Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.7: Cả nước 6.194 ca, TP.HCM có thể áp dụng 16+ nhiều khu vực

22/07/2021 19:42 GMT+7

Bản tin tình hình Covid -19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 22.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Cả nước thêm 6.194 ca mắc mới

Bản tin dịch Covid-19 chiều 22.7.2021 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 3.227 ca mắc mới. Như vậy, trong ngày 22.7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng tới 6.194 ca mắc mới; nâng tổng số bệnh nhân từ đầu dịch lên 74.371 ca. Trong ngày cũng có 1.450 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 22.7: Cả nước 6.194 ca Covid-19, 1.450 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.218 bệnh nhân mới

Thông tin cụ thể về 6.194 ca mắc mới được công bố trong ngày 22.7 gồm:
+ 30 ca được cách lý ngay sau khi nhập cảnh.
+ 6.164 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.000 ca ghi nhân trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.218), Bình Dương (679), Long An (432), Đồng Nai (210), Đồng Tháp (117), Tiền Giang (68), Bến Tre (65), Bà Rịa - Vũng Tàu (63), Hà Nội (50), Cần Thơ (45), Vĩnh Long (38), Đà Nẵng (27), Bình Thuận (26), Phú Yên (21), An Giang (15), Hậu Giang (12), Kiên Giang (11), Trà Vinh (9), Sóc Trăng (8), Bắc Ninh (7), Đắk Lắk (6), Bình Phước (5), Khánh Hòa (5), Quảng Nam (5), Bình Định (4), Hải Phòng (3), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Vịnh Phúc (2), Đắk Nông (2), Hưng Yên (2), Huế (1), Kon Tum (1), Lào Cai (1), Quảng Ngãi (1), Hà Tĩnh (1).
- Tính đến nay, Việt Nam có tổng 74.371 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 72.242 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 70.672 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 13.421 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 129 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Ngày 22.7: TP.HCM thêm 4.218 ca Covid-19 trong 24 giờ

Niềm vui ngày đầu chiến dịch tiêm 1 triệu liều vắc xin Covid-19

Sáng 22.7, TP.HCM chính thức tiêm vắc xin đợt 5 cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên với 930.000 liều. Người mắc bệnh nền, trên 65 tuổi tiêm ở bệnh viện. Các đối tượng còn lại tiêm ở điểm tiêm cộng đồng.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trên địa bàn Q.11 (TP.HCM) có nhiều điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Khoảng 8 giờ ngày 22.7, người dân bắt đầu đến điểm tiêm vắc xin Covid-19. Đối tượng được tiêm là người cao tuổi, giáo viên và những người tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 của tổ dân phố, của phường. Dự kiến trong ngày hôm nay, mỗi điểm tiêm chủng sẽ tiêm khoảng 200 người. Tại các điểm tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn Q.11 đều có cán bộ quận đến trực tiếp theo dõi, giám sát chiến dịch tiêm lần này.

Niềm vui ngày đầu chiến dịch tiêm gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19

Tại Trường Tiểu học Phú Thọ (P.12, Q.11), lực lượng y tế luôn túc trực để đảm bảo thực hiện tiêm chủng cho người dân được diễn ra đúng quy trình, an toàn, hiệu quả nhằm đảm bảo tiến độ chung. 
Khi vào điểm tiêm vắc xin Covid-19, người dân được rửa tay khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào bên trong. Sau đó, nhân viên điều phối sẽ hướng dẫn người dân vào bàn chờ để khai báo y tế qua điện thoại. Khai báo y tế xong, người dân qua khu vực bàn đối chiếu thông tin ban đầu. Tại đây, người dân cần xuất trình CCCD/CMND để lực lượng y tế kiểm tra thông tin cá nhân trước khi tiến hành vào khám sàng lọc.

Tại điểm tiêm Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Q.11), do lượng người tiêm đến cùng lúc đông nên nhân viên y tế phải hướng dẫn giám sát người dân phải ngồi xa nhau, đảm bảo dãn cách 2 m trước khi được chia thành từng nhóm nhỏ để khám sàng lọc trước khi tiêm

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tại điểm tiêm tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Q.11), các bàn khám sàng lọc, bàn tiêm và khu ghế ngồi chờ theo dõi sau tiêm được lực lượng chức năng bố trí riêng từng khu để đảm bảo việc phòng dịch

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 
Theo kế hoạch, toàn TP.HCM sẽ vận hành hơn 600 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Mỗi phường, xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Tổng số lượng vắc xin được phân bổ đợt 5 này tại TP.HCM hơn 930.000 liều, gồm 3 loại vắc xin AstraZeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều). Dự kiến trong 2 - 3 tuần sẽ tiêm xong số vắc xin Covid-19 này. 

