Hệ thống camera giám sát trọng điểm mà TP.HCM đã và đang lắp đặt, được ví là “mắt thần” đúng nghĩa, nhờ có chất lượng cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng số hóa, nhận diện khuôn mặt, biển số xe và nhiều chức năng thông minh khác.
|
Liên quan đề án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của TP.HCM, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM (đơn vị được giao chủ trì triển khai đề án).
Ông Lê Quốc Cường cho biết, khi TP.HCM tập trung triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh, một trong những yêu cầu then chốt đặt ra là phải trang bị hạ tầng công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ..., trong đó có hệ thống camera giám sát trọng điểm để nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tạo ra nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là góp phần quan trọng bảo đảm an toàn đô thị về giao thông, an ninh trật tự (ANTT), PCCC...Tạo nguồn dữ liệu
Thưa ông, vì sao việc xã hội hóa lắp đặt camera thời gian qua thực hiện được đánh giá mang lại kết quả tốt, nhưng TP vẫn triển khai lắp đặt thêm các hệ thống camera giám sát tập trung?
Những năm qua, việc xã hội hóa lắp đặt camera ở khu dân cư trên địa bàn TP được người dân hưởng ứng rất tích cực, đến nay đã lắp đặt được khoảng 37.000 cái. Hình ảnh từ camera xã hội hóa cũng được tích hợp về cơ quan quản lý ở quận, huyện, và giúp ích rất nhiều trong quản lý đô thị, ANTT.
Tuy nhiên, hiện trạng một số hệ thống camera xã hội hóa đã được trang bị trong thời gian dài, sử dụng công nghệ analog (tín hiệu hình ảnh không được số hóa), độ phân giải thấp và không có khả năng kết nối với nhau... dẫn đến việc tích hợp, khai thác tập trung gặp nhiều khó khăn hoặc không thể kết nối được. Một số hệ thống giám sát tập trung cấp quận, huyện đã thực hiện tích hợp camera xã hội hóa, nhưng cũng vẫn còn hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Do đó, TP.HCM chủ động tính toán triển khai thêm hệ thống camera giám sát trọng điểm, tập trung và hiện đại hơn. Đây là một trong những giải pháp cụ thể và cần thiết nhằm tạo nguồn dữ liệu (hình ảnh) đầu vào quan trọng cho hoạt động của Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm điều hành giao thông, Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp hợp nhất (113 - 114 - 115) và các bộ phận cấu thành của đô thị thông minh, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trên địa bàn TP, đặc biệt là yêu cầu quản lý, điều hành, chỉ huy xuyên suốt từ cấp TP đến quận, huyện, xã, phường trong tổng thể đô thị toàn địa bàn.
Hiện nay, tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1 của TP (đặt tại trụ sở UBND TP) đã được kết nối, tích hợp với khoảng 1.500 camera chất lượng cao trên khắp địa bàn TP. Từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến các sở ngành TP sẽ triển khai thêm gần 1.000 camera nữa, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, được cân đối theo từng thời điểm đầu tư.
Nhận diện nghi can gây án
Hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung có ưu điểm gì, thưa ông?
Hệ thống camera giám sát trọng điểm này áp dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng nhận diện khuôn mặt, biển số xe và nhiều chức năng thông minh khác... Khi trang bị hệ thống này, TP tích hợp đồng bộ với bản đồ số, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 (theo định hướng sẽ tiến đến thí điểm chỉ còn một đầu số) định vị được cuộc gọi và các dữ liệu liên quan để tạo ra nhiều lợi ích thiết thực. Chẳng hạn, nếu như tổng đài khẩn cấp 114 nhận được cuộc gọi báo cháy nổ, lập tức hệ thống sẽ nhận diện được địa điểm xảy ra sự cố nếu ở khu vực đó có lắp đặt camera giám sát, để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Hay ở khu vực có lắp đặt camera giám sát trọng điểm, nếu phát sinh vụ việc cướp giật, hệ thống có thể ghi nhận lại gương mặt của nghi can, phương tiện gây án...
|
Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, tại các khu vực trung tâm và các cửa ngõ ra vào đã được đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát. Dự kiến trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hệ thống camera giám sát người và phương tiện tại những khu vực trọng điểm, khu vực công cộng và nhiều vị trí khác, tạo thành mạng lưới chủ động giám sát hình ảnh rộng khắp, hỗ trợ tốt nhất công tác quản lý ANTT và an toàn giao thông.
