TP.HCM mờ sương sáng sớm, dự báo mưa kết hợp triều cường gây ngập

24/10/2022 10:28 GMT+7

Mấy ngày qua, TP.HCM xuất hiện sương mù vào sáng sớm, tiết trời mát mẻ, dễ chịu. TP.HCM cũng chuẩn bị đón kỳ triều cường cao đầu tháng 10 âm lịch, kết hợp mưa dễ gây ngập úng vùng trũng thấp, ven sông.

Liên tiếp nhiều ngày qua, TP.HCM xuất hiện sương mù buổi sáng sớm, tầm nhìn xa giảm, các tòa cao ốc mờ ảo trong làn sương sớm.

Giải thích hiện tượng này, ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mấy ngày qua, hình thế thời tiết gồm áp cao lạnh lục địa có cường độ yếu (vẫn duy trì và khuếch tán sâu xuống phía Nam), làm cho nền nhiệt giảm. Rãnh áp thấp xích đạo có trục ở vào khoảng 7 - 9 độ vĩ Bắc, nên độ ẩm không khí khu vực Nam bộ khá cao.

Bên cạnh đó, gió Đông đến Đông Bắc có cường độ trung bình - yếu trên các vùng biển ngoài khơi Nam bộ, gió Đông mang hơi ẩm từ biển vào đất liền các tỉnh Nam bộ.

TP.HCM xuất hiện sương mù vào buổi sáng sớm mấy ngày qua
vũ phượng

Thời tiết mấy ngày qua ở TP.HCM, Nam bộ chiều tối hoặc đêm có mưa. Như vậy lớp khí quyển tầng thấp có chứa lượng ẩm cao, nhiệt độ không cao làm cho đầu giờ sáng nhiều mây, nắng yếu, từ đó hình thành lớp mù.

Sáng nay, TP.HCM mây thay đổi, không mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ. Nhiệt độ lúc 8 giờ tại trạm Tân Sơn Nhất là 28oC, độ ẩm 94%.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, áp cao lạnh lục địa có cường độ suy yếu dần tuy nhiên đêm nay và ngày mai sẽ được tăng cường lệch Đông. Rãnh áp thấp có trục khoảng 6 - 8 độ vĩ Bắc tiếp tục duy trì có xu hướng dịch chậm lên phía Bắc. Gió Đông Bắc có cường độ yếu đến trung bình trên các vùng biển ngoài khơi Nam bộ.

Dự báo thời tiết Nam bộ mây thay đổi, ngày nắng. Tuy nhiên trời nắng không kéo dài mà vào đầu giờ chiều, khoảng sau 13 giờ mây đối lưu phát triển gây mưa rào trên diện rải rác, nhưng lượng mưa vừa, mưa to sẽ có xu hướng giảm, có nơi mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to. Trong cơn giông cần đề phòng sét, gió giật mạnh.

Mưa lớn đề phòng nước không thoát kịp kết hợp với triều cường, khu vực trũng thấp, ven sông TP.HCM có thể bị ngập nước ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông.

Cảnh báo có thể ngập do triều cường cao

Cũng theo đơn vị này, trong 24 giờ qua, mực nước tại trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên chậm và ở mức cao. Đến 7 giờ ngày 24.10, mực nước ở một số trạm như Phú An (sông Sài Gòn), Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đã trên BĐIII 0,04 - 0,05m, trạm Nhà Bè cũng xấp xỉ BĐII.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch trong những ngày tới. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 25 - 27.10 (tức từ ngày 1 - 3.10 âm lịch) và ở mức sau: tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức 1,67 - 1,72m (cao hơn BĐIII từ 0,07 - 0,12m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 5 - 7 giờ và 17 - 19 giờ. Tại trạm Thủ Dầu Một có thể lên mức 1,72 - 1,77m (cao hơn BĐIII 0,12 - 0,17m).

TP.HCM, Nam bộ đang vào kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch, đây là kỳ triều cường cao, có thể ngập úng nhiều nơi
nhật thịnh

"Đây là kỳ triều cường cao, cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp và ven sông", Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo.

Riêng tại Cần Thơ, Đài Khí tượng Thủy văn TP.Cần Thơ dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch TP.Cần Thơ tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày 26 - 28.10 (ngày 2 - 4.10 âm lịch).

Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên mức 2,20 - 2,25m, cao hơn BĐIII 0,20 - 0,25m (xấp xỉ đỉnh triều cường Rằm tháng 9 âm lịch vừa qua). Đây cũng là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức rất cao. Người dân cần chú ý đề phòng trong thời gian triều lên kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng tại các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của TP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.