Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.7: Tăng cường Chỉ thị 16, TP.HCM bước vào 2 tuần quyết định
23/07/2021 19:50 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 23.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Tự động phát
Cả nước ghi nhận "kỷ lục" 7.307 ca bệnh
Bản tin dịch Covid-19 tối 23.7.2021 cho biết cả nước có thêm 3.409 ca mắc mới nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được công bố trong ngày lên con số kỷ lục là 7.307 ca. Có tới 2.115 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 23.7.
Thông tin cụ thể về 7.307 ca mắc mới như sau:
- 12 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.295 ca ghi nhận trong nước; trong đó có 1.274 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.913 ca), Bình Dương (608), Long An (602), Đồng Nai (217), Tây Ninh (212), Đồng Tháp (129), Tiền Giang (95), Hà Nội (70), Bà Rịa-Vũng Tàu (58), Khánh Hòa (51), Đà Nẵng (47), Bình Thuận (47), Ninh Thuận (37), Cần Thơ (34), Phú Yên (30), Quảng Ngãi (26), Bến Tre (20), Trà Vinh (15), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Đắk Nông (8 ), Bình Định (6), Đắk Lắk (4), Bình Phước (4), Hậu Giang (4), Bắc Ninh (4), Vĩnh Phúc (3), Quảng Nam (2), Lâm Đồng (2), Cà Mau (2), Hà Tĩnh (2), An Giang (2), Bắc Giang (2), Lai Châu (1), Hòa Bình (1), Kon Tum (1).
- Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 81.678 ca mắc, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 79.537 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 77.967 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 15.536 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 166 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.
TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16 chống Covid-19
Ngày 23.7.2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký chỉ thị khẩn số 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1.8.2021.
Theo nội dung văn bản này, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM nỗ lực quyết tâm thực hiện các biện pháp nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
Cụ thể:
Sẽ thực hiện triệt để phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát tờ rơi hướng dẫn thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).
Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.
Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Đối với các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.
Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chẳng chịt, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.
Chỉ thị của Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện chỉ thị 16. Gồm:
- Tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
- Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
- Chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
- Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ" và "một cung đường, hai điểm đến"; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
- Chợ truyền thống chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách; chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chắn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
- Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại xe vận tải hàng hóa có mã QR code nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào thành phố hoặc lưu thông qua thành phố.
- Các xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.
TP.HCM triển khai tổng đài tiếp nhận thông tin hỗ trợ người khó khăn vì dịch bệnh
Sở TT-TT TP.HCM cho biết từ 20 giờ ngày 22.7 bắt đầu triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19” thông qua Cổng thông tin 1022 - nhấn phím 2.
Các thông tin được tiếp nhận qua kênh này gồm: thông tin về bản thân, gia đình hoặc hàng xóm, những người xung quanh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Hoặc thông tin về bản thân hoặc gia đình người dân thuộc đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và TP.HCM nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin về các trường hợp khác trong xã hội cần hỗ trợ như người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ…
Các thông tin này sẽ được Cổng thông tin 1022 chuyển đến Sở LĐ-TB-XH, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện xử lý, hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, HĐND TP.HCM và Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cũng sẽ giám sát việc xử lý, hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn của các đơn vị.
Nghe còi hú, chạy ra xem thấy quân đội đang phun khử khuẩn phòng Covid-19
Sáng 23.7.2021, nhiều người dân sống ở P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhiều người bất ngờ khi thấy đoàn xe chuyên dụng của quân đội đang tiến hành phun tiêu độc, khử khuẩn các tuyến đường chính trong khu vực.
Sau khi phun khử khuẩn tại P.Hiệp Bình Chánh, lực lượng quân đội tiếp tục pha thêm hóa chất khử khuẩn rồi di chuyển qua các phường khác của TP.Thủ Đức.
Việc phun khử khuẩn này được thực hiện bởi các chiến sĩ từ Bộ tư lệnh TP.HCM, Lữ đoàn phòng hóa 87 và Tiểu đoàn phòng hóa 38 của Quân khu 7 cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Toàn bộ hóa chất dùng để phun khử khuẩn là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5% an toàn sức khỏe người dân.
