Có 6 quận (3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận) và 142 phường không đủ diện tích và dân số, thuộc diện phải sáp nhập. Cách đây chưa tới 3 năm, TP.HCM cũng có đợt sắp xếp 19 phường thành 9 phường và sáp nhập Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức thành TP.Thủ Đức.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận việc bỏ tổ dân phố là đúng đắn vì hoạt động không hiệu quả, làm cho khu phố mất đi vai trò; đồng thời việc sáp nhập đơn vị hành chính để có quy mô lớn hơn, quản lý hiệu quả hơn, tránh tình trạng bị cắt khúc cũng là điều nên làm.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính chắc chắn sẽ gây ra xáo trộn nên theo TS Thiện Trí, chính quyền cần có giải pháp kiểm soát, sáp nhập theo lộ trình, không nên làm đồng loạt. "Khi làm đồng loạt sẽ gây ra làn sóng, cơ quan nhà nước ứng phó không kịp. Có thể đưa ra lộ trình 2 năm đầu sáp nhập khoảng 10% ở một số địa phương để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dự liệu được bất cập phát sinh và đưa ra phương án xử lý", TS Thiện Trí nói.
TS Thiện Trí cũng cảnh báo nếu làm ồ ạt theo phong trào thì cả cơ quan nhà nước và người dân đều dễ bị sốc, nhất là khi số lượng đơn vị hành chính và khu phố, ấp phải sắp xếp trong 3 năm tới là rất lớn. Chưa kể, khi dồn sức vào giải quyết những xáo trộn, nhất là chuyện thay đổi giấy tờ thì đội ngũ cán bộ, công chức sẽ không còn đủ thời gian và sự tập trung cho công việc quan trọng khác. Đặc biệt, TP.HCM đang cần tập trung thực hiện hàng chục cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023 để tạo động lực phát triển cho thành phố.
Liên quan việc thay đổi giấy tờ khi thay đổi địa giới hành chính, nhiều ý kiến chuyên gia mà Thanh Niên khảo sát đều khuyến nghị cơ quan nhà nước cần thiết lập và kết nối các cơ sở dữ liệu với nhau để giải quyết thay vì phải bắt người dân làm thủ công lại từng loại giấy tờ.
"Nhà nước nên chủ động xử lý, đừng đẩy khó khăn đó về cho người dân", TS Thiện Trí nói, đồng thời cho rằng trong trường hợp không đủ hạ tầng để giải quyết thì cơ quan chức năng đi đến tận khu phố để hỗ trợ người dân giống như việc cấp căn cước công dân.
Bình luận (0)