Gần 500 phòng học mới sẽ được đưa vào sử dụng
Theo đó, năm học 2024-2025, dự kiến TP.HCM tăng 24.097 học sinh trong đó THCS tăng 7.022 học sinh; THPT tăng 16.999 học sinh.
Sở GD-ĐT cũng thống kê số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại TP là 347.962 (chiếm tỷ lệ 20,67% tổng học sinh). Bình quân mỗi năm số học sinh tăng thêm khoảng 25.000 người, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học), số lượng học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Hiện nay địa bàn một số quận, huyện nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc gia tăng số học sinh nêu trên còn dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách.
Trong bối cảnh số học sinh gia tăng, Sở GD-ĐT khẳng định năm học 2024-2025 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Dự kiến từ nay đến ngày 5.9, TP sẽ đưa vào sử dụng 18 dự án với 413 phòng học mới với tổng mức đầu tư 1.970 tỉ đồng.
Dự kiến từ sau ngày 5.9 đến hết tháng 12.2024 sẽ đưa vào sử dụng 5 dự án với 63 phòng học mới với tổng mức đầu tư khoảng 267 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến công tác xây dựng trường lớp, Sở GD-ĐT cũng nhìn nhận, việc triển khai quy hoạch mạng lưới trường lớp vẫn chưa triệt để tại các quận huyện do còn thiếu quỹ đất sạch. Nhiều dự án chưa triển khai do vướng nhiều nguyên nhân (đất vướng quy hoạch, các vấn đề liên quan và phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí...). Một số trường học chưa tập hợp đủ giấy tờ hồ sơ pháp lý để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền…
HĐND TP.HCM bầu 4 nhân sự mới
13 nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT TP.HCM
Về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2024-2025, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết ngành giáo dục sẽ tập trung vào 13 nhiệm vụ.
Trong đó, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp gương mẫu. Tiếp tục duy trì và khai thác hiệu quả không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Triển khai kế hoạch thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục TP. HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.
Tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM nhấn mạnh TP triển khai kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Tăng cường kiểm tra công tác đầu tư, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ngoài công lập…
Bình luận (0)