UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội).
Lý do, Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sau 5 năm triển khai dù đạt được một số kết quả nhưng về cơ bản chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, mà dư địa còn rất lớn cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Chưa kể, nhiều lĩnh vực được phân cấp nhưng quy trình, thủ tục hành chính vẫn bị vướng mắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM 15 năm qua có xu hướng giảm dần |
nguyên vũ |
TP.HCM đưa ra các con số dẫn chứng cho đà tăng trưởng của thành phố đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1996 - 2010 bình quân 10,2%/năm, đến giai đoạn 2011 - 2025 giảm xuống 7,22%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 6,41%/năm.
Các nội dung trong nghị quyết mới là những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp, TP.HCM xin được làm thí điểm với tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. TP.HCM kỳ vọng các cơ chế mới giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch.
Giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách đến năm 2025
Một số cơ chế đáng chú ý về tài chính ngân sách như: quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân (trừ bất động sản duy nhất).
Mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay.
TP.HCM muốn được thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên để hạn chế tình trạng đầu cơ |
sỹ đông |
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị mở rộng giới hạn các khoản vay của địa phương so với với số thu ngân sách địa phương được hưởng theo Nghị quyết 54/2017 từ 90% lên mức 120%; giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 21% đến năm 2025; hoàn thiện mô hình công ty đầu tư tài chính nhà nước.
Về tài nguyên môi trường, TP.HCM kiến nghị phân cấp cho UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị do Thủ tướng phê duyệt mà không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể; phân cấp xử lý các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, chung cư cũ, nhà ở trên và ven kênh rạch. TP.HCM nhận định quy định pháp luật chồng chéo là điểm nghẽn chính của các dự án đầu tư nhà ở hiện nay.
Đối với công tác bồi thường, TP.HCM xin được thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ” khi giải phóng mặt bằng, bảo đảm tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất. Cơ chế này có thể thí điểm tại TP.HCM để tổng kết thực tiễn trước khi áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đề xuất thí điểm thực hiện việc tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”, đội vốn do thiếu mặt bằng thi công.
Tự quyết số lượng nhân sự cấp phường, xã
Về tổ chức bộ máy, TP.HCM kiến nghị phân cấp cho HĐND quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn. TP.HCM nhận định đây là vấn đề rất bức xúc đang đặt ra hiện nay, nhất là đối với những xã, phường đông dân nhưng đang áp dụng cơ chế chung về số lượng biên chế không hợp lý.
Trong tờ trình, TP.HCM cũng kiến nghị cho phép HĐND TP.HCM được quyền quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
TP.HCM muốn được phân cấp tự quyết định số lượng công chức, người làm việc ở phường, xã |
sỹ đông |
Đối với TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM kiến nghị 4 nội dung gồm: cho phép HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM phân cấp cho chính quyền TP.Thủ Đức một số lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng của HĐND và UBND TP.HCM; chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành cho UBND TP.Thủ Đức; quy định chế độ phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo của TP.Thủ Đức cao hơn thành phố thuộc tỉnh nhưng thấp hơn cấp tỉnh; ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP.Thủ Đức để chi đầu tư phát triển…
Ngày 2.12, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết).
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đến năm 2045, TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Bộ Chính trị yêu cầu TP.HCM huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TP.HCM, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới...
Bình luận (0)