TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16: Người dân các phường đang phong tỏa ủng hộ, mong sớm dập dịch

23/07/2021 13:24 GMT+7

TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16, người dân trong khu phong tỏa chỉ được ra khỏi nhà mua thực phẩm 2 lần/tuần nhưng nghe tin đa số đều ủng hộ. Ai nấy cũng mong mọi người cùng chấp hành để sớm dập dịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 12 về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trong đó, Chỉ thị 12 yêu cầu các khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi: có yêu cầu cấp cứu y tế; mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).
Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà. 

TP.HCM sẽ áp dụng 16+, mạnh hơn Chỉ thị 16 đến ngày 1.8 để chống Covid-19

Theo thông tin cập nhật từ HCDC toàn TP.HCM tính đến 14 giờ ngày 21.7 TP.HCM đã có tổng cộng 3057 điểm phong tỏa ở nhiều quận, huyện, các ấp hoặc khu phố, hẻm, tòa nhà... Trong đó, Quận 8 với 314 điểm; H.Hóc Môn: 263 điểm; Q.12: 233 điểm; H.Bình Chánh: 213 điểm; Nhà Bè: 210...
Ngoài ra, có 12 phường thuộc địa bàn TP Thủ Đức nằm trong diện phong tỏa gồm: Tân Phú, Bình Chiểu, Tăng Nhơn Phú A, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Linh Trung, Tam Bình, Tăng Nhơn Phú B, Long Trường và Tam Phú.
Q.Bình Thạnh hiện phong tỏa phường 19 và mới đây nhất là phường 21. 

Đi chợ, siêu thị 2 lần/tuần sẽ sớm triển khai

Chia sẻ với Thanh Niên, một số lãnh đạo phường đang áp dụng biện pháp phong tỏa cho hay, những ngày này, các lực lượng đều được huy động để thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn khu vực vì những ca bệnh mới. Người dân trong các khu phong tỏa liên tục được lực lượng túc trực ở các chốt hay khu phố nhắc nhở ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi đi mua thực phẩm, hoặc bắt buộc phải nhận đồ tiếp tế tại các chốt kiểm soát.

Trưa 23.7, xóm chị D. ở vắng vẻ, người dân ở yên trong nhà

Ảnh: NVCC

Một lãnh đạo phường chia sẻ: “Việc nhận đồ tiếp tế tại các chốt kiểm soát có sự giám sát của lực lượng chốt trực, đảm bảo việc giao nhận hàng tuân thủ 5K để phòng dịch. Thời điểm vừa phong tỏa thì các chốt còn tất bật tiếp tế, nhưng được vài ngày tình hình ổn hơn, lượng người tiếp tế tại chốt vắng hơn.
Một lãnh đạo khác cũng cho biết: “F0 trong khu phong tỏa phát sinh thêm nên lực lượng phải tập trung truy vết, khử khuẩn, tuyên truyền để bà con yên tâm ở trong nhà, không ra ngoài trừ trường hợp đi siêu thị, đi chợ mua thực phẩm. Đã ở trong khu phong tỏa, người dân cũng cơ bản chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 để phòng dịch cho mình và cộng đồng. Sắp tới khi có hướng dẫn chi tiết về các biện pháp tăng cường, phường sẽ triển khai siết chặt hơn”.
Tuy nhiên, vị này cũng bộc bạch, từ trước khi bắt đầu phong tỏa phường, một số người đã khăn gói đồ đạc đi khỏi địa phương trước "giờ G", những người ở lại đều chấp hành nghiêm quy định của địa phương, việc đi chợ, đi siêu thị 2 lần/tuần theo phiếu phát của chính quyền sẽ sớm được triển khai.

TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16 dập Covid-19: Người dân ở yên trong nhà, nhiều hoạt động phải dừng lại

Bình tĩnh

Vừa chuyển từ KTX ĐHQG TP.HCM đến ở nhờ nhà người quen tại P.Tân Phú, TP Thủ Đức được vài hôm, chị Phan Thị T.T (22 tuổi) nhận thông báo cả phường bắt đầu phong tỏa từ ngày 6.7.2021. Người quen cũng vừa về quê hết, một mình ở lại nơi vừa chuyển đến, chị T. có chút lo lắng vì không rành đường sá đi lại hay khu vực bán nhu yếu phẩm xung quanh.
Theo lời chị T., gần nơi chị đang ở nhờ không có siêu thị hay cây xăng, cũng không có nhiều cửa hàng tiện lợi, những ngày qua chị đều đặt hàng qua shipper để hạn chế ra ngoài. “Tôi ở trong nhà suốt từ hôm đó đến giờ, chỉ ra ngoài khi nhận hàng từ các shipper. Tôi không biết chợ hay siêu thị ở đâu trong khu này, cũng không dám đến đó mua vì sợ dịch bệnh”, chị tâm sự.

