Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 21.7: Cả nước 5.357 ca, ưu tiên nguồn lực cao nhất cho TP.HCM
21/07/2021 19:49 GMT+7
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 21.7.2021 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 21.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 5.357 ca Covid-19, 528 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.556 bệnh nhân mới
Bản tin dịch Covid-19 tối 21.7 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 2.570 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh trong ngày lên 5.357 ca. 528 bệnh nhân được công bố khỏi bênh trong ngày 21.7.
Thông tin cụ thể về 5.357 ca được Bộ Y tế công bố trong ngày 21.7 gồm:
+ 14 ca nhập cảnh
+ 5.343 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 1.081 ca trong cộng đồng) gồm: TP.HCM (3.556), Bình Dương (964), Đồng Nai (170), Đồng Tháp (109), Tiền Giang (65), Long An (60), Hà Nội (42), Vĩnh Long (39), Khánh Hòa (38), Bến Tre (35), Cần Thơ (32), Tây Ninh (30), Phú Yên (26), Ninh Thuận (22), Bà Rịa-Vũng Tàu (18), Vĩnh Phúc (18), Đắk Lắk (17), Bình Phước (12), Kiên Giang (12), Trà Vinh (10), Hậu Giang (9), Bình Định (8 ), Bình Thuận (7), Hà Giang (6), Quảng Ngãi (6), Sóc Trăng (6), Nghệ An (5), Lâm Đồng (5), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (4), Hưng Yên (3), Lạng Sơn (2), Gia Lai (1), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1).
- Tính đến chiều ngày 21.7, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 68.177 ca mắc, trong đó có 2.099 ca nhập cảnh và 66.078 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 64.508 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 11.971 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 123 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Chính phủ yêu cầu ưu tiên mọi nguồn lực để TP.HCM chống dịch
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78 ngày 20.7 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó cho phép thực hiện giãn cách xã hội mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương. Nghị quyết 78 có 3 điểm đáng lưu ý sau: mua sắm trang thiết bị y tế là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho TP.HCM chống dịch, và Bộ Y tế chuẩn bị kịch bản cao hơn để không bị động.
TP.Thủ Đức thí điểm cho người dân test nhanh Covid-19 tại nhà
Tối 20.7.2021, UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết từ ngày 19.7, TP.Thủ Đức đã thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 (test nhanh Covid-19) tại nhà, đối tượng thí điểm là người dân ở chung cư tại P.Thảo Điền.
Theo đó, người dân tham gia thí điểm được phát mẫu (bộ test nhanh Covid-19), cán bộ y tế hướng dẫn bằng giấy, clip và người dân tự làm, thực hiện test nhanh tại chỗ. Việc hướng dẫn người dân lấy mẫu, chăm sóc sức khỏe cũng là giảm tải cho ngành y tế.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo lắng và tìm mua các bộ test nhanh Covid-19, tự thực hiện xét nghiệm, là không nên.
Các chuyên gia y tế đánh giá nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường chỉ có độ nhạy khoảng 25%. Vì không có độ chính xác cao nên khi người dân test, có kết quả âm tính, lại mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, thậm chí có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Hiện TP.HCM đã cho phép test nhanh Covid-19 trong truy tìm F0, quyết định cho F0 xuất viện về cách ly, điều trị tại nhà ở các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã cấp phép hàng chục đơn vị sản xuất trong nước và nhập khẩu cung cấp test nhanh Covid-19 đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch Covid-19.
10 lưu ý cho F1 khi cách ly y tế tại nhà
Hiện tại, TP.HCM đang sẵn sàng phương án cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 có đủ điều kiện đáp ứng. Tuy nhiên, các trường hợp F1 cần chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà và cam kết với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo không lây lan dịch bệnh.
Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã đưa ra 10 điều khuyến cáo F1 cần tuân thủ trong thời gian cách ly y tế tại nhà. Cụ thể:
1. Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác. Không tiếp xúc với động vật nuôi.
2. Luôn thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
3. Cài đặt, bật và khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VHD (Vietnam Health Declaration) – phần mềm quản lý, giám sát cách ly y tế tại nhà hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly.
4. Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật hàng ngày trên ứng dụng Vietnam Health Declaration hoặc Bluezone. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì phải thông báo cho cán bộ y tế hàng ngày qua số điện thoại được cung cấp.
5. Khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải cập nhật ngay trên ứng dụng VHD hoặc Bluezone và báo ngay cho cán bộ y tế. Trường hợp không thể tự đo thân nhiệt thì cán bộ y tế hoặc người chăm sóc, hỗ trợ (nếu có) sẽ đo cho người cách ly.
6. Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác.
7. Tự thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn nơi ở hàng ngày.
8. Tự phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.
9. Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo quy định.
10. Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Trước đó, trong cuộc họp sáng 20.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đã chủ trì buổi họp trực tuyến triển khai cách ly y tế tại nhà cho các F1 trên địa bàn thành phố.
Vội vàng tiếp tế khi cả phường ở Bình Thạnh bị phong tỏa vì Covid-19
Ngày 21.7.2021, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Q.Bình Thạnh cho biết từ chiều 20.7, cơ quan này đã có thông báo quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời, cách ly y tế với P.19 sau khi các ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại khu vực này có chiều hướng tăng lên. Thời gian phong tỏa, cách ly bắt đầu 0 giờ ngày 22.7 đến khi có thông báo mới.
P.19 có hơn 19.000 dân với các cụm khu vực đông dân như chung cư Phạm Viết Chánh, chung cư Nguyễn Ngọc Phương, chợ Thị Nghè...
Trưa cùng ngày, tại khu phố 4 (lối dẫn vào chợ Thị Nghè), rào chắn và hệ thống dây phong tỏa được lập nên, lực lượng bảo vệ túc trực liên tục. Một số người dân, shipper lưu thông từ phía bên trong bất ngờ gặp chốt chặn nên phải quay đầu tìm hướng đi khách. Phía ngoài, nhiều người dân vội vàng tiếp tế lương thực, thực phẩm cho gia đình, bạn bè sống trong khu vực này.
Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời, cách ly y tế, người dân sống tại P.19 sẽ không được ra khỏi khu vực trừ nhân viên y tế, những người thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Các hoạt động bên trong khu phong tỏa phải đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người tại công sở, công ty.
Các tổ chức đang hoạt động kinh doanh và cư dân P.19 được yêu cầu nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.
Những tín hiệu tích cực từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19
Ngày 21.7.2021, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết, bệnh viện đang tích cực liên hệ chuyển 106 bệnh nhân nặng đã hồi phục và chuyển nhẹ về các bệnh viện cấp 1, cấp 2 trong điều trị Covid-19 để nhường chỗ cho các bệnh nhân nặng khác điều trị.
Chỉ sau ít ngày lực lượng chuyên môn hoạt động với tần suất công việc rất cao, đến ngày 20.7, có 106 bệnh nhân đã chuyển sang nhẹ, gồm 67 bệnh nhân không cần thở ô xy, 39 bệnh nhân còn thở ô xy qua mũi.
Đây là thành quả ban đầu ghi nhận sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể các nhân viên của bệnh viện trong thời gian rất ngắn vừa qua.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động từ ngày 15 đến ngày 20.7 đã tiếp nhận 249 bệnh nhân nặng và nguy kịch ở cấp độ 3, độ 4 về điều trị.
Dự kiến, trong tuần này, bệnh viện hoàn thành giai đoạn 1 với khả năng tiếp nhận 460 bệnh nhân; tuần kế tiếp sẽ nâng công suất tiếp nhận lên mức 700 giường bệnh và tiếp tục có kế hoạch nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.
Tài xế xe tải chạy một mạch từ Tiền Giang lên Lâm Đồng không dám dừng ăn cơm
Phía trước chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 1 trên Quốc lộ 20 đặt ở đèo Chuối, huyện Đạ Huoai thường thấy một đoàn xe tải dài nối đuôi nhau. Đây cũng là chốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch ở các cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng.
Với lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa đông đúc hướng về TP.HCM và các tỉnh phía Nam nên nhiều thời điểm xe cộ bị ùn ứ cục bộ.
Cho đến thời điểm hiện tại, lưu lượng phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân vẫn lưu thông qua lại bình thường nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả. Thống kê của Chốt số 1 cho thấy, trung bình hằng ngày có từ 3.000 – 3.500 người và phương tiện các loại qua chốt vào Lâm Đồng. Trong đó, riêng xe tải vận chuyển hàng hóa qua chốt giao động từ 2.500 – 2.700 lượt xe/ngày. Cũng vì thế mà xảy ra việc ùn ứ vào thời gian cao điểm, từ buổi trưa đến tối và về đêm.
Tại chốt, mỗi ca làm việc thường xuyên có lực lượng ứng trực luôn có trên 50 người để điều tiết giao thông và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid–19. Để giảm bớt áp lực cho lực lượng tuyến đầu, từ ngày 19.7, chốt kiểm dịch này cũng đưa vào hoạt động kê khai y tế bằng mã QR.