Trong ngày 23.7, lực lượng quân đội sẽ tiến hành phun khử khuẩn 2 khu vực của TP.HCM là TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Trong tuần này, các khu vực đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố cũng sẽ được phun tiêu độc, khử khuẩn.
Để thực hiện điều này, Bộ tư lệnh TP.HCM đã phối hợp với Lữ đoàn Phòng hóa 87 thuộc Binh chủng hỏa học, Tiểu đoàn phòng hóa 38 thuộc quân khu 7 huy động trên 500 lượt xe, gần 2000 lượt cán bộ, chiến sĩ và tiến hành cải tiến, lắp đặt các bộ thiết bị bơm cao áp.
Dự kiến trong đợt này lực lượng này sẽ tổ chức phun tiêu độc, khử khuẩn diện tích 300 hecta, với chiều dài gần 1.000 km.
Tạm giữ người hung hăng chửi bới, đạp cán bộ trực chốt kiểm soát Covid-19
Sáng 23.7, Công an TP.Long Khánh (Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ hình sự Vũ Nhật Tân (38 tuổi, ngụ P.Xuân Tân (TP.Long Khánh) để điều tra về hành vi "chống người thi hành công vụ" tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 8 giờ ngày 22.7, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 do Công an xã Bình Lộc triển khai đặt tại cầu Bình Lộc (KP.Suối Chồn, P. Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có Vũ Nhật Tân điều khiển xe máy chở Nguyễn Tiến Duy (21 tuổi, ngụ cùng phường) lưu thông trên đường Lê A theo hướng từ Quốc lộ 1 đi vào, lực lượng tại chốt đã ra hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tân và Duy đã dừng xe và khai báo y tế theo quy định. Tuy nhiên Tân chưa nêu được lý do chính đáng đi vào xã Bình Lộc và cũng chưa hoàn thành việc khai báo y tế nhưng lại lấy xe với ý định tiếp tục di chuyển.
Lúc này, Tổ công tác yêu cầu Tân quay trở lại khu vực khai báo y tế để xác minh, làm rõ lý do đi vào xã Bình Lộc thì Tân có thái độ thách thức, chống đối và không chấp hành, liên tục chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng. Ngoài ra Tân còn gỡ khẩu trang để nói chuyện. Khi một cán bộ trong tổ công tác ra chặn lại thì Tân điều khiển xe lao thẳng vào nhưng không xảy ra va chạm.
Theo Công an TP.Long Khánh, sau đó Tân tiếp tục thách thức, chửi bới và đạp vào vùng đùi của một cán bộ ở chốt kiểm soát. Tân đã bị khống chế, bắt giữ và đưa về trụ sở Công an xã Bình Lộc để làm rõ. Qua kiểm tra nhanh, Công an xã Bình Lộc phát hiện Tân có sử dụng trái phép chất ma túy.
Hà Nội thần tốc truy vết dập dịch Covid-19 ở điểm nóng Quốc Oai
Tình hình dịch Covid-19 tại H.Quốc Oai (TP.Hà Nội) đang diễn biến ngày càng phức tạp, đến hết ngày 22.7, toàn huyện ghi nhận gần 30 ca nhiễm và hàng ngàn F1, F2 chủ yếu tại địa bàn TT.Quốc Oai.
Để ngăn chặn dịch lây rộng ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.Quốc Oai đã lập 20 chốt kiểm soát tại các khu vực có dịch.
Trung tâm Y tế H.Quốc Oai đã điều nhiều tổ phản ứng nhanh tỏa đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan và tổ chức phun khử khuẩn. Các tổ phản ứng nhanh được tăng cường quân số 100%, luôn trong tình trạng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù ngày hay đêm.
Trong tối 22.7, TT.Quốc Oai có mưa, tuy nhiên, lực lượng y tế vẫn gấp rút đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp tiếp xúc gần F0.
Đến khoảng 23 giờ ngày 22.7, công tác truy vết, lấy mẫu, khử khuẩn cơ bản được hoàn tất. Hàng chục mẫu xét nghiệm của người dân được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngay trong đêm.
Trong ngày 23.7, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã kêu gọi và đề nghị người dân toàn thành phố cùng nâng cao ý thức, thực hiện khai báo y tế thường xuyên, đầy đủ, chính xác, kịp thời trên Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế quốc gia (www.tokhaiyte.vn).
