TP.HCM: Ông Nguyễn Thành Phong kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 tại BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115

Duy Tính
Duy Tính
10/05/2021 20:39 GMT+7

Chiều muộn ngày 10.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và khu cách ly tập trung tại H.Nhà Bè.

“Gác cửa” bệnh viện cẩn thận

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết 100% bệnh nhân nhập nội trú, cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải xét nghiệm Covid-19.
Theo bác sĩ Thức, mỗi ngày có khoảng 150 bệnh nhân nhập nội trú mới và khoảng 350 bệnh nhân tại cấp cứu. Tất cả phải được xét nghiệm Covid-19. Bệnh nhân nhập nội trú chờ kết quả xét nghiệm âm tính mới từ phòng đệm vào phòng bệnh.
Những bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông cần mổ cấp cứu thì được xem như là bệnh nhân Covid-19, mổ tại phòng mổ riêng. Những bệnh nhân vô danh cũng được xem là mắc Covid-19 vì không khai thác được yếu tố dịch tễ, phải xét nghiệm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhân dân 115 chiều ngày 10.5

Ảnh: Duy Tính

Đối với người nhà bệnh nhân, 1 bệnh nhân 1 thân nhân nuôi. Từ ngày 10.5, bệnh viện sẽ xét nghiệm Covid-19 cho người nuôi bệnh ở các nơi có nguy cơ cao như: khoa thận nhân tạo, cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hô hấp...
Thân nhân người nuôi bệnh phải trả phí xét nghiệm theo quy định là 734.000 đồng/xét nghiệm PCR. Các khoa khác xét nghiệm ngẫu nhiên 10% thân nhân.

Chiều 10.5: Thêm 16 ca Covid-19 cộng đồng ở Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên

TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cũng cho biết bệnh viện đã đưa khu sàng lọc bệnh ra ngoài, hiện đại. Với bệnh nhân đi khám bệnh sẽ phải qua khu sàng lọc riêng, nếu có yếu tố dịch tễ, nghi ngờ sẽ đưa lên xe chụp X-quang cạnh đó, nếu nghi nhiễm Covid-19 bệnh nhân sẽ đi vào khu cách ly.
Với bệnh nhân cấp cứu, bệnh viện bố trí phòng sàng lọc bên ngoài, có phòng dành cho bệng nhân nặng. Nếu bệnh nhân an toàn với Covid-19 thì mới được đưa vào khoa Cấp cứu. Với người nuôi bệnh, 1 bệnh nhân có 1 thân nhân, được quản lý bằng thẻ ra vào. Mỗi tầng mỗi tháng máy riêng.
Cả Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện 115 đều có phương án quản lý nhân viên từ các công ty dịch vụ bên ngoài vào như giao thuốc, vệ sinh, dinh dưỡng…. Hiện có khoảng hơn 60% nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy tiêm chủng, trong khi đó, tại Bệnh viên Nhân dân 115 tỉ lệ này đạt 93%.

Kiểm tra thân nhiệt khá hiện đại Bệnh viện Chợ Rẫy.

ẢNH: Duy TÍnh

Nếu dịch bệnh xâm nhập ở TP.HCM, bệnh viện?

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Bệnh viện Chợ Rẫy có 4.200 nhân viên, bệnh nhân nội trú từ 2.800 - 3.000, ngoại trú từ 5.500 - 6.000. Thời điểm hiện tại, do dịch bệnh, lượng bệnh nhân giảm 30%.
“Đặt vấn đề, nếu bị phong tỏa thì trong bệnh viện có khoảng 5.000 người. Bệnh viện đã sẵn sàng phương án hậu cần (thực phẩm, thuốc, trang thiết bị), bác sĩ trực được lên phương án để đáp ứng yêu cầu điều trị, phòng chống dịch", bác sĩ Thức cho biết.
Ngoài ra, Chợ Rẫy còn có trung tâm truyền máu vẫn đảm bảo cho hoạt động cấp máu cho cả phía nam. Trung tâm truyền máu được lập 1 đường riêng để không bị ảnh hưởng nếu có bị phong tỏa.

Khai báo y tế tại Bệnh viện Nhân dân 115.

ẢNH: DUY TÍNH

Còn theo TS.BS Phan Văn Báu, Bệnh viện Nhân dân 115 có 2.275 nhân viên làm việc, nếu có sự cố dịch bệnh xâm nhập xảy ra, bệnh viện cho nhân viên cắm trại để chống dịch. Khóa từng khoa phòng để đánh giá, xử lý chứ không phong tỏa bệnh viện nếu dịch bệnh xâm nhập 1 vài khoa phòng nào đó. Các phương án hậu cần cũng đã sẵn sàng.
Hiện bệnh viện có 115 máy thở, trong đó có 84 máy đáp ứng điều trị Covid-19, 2 phòng áp lực âm, 1 phòng mổ áp lực âm, 1 hệ thống ECMO, khu cách ly 40 giường, cần thiết mở rộng ra 30 giường, tăng cường giường hồi sức…
Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 cũng muốn triển khai test nhanh. Tuy nhiên, việc đấu thầu mua test nhanh hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có quy chế nên khó mua nhanh được.

Chuẩn bị nhân, vật lực sẵn sàng

Tại cuộc làm việc với 2 bệnh viện, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết TP.HCM trong tư thế sẵn sàng các phương án để đảm bảo năng lực ứng phó các tình huống dịch lan rộng.

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết 100% bệnh nhân nhập nội trú, cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải xét nghiệm Covid-19

Ảnh: Duy Tính

TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng chuẩn bị triển khai thêm 4 khu cách ly, nâng tổng công suất toàn thành phố lên 10.000 giường. Sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 giường bệnh theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế. Dự trù kế hoạch bảo đảm điều trị cho từ 100 -  200 người bệnh, 500 thì càng tốt.
Ngành y tế xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường; chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật, các trung tâm y tế cập nhật, hoàn chỉnh các phương án, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Sở Y tế thống kê các vật tư, thiết bị cần thiết để phục vụ cho kế hoạch điều trị (máy thở, găng tay, thiết bị y tế khác…), năng lực xét nghiệm. Hình thức, chú trọng huy động lực lượng của xã hội. Trong điều kiện ở mức độ cao, thiết bị, đội ngũ nhân sự các bệnh viện, ngành y tế phải tính toán chặt chẽ.
Hiện TP.HCM chưa tới 4.000 bác sĩ chuyên khoa nhiễm (tính tất cả bệnh viện trên địa bàn TP.HCM), chưa đề cập đến đội ngũ điều dưỡng, y tá. Một bệnh nhân Covid-19 cần 12 người điều trị. Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các bệnh viện, ngành y tế bồi dưỡng, đào tạo ngằn hạn, phải sẵn sàng đội ngũ này trong trường hợp cần thiết. Nếu trông chờ lực lượng từ nơi khác gởi đến là rất chậm.
Riêng với Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, nếu bệnh viện cần một khu sàng lọc riêng tách bạch với bệnh viện thì báo cáo, TP.HCM sẽ có phương án hỗ trợ. Bệnh viện Chợ Rẫy dù là bệnh viện Bộ Y tế nhưng không tách rời hoạt động tại TP.HCM, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là công dân TP.HCM. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.