Cho đến nay, TP.HCM đã cấp 120 thẻ luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa nông sản tại Lâm Đồngvà chủ yếu đi theo tuyến quốc lộ 20. Hiện Sở Giao thông Vân tải tỉnh Lâm Đồng đã gửi văn bản đến Tổng Cục đường bộ để sáp nhập luồng xanh nội tỉnh Lâm Đồng vào hệ thống luồng xanh quốc gia nhằm tăng tốc độ đưa nông sản, hàng hóa nói chung từ Lâm Đồng đi TP.HCM và các tỉnh.
Người Bình Định ở TP.HCM được đưa về quê tránh dịch Covid-19 bằng máy bay
Tối 20.7.2021, chuyến bay của Hãng hàng không Bamboo Airways đã đưa 196 hành khách là người Bình Định từ sân Tân Sơn Nhất hạ cách xuống sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định an toàn.
Đây là những công dân đầu tiên trong số khoảng 1.000 công dân Bình Định sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được UBND tỉnh Bình Định tổ chức đón về quê bằng máy bay.
Khi đến sân bay Phù Cát, các công dân về từ TP.HCM được UBND tỉnh Bình Định bố trí xe đưa đón về khu cách ly tập trung do quân đội quản lý. Ngay trong đêm, ngành y tế tỉnh Bình Định sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các công dân này.
UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ toàn bộ chí phí ăn ở cho các công dân trong thời gian cách ly.
Trong thời gian cách ly tập trung 7 ngày, những công dân này tiếp tục được xét nghiệm nhiều lần để phân loại. Hết thời hạn cách ly tập trung, người có kết quả âm tính sẽ được bàn giao cho chính quyền địa phương đưa về cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Trường hợp nghi ngờ sẽ được tiếp tục cách ly, theo dõi.
Tỉnh Bình Định dự kiến sẽ tiếp tục bố trí thêm 3 chuyến bay vào các ngày 23, 27 và 30.7 để đưa người Bình Định ở TP.HCM về quê.
Một thầy cúng ở Đà Nẵng mắc Covid-19, từng đi tụng kinh nhiều nơi
Sáng 21.7.2021, Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn đã ra thông báo về trường hợp mắc Covid-19 ở Đà Nẵng là một người làm nghề tự do, cụ thể là đi cúng. Cơ quan chức năng đang phải khẩn trương khoanh vùng nhiều địa điểm liên quan đến bệnh nhân này.
Bệnh nhân Covid-19 này là nam (43 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn; tạm trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân làm nghề tự do, thường đi cúng, đi tụng kinh.
Trước đó, sáng 20.7, người này đến khu khám sàng lọc của Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn khám, được xét nghiệm Covid-19 và cho kết quả dương tính. Điều tra dịch tễ liên quan cho thấy, giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, người này vẫn đi nhiều đám cúng trên địa bàn Đà Nẵng.
Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng vào hỗ trợ TP.HCM chống dịch
Chiều 20.7.2021, 15 y bác sĩ và nhân viên của Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng, cùng với 5 xe cứu thương đầy đủ trang thiết bị đã xuất phát vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Tại buổi tiễn đoàn, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết trước đây Đà Nẵng đã cử một số đoàn y bác sĩ đến hỗ trợ chống dịch tại một số địa phương. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở thành phố này cũng đang trong bối cảnh rất cam go. Tuy nhiên, Đà Nẵng sẽ chia sẻ với các địa phương bạn đặc biệt là TP.HCM.
Theo thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng, đoàn y bác sĩ vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch đợt này có 15 người gồm: 2 bác sĩ, 5 y sĩ, 8 lái xe cùng với 5 xe cấp cứu. Lúc 16 giờ 30 phút ngày 20.7, sau lễ tiễn đoàn tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, đoàn chi viện khẩn trương xuất phát và đã đến TP.HCM vào ngày 21.7.2021.
Tiểu thương chợ truyền thống TP.HCM thở phào vì giá rau củ đã ‘hạ nhiệt’
Sáng 20.7.2021, tiểu thương bán rau củ quả hàng chục năm tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) cho biết giá rau củ đã hạ nhiệt đáng kể; trong khi đó, giá thịt cá cũng đã trở về bình thường, người dân yên tâm mua sắm.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 21.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Covid-19 TP.HCM
vắc xin Covid-19
bản tin Covid-19
Covid-19 ngày 21/7
tình hình Covid-19 TP.HCM
giãn cách xã hội
tiêm vắc xin ở TP.HCM
tình hình covid-19 hôm nay
Bình luận (0)