thuận liên kết hợp tác giữa các địa phương được kỳ vọng như “chìa khóa” để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn.
Theo ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La và Yên Bái sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn, hấp dẫn khách du lịch với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Trong những năm qua, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh, không gian địa lý của toàn vùng thì doanh thu từ du lịch còn khiêm tốn. Nếu đặt trong tương quan với tổng lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đến Việt Nam thì những con số đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Do vậy, bên cạnh việc liên kết nội vùng, các tỉnh Tây Bắc rất cần liên kết hợp tác phát triển du lịch với những địa phương trọng điểm là trung tâm du lịch của cả nước như TP.HCM.

Người dân được lợi từ liên kết

Theo ông Quang, hội nghị sẽ xây dựng những định hướng mới trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược của các tỉnh, thành phố, hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố, thu hút khách du lịch và đầu tư đến các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương đồng thời góp phần tích cực từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19.
Sau ký kết, 9 địa phương sẽ cùng ban hành kế hoạch hành động triển khai cụ thể của năm 2021, tạo ra làn gió mới cho du lịch của TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc.

Hội nghị "Liên kết phát triển bền vững" diễn ra tại TP. Việt Trì (Phú Thọ) ngày 14.11

Trần Cường

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, sau ký kết, du khách sẽ được hưởng lợi vì có nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm du lịch mới và sản phẩm được làm mới về tour tuyến, chi phí cho các tour cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi du lịch ở nhiều phân khúc khác nhau. Ngoài ra, du khách có cơ hội tiếp cận với nhiều chương trình quảng bá du lịch vì các địa phương cùng phối hợp thực hiện.
“Du khách hoàn toàn yên tâm đi du lịch vì khi ký kết các địa phương đặt tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 lên trên hết và là tiêu chí quan trọng nhất đối với các chương trình du lịch liên kết. Doanh nghiệp lữ hành TP.HCM tổ chức tour tuyến đi khắp cả nước buộc phải tuân thủ theo đúng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của TP”, bà Hoa nhấn mạnh.
Đại diện Công ty Vietravel nhận định, tiềm năng du lịch các tỉnh Tây Bắc rất lớn nhưng việc khai thác còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch chưa phát triển đồng bộ.
Do đó, công ty này đề xuất một số giải pháp để góp phần phát triển du lịch sau liên kết. Cụ thể như: đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Dựa vào giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa, mỗi tỉnh cần xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp để tăng tính hấp dẫn cho khách du lịch. Từ đó, các tỉnh cùng kết nối, xây dựng các tour du lịch đặc trưng của toàn vùng; nâng cấp các tuyến đường giao thông; đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm đạt tiêu chuẩn kinh doanh sản vật địa phương; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.