Đặc biệt, những trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần nhanh chóng khai báo, để được hệ thống y tế cơ sở lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý phòng dịch trong thời gian sớm nhất. Theo lãnh đạo chính quyền Hà Nội, đây không chỉ là cách để bảo vệ chính mình mà còn là bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng.
Bộ Y tế đề nghị xử lý hoa khôi ‘tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký’
Trưa nay, 23.7, lãnh đạo Thanh tra Bộ Y tế cho biết, ngày 22.7, cơ quan này đã có công văn gửi Thanh tra Bộ TT-TT, chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét xử lý theo quy định, liên quan sự việc tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký tại Bệnh viện Hữu nghị (Bộ Y tế).
Theo Thanh tra Bộ Y tế, ngày 20.7, một số báo có đăng tin: “Dân mạng bức xúc khi 'hoa khôi' khoe tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký”. Nội dung bài viết có liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Hữu nghị.
Sau khi các báo đăng tin nói trên, Thanh tra Bộ Y tế đã làm việc với Bệnh viện Hữu nghị để kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến vụ việc báo nêu và xác định người được tiêm vắc xin Covid-19 được đề cập là chị Vũ Phương Anh, sinh năm 1996, địa chỉ tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo Bệnh viện Hữu nghị, chị Vũ Phương Anh đã được người thân nhờ một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 (từ ngày 12.7) và đã được Giám đốc Bệnh viện đồng ý giải quyết cho tiêm nếu có dư liều vắc xin (đây là việc làm để giải quyết tình huống có người không đến tiêm theo kế hoạch, hoặc đến tiêm nhưng không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm, nhằm tránh lãng phí).
|
Việc chị Vũ Phương Anh được tiêm vắc xin Covid-19 vào ngày 19.7 thuộc trường hợp như vừa mô tả và được Bệnh viện Hữu nghị thông báo đến để tiêm.
Tại thời điểm ngày 19.7, Bệnh viện Hữu Nghị chỉ còn 2 loại vắc xin mới nhận là Pfizer và Moderna (vắc xin Astrazeneca đã hết từ trước đó) và việc tiêm vắc xin nào cho người đến tiêm do bệnh viện điều hành, không có sự ưu ái cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, qua mạng xã hội, chị Vũ Phương Anh đã đưa tin về việc tiêm vắc xin Covid-19 không cần đăng ký, được ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer.
Từ kết quả kiểm tra, xác minh tại Bệnh viện Hữu Nghị cho thấy chị Vũ Phương Anh đưa tin như đã nêu là sai sự thật. Vì vậy, Thanh tra Bộ Y tế chuyển hồ sơ vụ việc đến Thanh tra Bộ TT-TT để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Liên quan sự việc trên, chiều 21.7, Bộ Y tế cho biết, Bệnh viện Hữu nghị đã điều chuyển công tác của nhân viên y tế liên quan và đã xử lý kỷ luật người này.
Phụ nữ có thai nhiễm Covid-19 được chăm sóc ở bệnh viện dã chiến thế nào?
Sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7 ở khu tái định cư An Khánh (ở thành phố Thủ Đức) đã thu dung điều trị trên 3.200 bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số đó, có nhiều bệnh nhân là phụ nữ có thai không may mắc Covid-19 từ các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM chuyển đến.
Sau khi được tiếp nhận, các thai phụ mắc Covid-19 được đưa lên phòng cách ly điều trị. Do điều kiện Bệnh viện dã chiến còn chưa đầy đủ trang thiết bị y tế, đồ dùng sinh hoạt cho thai phụ nên cử nhân Phạm Văn Vinh (Khoa Gây mê Hồi sức của Bệnh viện Từ Dũ) phải đảm nhiệm luôn vai trò dọn dẹp, vận chuyển nước uống, đồ ăn, chăn chiếu… cho bệnh nhân. Việc chăm sóc phụ nữ có thai ở Bệnh viện dã chiến cũng gặp không ít khó khăn do thiếu các trang thiết bị, máy móc cơ bản để theo dõi.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ có thai lần đầu chưa nhạy cảm trong việc cảm nhận các triệu chứng đau bụng, tức ngực là do ho nhiều hay do thai nhi mệt. Do đó, các bác sĩ phải cố gắng theo dõi sát những bệnh nhân này để khi có dấu hiệu khác thường thì kịp thời xử lý.