Cháu hơn 60 tuổi đưa bà ngoại 102 tuổi đi tiêm vắc xin Covid-19

Trong số hàng chục người lớn tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Q.Phú Nhuận (TP.HCM) trong ngày 22.7 có cụ bà Đào Thị Kim Cúc, 102 tuổi (ở P.10, Q.Phú Nhuận) được người cháu đã ngoài 60 tuổi đưa đến làm thủ tục tiêm chủng.
Trong lúc ngồi chờ đến lượt vào khám sàng lọc, cụ bà 102 tuổi có hơi lo lắng việc mình lớn tuổi không biết bác sĩ có cho tiêm hay không. Tuy nhiên, cụ bà tự tin sẽ được tim vì thể trạng khỏe mạnh và tinh thần thoải mái, minh mẫn.

Cháu hơn 60 tuổi đưa bà ngoại 102 tuổi đi tiêm vắc xin Covid-19

Sau khi kiểm tra huyết áp lần đầu, cụ bà 102 tuổi được bác sĩ yêu cầu ngồi nghỉ thêm một lúc nữa để kiểm tra lại do huyến áp vẫn còn cao. Sau khoảng 15 phút nghỉ ngơi tại chỗ, cụ bà được bác sĩ thăm khám lại, đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim và giải thích kỹ các tác dụng của vắc xin ngừa Covid-19 cũng như những dấu hiệu về sức khỏe sau khi tiêm.
Sau khi được tư vấn và dặn dò kĩ lưỡng cụ bà được bác sĩ chỉ định tiêm vắc xin Moderna ngừa Covid-19, sau đó được hướng dẫn qua khu vực theo dõi sau tiêm.
Cũng trong chiều 22.7, hàng chục người thuộc diện ngoài 65 tuổi được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện quận Phú Nhuận. Theo người dân, trước đây họ lo lắng vì chưa được tiêm vắc xin, nhiều người không dám đi khám bệnh hay đến chỗ đông người vì sợ lây nhiễm Covid-19. Sau khi được tiêm vắc xin, họ thấy an tâm hơn khi phải đến những nơi đông người.

Bên trong bệnh viện dã chiến số 5 ở Thuận Kiều Plaza

Ngày 21.7.2021, sau khoảng 2 tuần thi công, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 5 tại The Garden Mall (trước đây là Thuận Kiều Plaza trên đường Hồng Bàng, quận 5) đã hoàn thành và sẽ được bàn giao cho TP.HCM đưa vào sử dụng.
Bệnh viện gồm 3 tầng, tổng diện tích hơn 30.000 m2, quy mô gần 1.000 giường bệnh. Tầng một trở thành điểm tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân. Hai tầng trên mỗi tầng có 10 gian phòng lớn để kê giường bệnh. Tại mỗi tầng đều có phòng hồi sức cấp cứu.

Bên trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở Thuận Kiều Plaza

Các phân khu chức năng cơ bản gồm: Khu điều hành, hành chính; Khu tiếp nhận sàng lọc và phân loại người bệnh; Khu chẩn đoán hình ảnh; Khu xét nghiệm; Khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ; Khu chăm sóc đặc biệt; Khu cung cấp thức ăn; Khu tiếp nhận hàng hoá thân nhân; Khu xử lý rác thải.
Dự kiến, Bệnh viện dã chiến số 5 sẽ tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Bệnh viện dự kiến được đưa vào hoạt động trong vài ngày tới.

Tòa nhà The Garden Mall (Thuận Kiều Plaza cũ) nhìn từ bên ngoài

Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, được phân công làm giám đốc Bệnh viện dã chiến số 5.
Nhân lực phục vụ bệnh viện bao gồm 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng và 10 nhân sự hậu cần. Lực lượng này đến từ Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, Bộ tư lệnh TP.HCM.

