Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 26.7: Cả nước 7.882 ca, TP.HCM phạt không nương tay với vi phạm

26/07/2021 19:30 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 26.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 26.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Thêm 7.882 ca mắc, 2.006 ca khỏi

Bản tin tối 26.7 của Bộ Y tế cho biết tính từ 6 giờ đến 18 giờ 30 phút ngày 26.7 Việt Nam có thêm 5.174 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 7.882 ca. Trong ngày 26.7 cũng có 2.006 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 26.7: Cả nước 7.882 ca Covid-19, 2.006 ca khỏi bệnh; TP.HCM chiếm 5.997 bệnh nhân

Thông tin về 7.882 ca được công bố trong ngày 26.7 như sau:
- 23 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.859 ca ghi nhận trong nước trong đó có 887 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.997), Bình Dương (733), Đồng Nai 259), Tiền Giang (201), Đồng Tháp (135), Hà Nội (81), Đà Nẵng (61), Vĩnh Long 49), Bình Thuận (48), Phú Yên (46), Cần Thơ (43), Bến Tre (37), Đắk Lắk (29), Bình Định (27), An Giang (25), Trà Vinh (13), Khánh Hoà (12), Vĩnh Phúc (10), Lâm Đồng (9), Quảng Nam (8 ), Hậu Giang (7), Ninh Thuận (7), Đắk Nông (6), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Hưng Yên (1), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Thừa Thiên-Huế (1).
- Tính đến nay, Việt Nam có tổng 106.347 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 102.576 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 21.344 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 126 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 15 ca.

Ngày 26.7: TP.HCM thêm 5.997 ca Covid-19 trong 24 giờ, vượt 66.000 bệnh nhân

Công bố 154 ca Covid-19 tử vong

Sáng 26.7.2021, Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về 154 ca tử vong do Covid-19 tại 10 tỉnh, thành phố.
Cụ thể gồm: TP.HCM (129), Đồng Tháp (9), Long An (7), Cần Thơ (2), Khánh Hoà (2), Ninh Thuận (1), Bắc Ninh (1), Trà Vinh (1), Kiên Giang (1) và Đồng Nai (1).

Sáng 26.7: Công bố 154 ca Covid-19 tử vong, TP.HCM chiếm 129 ca

Một số chuyên gia y tế nhận định, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Việt Nam có thể tăng nhiều so với giai đoạn trước bởi một số nguyên nhân.
Thứ nhất, trong các đợt dịch đầu, Covid-19 phần lớn bùng phát ở khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Đối tượng mắc đa số là nhóm công nhân trẻ, khỏe mạnh, tỷ lệ diễn biến nặng rất thấp. Một số ổ dịch bùng phát tại cộng đồng, nhưng đến một mức độ (khi số bệnh nhân chưa quá lớn) đã được khống chế.
Thứ hai, do bệnh nhân giai đoạn trước chủ yếu là thanh niên, nguy cơ diễn biến nặng thấp nên hệ thống y tế chưa bị quá tải, các y bác sĩ dù vất vả vẫn có thể dành nhiều nguồn lực cho ca nặng. Một số bệnh nhân nhiều lần ngừng tuần hoàn hoặc biến chứng suy đa tạng nghiêm trọng vẫn có “kỳ tích” cứu sống.
Tuy nhiên hiện nay, dịch đã lan mạnh ra cộng đồng, số ca dương tính rất lớn. Đối tượng nhiễm bệnh bao gồm cả người già, trẻ nhỏ, người mang bệnh mạn tính, bệnh cấp tính…Trong đó, nhóm cao tuổi có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong rất cao (một số khu vực trên thế giới, tỉ lệ tử vong của nhóm này lên tới 80-90%).
Bên cạnh đó, khi số ca mắc quá lớn, lượng bệnh nhân diễn tiến nặng, cần đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức cũng tăng lên, nguồn lực y tế khó đảm bảo như giai đoạn trước.

5 trường hợp được ra đường sau 18 giờ ở TP.HCM

Chiều 26.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ban hành công văn khẩn về tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường; trong đó yêu cầu mọi người dân trên địa bàn thành phố hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau. Công văn cũng nêu rõ 5 trường hợp được lưu thông trong khung giờ giới hạn này, áp dụng từ ngày 26.7 đến hết ngày 1.8.