Tuy nhiên không chỉ có khó khăn, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7 có đội ngũ bác sĩ sản của Bệnh viện Từ Dũ nên cũng tiện cho việc chăm sóc các bệnh nhân là phụ nữ có thai.
Theo bác sĩ Phạm Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 7, các thai phụ mắc Covid-19 được chuyển đến đây đa số là không có triệu chứng nên quy trình chăm sóc cũng tương tự như những bệnh nhân khác. Các bệnh nhân được theo dõi điều trị tại Bệnh viện dã chiến, khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc bất thường về thai kỳ, các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến sẽ hội chẩn với bác sĩ Từ Dũ và chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Từ Dũ để theo dõi, thăm khám và chuẩn bị cho bệnh nhân sinh con.
Bệnh viện Dã chiến số 7 là một trong 2 bệnh viện dã chiến lớn nhất TPHCM hiện nay với cùng quy mô 5.500 giường. Bệnh viện tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Do được hình thành từ chung cư tái định cư không sử dụng nhiều năm nên điều kiện trang thiết bị vật chất còn hạn chế. Nhân viên y tế phải ngồi dưới nền nhà hoặc tận dụng tất cả những gì có thể để phục vụ công việc.
Hiện bệnh viện có hơn 350 nhân viên y tế với lực lượng nòng cốt là Bệnh viện Từ Dũ. Bên cạnh việc chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nhẹ không triệu chứng, với mỗi khu vực của từng bệnh viện phụ trách với chuyên môn riêng, Bệnh viện dã chiến số 7 vẫn tiếp nhận điều trị các bệnh nhân có một số triệu chứng cơ bản và đặc thù như phụ nữ có thai, người già.
Theo các bác sĩ, sau thời gian điều trị, hơn 100 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 7 đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính và đủ tiêu chuẩn xuất viện.
Chuyến xe 2 chiều đặc biệt: Mang rau củ cho Sài Gòn, đưa người Quảng Nam về quê
3 giờ ngày 22.7.2021, 2 trong số 10 chuyến xe từ Quảng Nam chở theo 10 tấn hàng là rau củ quả, cá khô mà bà con Quảng Nam gửi vào tiếp sức cho đồng hương đang sinh sống tại TP.HCM chống dịch đã có mặt tại số 97 Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM.
Tấm lòng người Quảng Nam gửi vào Sài Gòn chẳng có gì ngoài những món quà quê đặc sản. Đó là những trái bầu, bí, chanh sả, rau tươi hay cá khô. Trái nào cũng tròn to, chắc mẩy, đầy đặn như tấm lòng của người miền Trung chất phác.
10 giờ sáng, chính hai chuyến xe này cùng nhiều chuyến xe khác trong ngày cũng đã đón hàng trăm bà con nghèo người Quảng Nam gặp khó khăn khi đại dịch bùng phát trở về quê hương.
Ông Mai Phúc, Chủ tịch hội đồng hương tỉnh Quảng Nam tại TP.HCM cho biết: "Hiện nay được sự hỗ trợ công ty Trường Hải tài trợ 10 xe đón gần 500 bà con. Sáng hôm nay chúng tôi tổ chức đón bà con tại 3 điểm ở Q.Tân Bình, Q.12, và Q.Gò Vấp".
|
Theo ông Phúc, có khoảng 1 triệu người dân Quảng Nam đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Trong đợt dịch này, số lượng bà con có nguyện vọng trở về quê hương lên tới 6.000 người. Trong điều kiện khả năng cho phép, hội đồng hương sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chuyến xe chở bà con về quê, tuy nhiên đặc biệt ưu tiên cho những trường hợp khó khăn, già yếu, bệnh tật, trẻ em và những người có hoàn cảnh hết sức khó khăn để bà con trở về quê hương.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 23.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
tình hình Covid-19 TP.HCM
tiêm vắc xin
giãn cách xã hội
bản tin Covid-19
tình hình covid-19 hôm nay
Covid-19 TP.HCM
Chỉ thị 16 tăng cường
khử khuẩn TP.HCM
Bình luận (0)