Bệnh viện Chợ Rẫy cạn kiệt lượng máu và tiểu cầu dự trữ

Ngày 21.7, TS-BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy thuộc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM nên công tác tiếp nhận máu và tiểu cầu từ nguồn hiến tình nguyện của BV Chợ Rẫy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện lượng tiểu cầu (một thành phần của máu) dự trữ tại BV chỉ còn 13 đơn vị. Ngoài ra, số lượng máu dự trữ tại Trung tâm truyền máu chỉ còn 2.198 đơn vị, trong khi lượng máu sử dụng trong cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy ở thời điểm hiện tại trung bình 200 - 300 đơn vị/ngày. Như vậy, số máu dự trữ chỉ còn sử dụng trong hơn 1 tuần nữa.
Trong khi đó, Trung tâm truyền máu chỉ tiếp nhận được khoảng từ 15 - 17 người đến hiến máu. Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy tiếp tục kêu gọi sự chung tay tình nguyện của cộng đồng để hiến máu cứu người. Người hiến máu được giữ xe và làm xét nghiệm nhanh Covid-19 miễn phí trước khi vào tham gia hiến máu.

Tâm sự bác sĩ Đà Nẵng chi viện TP.HCM dập dịch

Đoàn xe đưa của các bác sĩ từ Đà Nẵng vào TP.HCM chi viện dập dịch Covid-19 tới nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) vào lúc 9 giờ ngày 21.7.2021 sau đó di chuyển đến khách sạn.
Ngay khi vừa dừng xe, các y bác sĩ đã nhanh chóng vận chuyển đồ dùng thiết yếu vào khu vực nghỉ ngơi. Sau đó đã có cuộc họp nhanh với trung tâm cấp cứu 115 TP HCM để nắm rõ tình hình công việc hiện tại.

Thầy thuốc Đà Nẵng ăn ngủ trên xe, xuyên đêm vào TP.HCM chi viện dập dịch Covid-19

Để đảm bảo an toàn, các thành viên trong đoàn được test Realtime-PCR và có kết quả âm tính vào 8 giờ sáng 21.7. Không những vậy, quá trình di chuyển từ Đà Nẵng vào TP.HCM, đoàn xe chạy xuyên đêm, ăn nghỉ luôn trên xe. 
Trước đó, lúc 16 giờ 30 ngày 20.7.2021, 15 y bác sĩ đã làm lễ xuất quân tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Tại đây, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã chúc các y bác sĩ nhiều sức khỏe, phối hợp tốt với ngành y tế TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngày sau đó, đoàn đã khẩn trương xuất phát vào TP.HCM.

Quân đội phun khử khuẩn “điểm nóng” Covid-19 ở Hà Nội

Chiều 21.7, thượng tá Nguyễn Đỗ Tùng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai, cho biết chỉ trong 10 ngày qua, TT.Quốc Oai (H.Quốc Oai) xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng, ghi nhận hơn 20 ca nhiễm Covid-19 và hàng ngàn F1, F2.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 H.Quốc Oai đã tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, cũng như đảm bảo an toàn đời sống cho người dân.
Ban Chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai tham mưu lãnh đạo địa phương báo cáo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, xin lực lượng phòng hóa của Bộ Tư lệnh Thủ đô về phối hợp với lực lượng quân sự H.Quốc Oai phun khử khuẩn toàn bộ TT.Quốc Oai và các khu vực có dịch.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp tại TT.Quốc Oai, lực lượng quân đội đã tổ chức phun khử khuẩn cho địa bàn này

Ảnh Trần Cường

Nhận đề nghị, ngày 21.7, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã lên phương án, huy động 23 cán bộ, chiến sĩ; 4 xe chuyên dụng phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai và các đơn vị liên quan tổ chức khử khuẩn hơn 12 km đường và nhiều diện tích tại TT.Quốc Oai.

23 chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với 5 cán bộ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai nhận nhiệm vụ làm sạch các khu vực phức tạp về dịch bệnh trên địa bàn TT.Quốc Oai

Ảnh Trần Cường

Theo ghi nhận, khoảng 14 giờ chiều 21.7, lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô đã có mặt tại TT.Quốc Oai. Khoảng 15 giờ 15, 4 xe chuyên dụng tỏa đi các ngả đường phun khử khuẩn, làm sạch từng ngõ ngách.
Trụ sở UBND H.Quốc Oai, HĐND H.Quốc Oai và trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai cũng được lực lượng phòng hóa phun khử khuẩn, đảm bảo không gian sạch, an toàn.
Đến khoảng 17 giờ chiều, lực lượng quân đội đã hoàn thành việc khử khuẩn và trở về đơn vị an toàn.

