Chiều 26.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ban hành công văn khẩn về tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường. Trong đó, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau. Quy định này áp dụng từ ngày 26.7 đến hết 1.8.
5 trường hợp được lưu thông sau 18 giờ
Để duy trì hoạt động kinh tế, lưu thông hàng hóa ở mức tối thiểu, TP.HCM cho phép 5 trường hợp được lưu thông sau 18 giờ. Cụ thể:
Xe cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
|
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo hoạt động trong thời gian hạn chế lưu thông.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” và vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu cũng được phép lưu thông.
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố được hoạt động.
Phát phiếu cho người dân đi mua lương thực
Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, các địa phương triển khai phát phiếu theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người.
Về lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, Công an TP.HCM phối hợp với Sở Công thương, Sở GTVT, Sở Y tế, Sở TT-TT, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức thống nhất, hướng dẫn cụ thể về nhận diện lực lượng, phương tiện được phép lưu thông sau 18 giờ.
TP.HCM giao công an, quân sự và lực lượng tại chỗ ở các địa phương tổ chức các trạm, chốt và tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ các tuyến đường liên phường về việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
Liên quan hoạt động giao hàng trong nội thành, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng giảm 10% nhân viên giao hàng (shipper) so với thời điểm trước ngày 22.7. Kèm theo đó là các quy định cụ thể dành cho lực lượng shipper.
Giúp dân ở khu phong tỏa
Sau khi thực hiện các biện pháp tăng cường hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ hằng ngày cho đến 6 giờ hôm sau, người dân trong khu phong tỏa sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc mua lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng như nguy cơ lây nhiễm từ việc tập trung nhận hàng từ shipper tại chốt phong tỏa.
Nhận diện nguy cơ và khó khăn này từ trong khu phong tỏa, nhiều địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ người dân để giảm tối đa sự tiếp xúc. Cụ thể, bà N.T.L (45 tuổi, ngụ P.5, Q.3) chia sẻ khu vực hẻm 241 Nguyễn Đình Chiểu đã phong tỏa khoảng 20 ngày nay. Lương thực, thực phẩm được chính quyền địa phương và những người quen hỗ trợ.
“Cứ vài ba ngày, chính quyền lại hỗ trợ rau, gạo, trứng... sau đó lực lượng tình nguyện viên sẽ mang để ở đầu hẻm. Khi đó, tổ trưởng và tổ phó tổ dân phố sẽ điều động thêm 2 hoặc 3 người khỏe mạnh trong khu phong tỏa ra đầu hẻm lấy lương thực, thực phẩm về phân phối ngay trước cửa nhà”, bà L. nói.
Còn theo chị C.T.D (22 tuổi), khu vực nhà chị trên đường Ngô Đức Kế (P.12, Q.Bình Thạnh) bị phong tỏa từ ngày 2.7 vì liên quan đến ca F0 sống ở hộ lân cận. Vài ngày đầu bị phong tỏa, chính quyền địa phương có hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân. Người thân bên ngoài mua đồ ăn gửi vào sẽ đặt lên bàn, lực lượng chức năng khử khuẩn kỹ càng.
Tương tự, khu vực hẻm 76 Tôn Thất Thuyết và hẻm 830 Đoàn Văn Bơ (P.16, Q.4) bị phong tỏa đến nay hơn 1 tháng, phường đã thành lập một đội tình nguyện viên là người dân trong khu phong tỏa để phát cơm đến từng nhà cho người dân. Ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND P.16, cho rằng đối với hoạt động giao nhận hàng, phường công bố số điện thoại tình nguyện viên, người dân khi đặt hàng bên ngoài gửi vào, sẽ nhắn thông tin qua các số điện thoại này để đi lấy và chuyển đến tận nhà.