5 trường hợp được ra đường sau 18 giờ ở TP.HCM

Cụ thể như sau:
- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.
- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
- Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu.
- Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố.
Trước đó, tối 25.7, tại hội nghị mở rộng lần thứ 7 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết kể từ ngày 26.7, người dân tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ; tất cả hoạt động trên địa bàn tạm dừng trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24, tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành giãn cách xã hội tại khu dân cư, đường phố. TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, những trường hợp chống đối có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính. Đồng thời, điều tra, khởi tố các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh nếu có đủ yếu tố.

Phạt mạnh tay người ra đường không lý do trong dịch Covid-19

Sau khi Thành ủy TP.HCM có Chỉ thị số 12 và UBND TP ban hành văn bản 2468 tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16, các lực lượng chức năng trên địa bàn cũng kiên quyết phạt mạnh tay đối với người ra đường không có lý do cần thiết. Tại các chốt kiểm soát trong sáng 26.7, cách thức kiểm tra của lực lượng trực chốt cũng có thay đổi so với vài ngày trước đó.
Theo ghi nhận của PV, tại chốt kiểm soát của Q.Bình Thạnh trên đường Nguyễn Xí và Phan Văn Trị, lực lượng trực chốt kiểm tra tất cả các xe của hướng di chuyển vào quận, chiều từ Bình Thạnh hướng ra ngoài người dân có thể lưu thông bình thường.

Phạt mạnh tay người ra đường không lý do trong dịch Covid-19, không nhắc nhở nữa

Tại chốt của Q.Gò Vấp trên đường Phan Văn Trị kiểm tra gắt xe của cả hai chiều ra, vào quận. Các lực lượng trực chốt gồm CSGT, công an, bảo vệ dân phố, quân quân tự vệ và tình nguyện viên. Mọi người dân qua chốt đều phải trình bày lý do ra đường.
Trong khoảng từ 6 - 7 giờ, lượng xe qua lại tại các chốt khá vắng, nhưng CSGT cũng đã bắt đầu xử phạt những trường hợp xuất trình giấy tờ không hợp lệ hoặc không nói được lý do ra đường để làm gì. Đến 7 giờ hơn, các chốt dần đông phương tiện, CSGT, tình nguyện viên, công an phường kiểm tra hết công suẩt. Nhưng đến 8 giờ, đường Phan Văn Trị hướng từ Q.Gò Vấp ra Phạm Văn Đồng lại thưa thớt hơn so với những ngày trước đó.

Chốt Lê Quang Định của Q.Gò Vấp, CSGT và công an, tình nguyện viên kiểm tra cả hai chiều, khi đông thì ưu tiên kiểm tra chiều vào quận

Ảnh: Vũ Phượng

Một CSGT trực tại chốt Lê Quang Định cho biết, đến ngày hôm nay, lực lượng sẽ không nhắc nhở, phát hiện vi phạm là phạt luôn. Khoảng 6 giờ 30 phút, một nam thanh niên qua chốt trình giấy đi đường được xác nhận bởi 1 công ty bảo vệ, nhưng giấy đã hết hạn nên bị lập biên bản phạt 2 triệu đồng. 
Tại chốt Phan Văn Trị, CSGT - TT Công an Q.Gò Vấp cũng lập biên bản phạt 1 tài xế xe tải ra đường không có lý do chính đáng. Ông bức xúc cho hay, đang trên đường chở sinh viên một trường ĐH di chuyển từ Gò Vấp qua Q.2 cũ xin gạo từ thiện về Ký túc xá.  

Shipper TP.HCM chỉ được hoạt động theo từng khu vực quận huyện trong dịch Covid-19

Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng lần thứ 7 diễn ra tối 25.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin về các lĩnh vực được phép hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, trong đó có hoạt động giao hàng (shipper).
Theo đó, các công ty quản lý shipper phải điều chỉnh số lượng shipper được hoạt động đến mức tối thiểu theo hướng giảm ít nhất từ 10% so với ngày 22.7 (ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy).

Shipper ở TP.HCM phải đeo thẻ, chỉ hoạt động theo khu vực trong dịch Covid-19

Các shipper phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19 và chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức. Cụ thể, người giao hàng phải có thẻ đeo, có dấu hiệu nhận diện… thể hiện thông tin cá nhân, công ty và địa bàn hoạt động để xuất trình thông tin cho cơ quan chức năng khi kiểm tra.
TP.HCM yêu cầu các công ty phải đăng ký danh sách shipper và địa bàn hoạt động cho Sở Công thương và Sở GTVT, danh sách này sẽ được các cơ quan chức năng truy xuất khi kiểm tra.
Riêng các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị…) thì phải thực hiện đăng ký và được xác nhận thẻ cho từng shipper tại các xã, phường, thị trấn, phạm vi hoạt động cũng chỉ trong địa bàn quận huyện cụ thể.