Trụ sở Ban chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai cũng được phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn

Ảnh Trần Cường

Phó chủ tịch phường Trần Lê Hữu Thọ xin lỗi thanh niên đi mua bánh mì

Sáng 22.7, ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hoà (TP.Nha Trang) đã đến công trình dự án Vegacity gặp anh Trần Văn Em, người bị tổ công tác của P.Vĩnh Hòa tạm giữ xe và giấy tờ cá nhân trong clip “bánh mì không phải là hàng thiết yếu” gây xôn xao dư luận những ngày qua. 

Tại đây, ông Thọ đã nói chuyện và xin lỗi anh Em về cách hành xử, giải quyết của ông trong vụ việc vừa qua. Bản thân ông cũng đã nhìn nhận, tự kiểm điểm những sai sót trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch, coi đây là bài học sâu sắc của cá nhân mình. Trước đó, liên quan vụ việc này Chủ tịch UBND TP.Nha Trang đã có thư xin lỗi trao đến tận tay anh Trần Văn Em.

Bí thư Khánh Hòa đề nghị bố trí công việc cho thanh niên “mua bánh mì bị cho nghỉ việc”

Như đã thông tin, ngày 19.7, trên mạng xã hội “nóng” clip "bánh mì không phải là hàng thiết yếu”. Vụ việc lan truyền với tốc độ chóng mặt với hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Trong đó, cư dân mạng và bạn đọc bức xúc vì lời nói và hành động của ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hoà, thể hiện trong đoạn clip không đúng chuẩn mực. Đáng nói hơn, sau khi sự việc được đăng tải, anh Trần Văn Em đã bị phía nhà thầu cho nghỉ việc.

Nhận được thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đã đề nghị phía chủ dự án Vegacity xem xét, linh động tạo mọi điều kiện cho anh Em làm một công việc tương xứng tại dự án. Lời đề nghị này đã được Vegacity chấp nhận. Hiện anh Em đang làm việc tại bộ phận cơ hữu của dự án Vegacity.

Chế tạo xe chống giọt bắn vận chuyển lương thực cho hẻm phong tỏa

Nhằm hỗ trợ lực lượng chống dịch và tình nguyện viên vơi bớt gánh nặng khi phải vận chuyển hàng hoá số lượng lớn trong các con hẻm nhỏ, ông chủ một xưởng cơ khí ở huyện Nhà Bè, TP.HCM đã sáng tạo ra một chiếc xe có kích cỡ vừa đủ, có lồng kính cách ly với môi trường bên ngoài và gắn thêm các phụ kiện phù hợp để vận chuyển hàng.

Ông chủ xưởng cơ khí chế tạo xe chống giọt bắn vận chuyển lương thực cho hẻm phong toả ở Sài Gòn

Anh Nguyễn Vĩnh Duy mua loại xe địa hình 4 bánh (ATV), sau đó chế tạo thêm phần khung với các tấm chắn giọt bắn

NVCC

Anh Nguyễn Vĩnh Duy mua loại xe địa hình 4 bánh (ATV), sau đó chế tạo thêm phần khung với các tấm chắn giọt bắn. Xe được gắn thêm loa, míc, đèn chớp để dễ dàng thông báo cho bà con khi di chuyển trong khu cách ly.
Tổng chi phí phụ kiện để chế tạo xe khoảng 39 triệu đồng. Mỗi lần xe có thể vận chuyển khoảng 200kg thực phẩm. Sau khi vận chuyển, xe sẽ được xịt sát khuẩn toàn bộ để đảm bảo an toàn chống dịch.

Sau khi hoàn thiện, chiếc xe đã được lực lượng tình nguyện viên ở hẻm 124 Xô Viết Nghệ Tĩnh sử dụng để chở cơm, nhu yếu vào vào khu cách ly

NVCC

Chiếc xe đặc biệt này được ông chủ và nhóm thợ tại xưởng cơ khí ở huyện Nhà Bè, TP.HCM hoàn thành trong 3 ngày. Ngay sau đó, xe được chuyển đến quận Bình Thạnh để hỗ trợ việc vận chuyển nhu yếu phẩm cho bà con trong hẻm phong tỏa. Anh Duy cũng mong muốn có thể thực hiện thêm nhiều chiếc xe tương tự cho các khu vực phong tỏa, bệnh viện dã chiến sử dụng trong thời gian tới.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.