TP.HCM sẵn sàng thực hiện cơ chế vượt trội

03/06/2023 05:53 GMT+7

Nhiều cơ chế vượt trội sẽ được HĐND TP.HCM thể chế hóa trong tháng 7.2023 để triển khai ngay, thay vì chờ đợi, làm từng bước theo cách cũ.

Ngày 2.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã có kế hoạch triển khai chuẩn bị thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Đây là sự chủ động chuẩn bị của UBND TP.HCM để thực hiện ngay các cơ chế khi Quốc hội ban hành, không để bị chậm trễ, đảm bảo đem lại hiệu quả thiết thực từ sớm và đầy đủ. Kế hoạch của UBND TP.HCM xác định nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ và yêu cầu nhiệm vụ.

TP.HCM sẵn sàng thực hiện cơ chế vượt trội  - Ảnh 1.

Các cơ chế thu hút nguồn lực được kỳ vọng giúp TP.HCM giải quyết nhanh bài toán hạ tầng giao thông

Ngọc Dương

Thông qua 8 nội dung trong tháng 7.2023

Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu thống nhất nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy trong quá trình triển khai các công tác chuẩn bị nội dung thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù; các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực chuyên môn; đảm bảo đúng quy trình, thủ tục với tinh thần khẩn trương và hiệu quả.

Kế hoạch phân công các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ tương ứng 7 lĩnh vực trong dự thảo nghị quyết mới, gồm: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy TP.HCM; và tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.

Trong đó, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu, trình UBND TP.HCM trong tháng 6.2023 dự thảo nghị định của Chính phủ cụ thể hóa tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách mà nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ quy định. Sở KH-ĐT làm đầu mối phối hợp bộ, ngành trình Chính phủ ban hành nghị định này trong quý 3/2023.

Ngoài ra, UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác do Chủ tịch Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai các nội dung thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Ông Phan Văn Mãi đề nghị HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát, phản biện để góp phần hoàn thiện các nội dung, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả khi được ban hành.

Trong tháng 6.2023, các sở, ngành phải hoàn thiện 8 tờ trình để trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm (tháng 7.2023). Có thể kể đến một số tờ trình quan trọng như: phân bổ vốn cho các dự án và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với số vốn tăng thêm; bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư; chi thu nhập bình quân tăng thêm.

Đáng chú ý, tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP.Thủ Đức cũng được ưu tiên xem xét thông qua sớm để tạo tiền đề cho "thành phố trong thành phố" phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đối với chính sách về đất đai, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua quy định về trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, và quy định sử dụng ngân sách thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi có thông báo thu hồi đất.

TP.HCM sẵn sàng thực hiện cơ chế vượt trội  - Ảnh 2.

Lên danh mục dự án kêu gọi đầu tư

Trong dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa như hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền, làm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, cho thực hiện hình thức đối tác công tư lĩnh vực văn hóa, thể thao. UBND TP.HCM đánh giá những cơ chế này giúp các công trình hạ tầng đô thị, xã hội, văn hóa, thể thao được triển khai nhanh hơn, giúp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, đã lập danh sách dự kiến một số dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Song song đó, Sở cũng đang phối hợp Sở KH-ĐT tham mưu quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính đối với doanh nghiệp tham gia dự án. Đồng thời, xác định các khu đất do nhà nước quản lý và quyết định cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với bãi xe, nhà vệ sinh công cộng.

Rút kinh nghiệm từ nghị quyết cũ

Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, đánh giá đây là sự chủ động của TP.HCM khi đón nhận cơ chế mới, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 54 năm 2017. Sự sốt sắng và quyết liệt của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP.HCM thể hiện khát vọng bứt phá trong phát triển của thành phố, đặc biệt là sau một thời gian khi nền kinh tế bị chững lại vì nhiều lý do. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng đang mong chờ vào một "làn gió mới" từ các cơ chế vượt trội để khơi thông nguồn lực bị kìm hãm bấy lâu nay.

PGS-TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, với tâm thế hành động quyết liệt của TP.HCM cùng với định hướng, hỗ trợ nhiệt huyết từ Trung ương thì chính sách mới vượt trội trên sẽ mau chóng đi vào thực tiễn. Nếu chờ đợi đến khi Quốc hội thông qua rồi làm theo quy trình cũ thì sẽ mất thời gian, lãng phí nguồn lực và mất đi cơ hội và sự năng động vốn có của thành phố.

Lần này, TP.HCM đã chủ động hơn, chuẩn bị các kế hoạch, kịch bản để khi Trung ương thông qua thì sẽ sẵn sàng lựa chọn thực hiện các văn bản dưới luật phù hợp với thực tế địa phương nhằm phát huy và đưa nghị quyết vào cuộc sống. "Nếu tận dụng tốt các cơ chế mới này hiệu quả thì một lần nữa TP.HCM sẽ thể hiện được bản lĩnh tiên phong đi đầu", PGS-TS Vũ Tuấn Hưng nhận định.

Ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, Phó chánh văn phòng Sở VH-TT Nguyễn Mỹ Hạnh cho hay, đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất khoảng 27 dự án kêu gọi xã hội hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP) và thu hút vốn FDI. Ngay khi Quốc hội thông qua nghị quyết mới, Sở VH-TT tiếp tục phối hợp Sở KH-ĐT và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch xây dựng phương án phù hợp; đồng thời mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực tham gia các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.

Trong kế hoạch của UBND TP.HCM, Sở Nội vụ được giao tham mưu khá nhiều nội dung về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, phân cấp, ủy quyền. Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin đã phân công các phòng, ban liên quan phụ trách từng lĩnh vực để đảm bảo đúng tiến độ chung. Dự kiến, nhiều nội dung sẽ được thể chế hóa tại kỳ họp tháng 7.2023 của HĐND TP.HCM, một số nội dung khó hơn sẽ trình trong kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp cuối năm. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng sẽ thống nhất chủ trương một số cơ chế để triển khai thực hiện. "Khối lượng công việc của các sở tương đối nhiều. Như liên quan đến bộ máy TP.Thủ Đức, có nội dung do Sở Nội vụ tham mưu nhưng có cái thì TP.Thủ Đức phải làm", ông Nhân nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.