Tại chốt phong tỏa đường Nam Cao (P.Tân Phú) ngày đầu phong tỏa

Ảnh: Cao An Biên

Sáng 23.7, khi đọc báo thấy được thông tin TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16, người dân trong khu phong tỏa bị hạn chế số lần ra ngoài mua được thực phẩm thiết yếu, phát thẻ đi chợ…, chị T. chỉ lo không được nhận hàng từ shipper nữa. "Sáng giờ xóm trọ này cũng xôn xao, nhưng tôi thấy mọi người đều bình tĩnh ở nhà, chứ không vội vàng tìm đồ tích trữ như những đợt trước”, chị kể.
Trong khi đó, anh Phạm T. (27 tuổi) cũng đang ở trong khu phong tỏa phường Tân Phú cho biết, suốt thời gian qua anh sống bằng số tiền dành dụm trong thời gian còn có công văn việc làm. Đọc tin TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16, anh T. cho biết, gia đình anh đã tích trữ được kha khá lương thực rồi nên cũng không mấy lo. Xung quanh nhà anh T., mọi người vẫn bình tĩnh ở nhà.
“Tôi thấy dịch ở đây vẫn còn phức tạp quá, vẫn còn xuất hiện F0 nên chỉ có làm vậy thì mới hết bệnh được thôi. Cố gắng vậy!”, anh T. chia sẻ.

TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16 chống Covid-19: Hai tuần tới có ý nghĩa quyết định

“Đã đoán trước, sẽ chấp hành tốt”

“Khi phong tỏa dịch phức tạp, là khu vực có nguy cơ cao nên lại càng cần có biện pháp mạnh. Ở trong nhà với mấy bức tường ai không bức bối, khó chịu nhưng giờ không chịu cũng phải chịu. Tất cả cũng vì sức khỏe của mình và người thân”

Anh V. nói

Anh Q.V (26 tuổi) là thợ hớt tóc đang sống trong khu vực cách ly ở KP.6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức cũng cho biết, đã dự đoán TP sẽ có những biện pháp mạnh hơn để phòng chống dịch. Anh bày tỏ: “Khi phong tỏa dịch phức tạp, là khu vực có nguy cơ cao nên lại càng cần có biện pháp mạnh”. 
Anh V. cho hay, gia đình anh đã mua rất nhiều thực phẩm dự trữ để dùng nhiều ngày, gần nhà cũng có nhiều siêu thị nhỏ nên không quá lo lắng. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, mỗi tuần gia đình anh chỉ ra ngoài 2 – 3 lần để mua thực phẩm nên giờ có thêm biện pháp mạnh hơn cũng không quá hoang mang.
“Ở trong nhà với mấy bức tường ai mà không bức bối, khó chịu nhưng giờ không chịu cũng phải chịu thôi. Tất cả cũng vì sức khỏe của mình và người thân”, anh nói.

Khu vực nhà chị T.D phong tỏa từ ngày 18.7

Ảnh: NVCC

“Nên như vậy để kiểm soát tốt hơn, tôi sẽ tuân thủ tốt như những ngày qua. Có như vậy mới sớm dứt được dịch bệnh, tôi cũng mong sớm được đi làm lại”.

Chị Lê Thị T.D

Chị Lê Thị T.D (22 tuổi) cũng đang sống cùng khu vực phong tỏa tại P.Linh Trung cũng cho hay, từ ngày 18.7, toàn phường phong tỏa để phòng dịch, quanh khu trọ ai nấy đều chấp hành. Hôm qua, khu vực gần nhà vừa phát hiện thêm một ca nhiễm mới, chị thầm nghĩ “thời gian gỡ phong tỏa hẳn còn lâu lắm”. Đến sáng, khi đọc báo thấy khu phong tỏa có thêm các biện pháp tăng cường, chị cũng không quá bất ngờ. “Nên như vậy để kiểm soát tốt hơn, tôi sẽ tuân thủ tốt như những ngày qua. Có như vậy mới sớm dứt được dịch bệnh, tôi cũng mong sớm được đi làm lại”, chị bộc bạch.
Những ngày qua, ngoài số thực phẩm đã dự trữ từ trước hai chị em chị D. cũng được phường hỗ trợ thêm nhiều nhu yếu phẩm. Số thực phẩm còn lại đủ cho chị dùng thêm 5 ngày nữa nên việc TP.HCM tăng cường chỉ thị 16 khiến chị cảm thấy cần thiết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.