Quân đội phun khử khuẩn diện rộng ở nội thành Hà Nội phòng Covid-19

Thực hiện chiến dịch phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn thủ đô để phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong cuộc họp với Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố, Lữ đoàn 86 thuộc Binh chủng Hoá học (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị 15 trang bị khí tài phương tiện đặc chủng và huy động 180 cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch.
Thượng tá Trần Văn Chúng, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 86 (Binh chủng hoá học), cho biết: "Đơn vị đã khử khuẩn đa dạng địa hình, từ Bắc Ninh, Bắc Giang địa hình đồi núi trung du, đến Hà Nội đường phố ở nội thành nhỏ, nên sẽ có các phương án cụ thể, sử dụng trang bị khí tài phù hợp với địa hình để việc phun khử khuẩn đạt hiệu quả".

Quân đội phun khử khuẩn diện rộng ở nội thành Hà Nội phòng Covid-19

Theo kế hoạch, trong ngày 26.7, lực lượng Binh chủng Hóa học và Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ phun khử khuẩn 10 phường khu phố cổ, 2 phường ngoài đê, đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, các tuyến đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm, trụ sở Thành ủy và UBND TP.Hà Nội. 
Ngoài ra, việc phun khử khuẩn cũng sẽ được tiến hành tại các quậnĐống Đa, Hoàng Mai và H.Chương Mỹ. 

Ông Nguyễn Quốc Hoan, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho biết quận đã triển khai tuyên truyền tới nhân dân để biết việc phun khử khuẩn; giao các lực lượng phối hợp thực hiện

Ảnh Đậu Tiến Đạt

“Lần dập dịch này rút kinh nghiệm từ các đợt phun khử khuẩn trước tại phố Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai và 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, quân đội đã có thời gian chuẩn bị kỹ nên tin tưởng rằng sẽ hỗ trợ nhân dân Hà Nội khử khuẩn toàn thành phố an toàn”, thượng tá Trần Văn Chúng, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng lữ đoàn 86 (Binh chủng hoá học), chia sẻ

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Lo ngại ổ dịch Covid-19 ở lò mổ lớn nhất Đà Nẵng

Rạng sáng 26.7.2021, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu phối hợp với UBND phường Hòa Khánh Nam tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các tiểu thương, người lao động có lui tới lò mổ Đà Sơn, thành phố Đà Nẵng, sau khi nơi này ghi nhận có 24 ca dương tính Covid-19 vào hôm 26.7.
Bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, cho biết trong đêm 25 đến rạng sáng 26.7, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 700 người là tiểu thương, người vận chuyển thịt và người lao động đến lò mổ Đà Sơn trong thời gian gần đây.

Lo ngại ổ dịch Covid-19 ở lò mổ lớn nhất Đà Nẵng

Theo ghi nhận, lúc 2 giờ ngày 26.7, người dân thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được cơ quan chức năng yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, hạn chế tụ tập đông người trong quá trình xét nghiệm.
Tại lò mổ, công tác phòng chống dịch Covid-19 được Công ty cổ phần Chế biến gia súc - gia cầm Đà Nẵng siết chặt, người ra vào lò mổ được đo thân nhiệt, bắt buộc mang khẩu trang và sát khuẩn tay trước, trong và sau quá trình chế biến. Đặc biệt, người lao động và tiểu thương đến lò mổ Đà Sơn đều ý thức, nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Trong đêm 25.7 đến rạng sáng 26.7, lực lượng y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với 700 người tại lò mổ Đà Sơn

ảnh:HUY ĐẠT

Theo Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại lò mổ Đà Sơn sẽ thực hiện bằng phương pháp lấy mẫu gộp 10 người/ống môi trường, và đã lấy khoảng 70 mẫu xét nghiệm là mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu.
Sau khi lấy mẫu, cán bộ y tế yêu cầu người được lấy mẫu hạn chế tiếp xúc và theo dõi sức khỏe đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng. Dự kiến trong khoảng 1-2 ngày sẽ có kết quả.