Còn ông Lê Minh Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy P.4 (Q.3), cho biết đã huy động 36 tình nguyện viên là người dân trong khu phong tỏa đảm trách công việc nhận hàng từ bên ngoài chuyển vào cho các hộ dân đang bị cách ly và nhận quà của các nhà hảo tâm để phân phối cho từng hộ dân. Người dân chỉ việc ở yên trong nhà, phường sẽ đảm bảo việc vận chuyển, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm đến từng nhà.
Theo bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6, khu vực đầu chốt kiểm soát, người dân có đồ gì cần gửi vào thì sẽ có lực lượng hỗ trợ, người dân không phải ra chốt nhận. Ngay cả việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, phường thông báo từng hộ dân ra nhận, hoặc ai sử dụng thẻ ATM thì chuyển thẳng vào tài khoản.
Nhiều nơi lơ là
Tại buổi họp báo vừa qua (25.7), lãnh đạo UBND TP.HCM nhìn nhận, thời gian qua vẫn có tình trạng người dân ở trong các khu phong tỏa không thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về cách ly, dẫn đến tình trạng số lượng ca F0 trong khu phong tỏa chiếm đa số trong các F0 phát hiện hằng ngày, có ngày chiếm đến 70%.
Về vấn đề này, bà N.T.L (45 tuổi, ngụ hẻm 241 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3) cho hay khu hẻm bị phong tỏa nhà bà không có tình trạng tụ tập ăn nhậu vui chơi gì, nhưng một số trường hợp thuộc diện F1, F2 vẫn... tự do đi lại bên ngoài, không tuân thủ việc cách ly tại nhà. “Mỗi chiều tối cũng có người di chuyển qua lại trong hẻm để tập thể dục. Các trường hợp F2 hay F3 thì có thể chấp nhận, nhưng cả trường hợp F1 vẫn ra đường thì quá vô ý thức. Trong khi đó, bên trong hẻm phong tỏa, không có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hay nhắc nhở”, bà L. bức xúc. Tương tự, chị C.T.D (22 tuổi, ngụ đường Ngô Đức Kế, P.12, Q.Bình Thạnh) bày tỏ sự lo ngại khi nhiều trẻ em vẫn tự do vui đùa bên ngoài chứ ít khi chịu ở yên trong nhà. Tuy nhiên cũng có nơi người dân thực hiện rất tốt. Điển hình, chị P.T.M (ngụ hẻm 107 Phạm Văn Hai, P.3, Q.Tân Bình) cho rằng điều chị thấy an tâm là người dân trong hẻm tuân thủ các biện pháp giãn cách, không tụ tập nói chuyện, ăn nhậu…
Tiền Giang: Người dân không được ra đường từ 18 - 6 giờ hôm sauChiều 26.7, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp trực tuyến với cấp huyện và xã nhằm đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các giải pháp phòng chống dịch thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Vì vậy, từ 18 giờ ngày 27.7, người dân không được ra đường từ 18 - 6 giờ hôm sau cho đến khi có thông báo mới. Cũng trong thời gian người dân không được ra đường, tất cả hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ tạm dừng, ngoại trừ cấp cứu và các công việc theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch.
Bắc Bình - Lê Lang
|
Đối với công tác tuần tra xử lý trong khu phong tỏa, theo ông Lê Minh Anh Tuấn, khu phong tỏa Nguyễn Thượng Hiền - Vườn Chuối (P.4, Q.3) là khu phong tỏa lớn, phường phân ra thành 7 khu phong tỏa nhỏ có lực lượng chức năng canh gác và kiểm tra, nhắc nhở người dân ở yên trong nhà, không được tiếp xúc với hàng xóm nên thực hiện đúng theo tinh thần Chỉ thị 16 và biện pháp tăng cường của thành phố. Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6, cũng cho hay từ trước khi có Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM và chỉ đạo của UBND TP.HCM, quận đã yêu cầu các phường kiểm soát chặt chẽ việc giao lưu, tiếp xúc trong các khu phong tỏa. Công việc kiểm soát đi lại bên trong khu phong tỏa được giao cho Tổ Covid-19 cộng đồng nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm.
Bình luận (0)