TP.HCM: Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 1,6 lần so với 4 tuần trước đó

Lê Cầm
Lê Cầm
26/07/2023 16:48 GMT+7

Theo thông tin vừa công bố từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh với 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca.

Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần qua (17.7 - 23.7) tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận 256 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12,2% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, huyện Bình Chánh và quận 8.

TP.HCM: Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 1,6 lần so với 4 tuần trước đó - Ảnh 1.

Số ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân tại các quận huyện ở TP.HCM trong tuần qua

HCDC

Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học.

Giai đoạn khởi phát của tay chân miệng, trẻ có dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy. Giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ có triệu chứng viêm loét miệng, sốt (37,5 - 38 độ C), phát ban dưới dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông.

Hầu hết trẻ bị tay chân miệng hồi phục dần sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, một tỷ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tăng 1,6 lần so với 4 tuần trước đó

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết trước tình hình số ca mắc mới tiếp tục gia tăng, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu nhận biết để theo dõi và phòng bệnh cho trẻ. Một số dấu hiệu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng gồm sốt (nhẹ đến cao), loét miệng, nổi hồng ban mụn nước, các vị trí thường gặp lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông.

TP.HCM: Số ca mắc tay chân miệng tăng 1,6 lần so với 4 tuần trước đó - Ảnh 2.

Các nốt hồng ban và tình trạng viêm loét miệng ở trẻ mắc tay chân miệng

SHUTTERSTOCK

3 triệu chứng cảnh báo tay chân miệng diễn biến nặng

Trong trường hợp trẻ có một trong 3 triệu chứng dưới đây, cha mẹ không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

- Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng thuốc hạ nhiệt.

- Trẻ giật mình: Trẻ mắc tay chân miệng có biểu hiện giật mình là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ nhớ chú ý để phát hiện triệu chứng này ở trẻ ngay cả khi trẻ đang chơi và quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Trẻ quấy khóc dai dẳng, kéo dài: Trẻ quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng do bé có các nốt đau trong miệng nên quấy khóc nhưng thực tế đây là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

TP.HCM: Số ca mắc tay chân miệng tăng 1,6 lần so với 4 tuần trước đó - Ảnh 3.

Một trường hợp mắc tay chân miệng độ 3 điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

MINH TIẾN

Phòng bệnh tay chân miệng

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng nên phương pháp phòng bệnh tốt nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.