Lò mổ Đà Sơn là lò mổ gia súc lớn nhất TP.Đà Nẵng, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Vì vậy sau khi ghi nhận nhiều ca dương tính Covid-19, lực lượng y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm nhằm khoanh vùng dịch

Ảnh: HUY ĐẠT

Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, tính đến ngày 25.7.2021, Đà Nẵng ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 xuất phát từ lò mổ Đà Sơn. Ngay sau đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã phát đi thông báo khẩn, đề nghị tất cả những người từng đến lò mổ Đà Sơn từ ngày 10.7.2021 khẩn trương liên hệ cơ quan y tế để được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

CSGT Đồng Nai xử phạt người ra đường không lý do chính đáng ngày giãn cách

Sáng 26.7, tại vòng xoay Biên Hùng (trung tâm TP.Biên Hòa, Đồng Nai), CSGT Công an Đồng Nai phối hợp cùng các đơn vị thiết lập 4 chốt kiểm soát, xử phạt người dân ra đường không cần thiết, vi phạm giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lực lượng tại các chốt đã kiểm tra, và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều thừa nhận lỗi sai, nhưng cũng trình bày nhiều lý do "giải thích" cho hành vi vi phạm của mình.
Chẳng hạn trường hợp một thanh niên mang đồng phục Grab. Anh này nói đi giao hàng về nhưng không chứng minh được giao dịch. Anh cho biết đơn hàng nhận của người quen, giao giúp chứ không đặt qua app. Lực lượng công an đã lập biên bản xử phạt.

Nam thanh niên không chứng minh được đi giao hàng nên bị lập biên bản

Ảnh: LÊ LÂM

Một nam thanh niên khác lấy xe máy chở bạn gái đi rút tiền. Lực lượng công an giải thích, bạn gái đi rút tiền là chính đáng nhưng có thể đi một mình, còn thanh niên đi theo là vi phạm. Anh này trình bày lý do “Bạn gái không biết chạy xe”. Công an tiếp tục hỏi “sao anh không cầm thẻ ATM của bạn gái, lấy mật khẩu rồi một mình đi rút”? Anh thanh niên chống chế “Do tụi em phải rút số tiền nhiều, một số trụ ATM không cho giao dịch nên phải lên ngân hàng, cần có chủ tài khoản đi cùng để làm thủ tục”.

Một thanh niên bị lập biên bản xử phạt khi chở bạn gái đi rút tiền

Ảnh: LÊ LÂM

Tuy nhiên, lực lượng công an đã không chấp nhận các lý do trên và lập biên bản xử phạt, ngoài ra còn áp dụng hình thức giam xe vì nam thanh niên không xuất trình được bằng lái.
Bên cạnh đó, vẫn có một số trường hợp ra ngoài không cần thiết nhưng lý do có thể chấp nhận được nên lực lượng công an chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, phân tích cho hiểu vấn đề, yêu cầu lần sau thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.

Chuyến tàu chở hơn 800 công dân Hà Tĩnh từ TP.HCM cập bến bình an

Rạng sáng 26.7.2021, chuyến tàu mang số hiệu SE14 đã đưa toàn bộ 814 công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về Hà Tĩnh tránh dịch Covid-19.
Đây là chuyến tàu đặc biệt đầu tiên mà UBND tỉnh Hà Tĩnh thuê để đón công dân từ vùng dịch về quê, nhằm chia sẻ bớt gánh nặng với TP.HCM và các tỉnh phía Nam trước tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Hành khách trên chuyến tàu này chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, lao động mất việc làm và sinh viên nghèo.

Chuyến tàu chở 814 người từ TP.HCM về Hà Tĩnh tránh Covid-19 đã cập bến bình an

Sau khi dừng trả 92 công dân quê ở huyện Hương Khê và huyện Vũ Quang tại ga Hương Phố, huyện Hương Khê, tàu SE14 tiếp tục chuyển bánh về ga Yên Trung, huyện Đức Thọ.
Đúng 5 giờ 20 phút, tàu SE14 chở hơn 700 hành khách còn lại đã có mặt tại ga Yên Trung, kết thúc chuyến hành trình vượt hơn 1.000 km từ ga Sài Gòn về Hà Tĩnh. Tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh và lực lượng chức năng các địa phương đã có mặt từ trước để triển khai phương án đón công dân xuống tàu như kế hoạch đã họp bàn từ trước.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, khi công dân xuống khỏi tàu thì được ngành chức năng tổ chức phân luồng, phun khử khuẩn, đo thân nhiệt. Các công dân cũng được chính quyền địa phương bố trí xe khách chở về khu cách ly tập trung để cách ly 14 ngày theo quy định.
Theo quy định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, những công dân trên chuyến tàu này trong quá trình cách ly sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày. Toàn bộ chi phí chuyến tàu và 2 lần xét nghiệm được UBND tỉnh hỗ trợ. Tổ công tác của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng đang tiếp tục lên phương án để triển khai đón các công dân tiếp theo về quê. 
 Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 26.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.