Đồng bộ nhiều hệ thống
Bên cạnh hệ thống camera được đầu tư mới, TP có xem xét phương án tận dụng tích hợp hệ thống camera từ nguồn xã hội hóa hay không?
Bên cạnh đầu tư hệ thống camera giám sát phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, thì TP vẫn chủ trương tận dụng sự hỗ trợ, bổ sung nguồn cung cấp hình ảnh giám sát từ camera xã hội hóa để tích hợp vào hệ thống camera của TP khi đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Sở TT-TT đã tham mưu UBND TP ban hành các văn bản liên quan đến khung kiến trúc tổng thể hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung; quản lý, kết nối thống nhất các hệ thống camera trên địa bàn TP.HCM; các hướng dẫn về tiêu chí kỹ thuật khuyến nghị đối với các hệ thống camera, nhằm đảm bảo việc đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, sẵn sàng cho việc kết nối các hệ thống.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND TP.HCM là các hệ thống camera phải được chia sẻ, kết nối dữ liệu hình ảnh thống nhất với nhau để các cơ quan có thẩm quyền cùng khai thác, sử dụng phù hợp. Do vậy, trong tương lai, camera của các sở ngành, UBND quận, huyện tích hợp về Trung tâm điều hành đô thị của TP.HCM sẽ ngày càng nhiều.
Như vậy, TP sẽ duy trì song song hệ thống camera giám sát trọng điểm do TP trang bị và hệ thống camera xã hội hóa ở cấp quận, huyện?
Đúng vậy! Hiện nay Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP.HCM đã tích hợp camera một số sở ngành, UBND quận, huyện. Theo yêu cầu của TP, các đơn vị sau này khi triển khai hệ thống camera, thì điều kiện bắt buộc là phải kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP.
TP.HCM cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn khuyến nghị để người dân, tổ chức, DN có thể tham khảo, đáp ứng những điều kiện kỹ thuật cơ bản và có thể hỗ trợ cung cấp hình ảnh hoặc cho phép tích hợp vào hệ thống camera của cơ quan nhà nước.
Không tùy tiện với dữ liệu hình ảnh
Việc sử dụng hình ảnh từ camera thông minh sẽ được tính toán như thế nào?
Trung tâm điều hành đô thị thông minh được xem là đầu não của hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung. Trong dự thảo Quy chế về quản lý, vận hành và khai thác các hệ thống giám sát hình ảnh trên địa bàn TP.HCM đã được xây dựng và đang tổ chức lấy ý kiến, sẽ có các nội dung quy định rõ về thẩm quyền truy cập và khai thác dữ liệu camera, những vấn đề về bảo mật dữ liệu camera, thông tin cá nhân của người dân, tổ chức, DN để đảm bảo loại trừ những trường hợp lợi dụng hệ thống camera để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ngoài ra, các hệ thống camera trọng điểm của TP.HCM sẽ được kết nối thông qua hệ thống mạng chuyên dùng, không kết nối vào mạng internet công cộng để đảm bảo các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin.
|
Dự thảo cũng quy định về công bố dữ liệu camera cung cấp cho cá nhân, tổ chức, DN. Theo đó, sẽ có quy định để một phần dữ liệu thuộc hệ thống quản lý tập trung camera giám sát của TP.HCM được chia sẻ cho cá nhân, tổ chức, DN thông qua dịch vụ truy cập trực tuyến, ứng dụng di động hoặc các giao thức kỹ thuật khác để khai thác sử dụng tạo ra giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho TP.HCM và tạo thuận tiện hơn cho người dân và cộng đồng.
Khuyến cáo về lắp đặt camera trong gia đìnhSở TT-TT TP.HCM khuyến cáo người dân khi có nhu cầu lắp đặt camera an ninh trong gia đình, cần lựa chọn các đơn vị có uy tín trên thị trường, xem xét, cân nhắc kỹ phương án kỹ thuật, yêu cầu đơn vị lắp đặt cung cấp toàn bộ mật khẩu, tài khoản để truy cập hệ thống và thực hiện đổi mật khẩu truy cập thường xuyên.
Đồng thời, cần cân nhắc lựa chọn các giải pháp kỹ thuật do DN trong nước xây dựng, phát triển để tránh việc lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân, các hình ảnh riêng tư của gia đình.
|
Bình luận (0)