TP.HCM: Xử phạt, tiêu hủy thuốc không rõ nguồn gốc

Duy Tính
Duy Tính
03/11/2023 14:42 GMT+7

Một cơ sở bán dược liệu không rõ nguồn gốc, một nhà thuốc bán sản phẩm không rõ nguồn gốc bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt và buộc tiêu hủy.

Ngày 3.11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm đối với 6 tổ chức cá nhân với tổng số tiền xử phạt hơn 113 triệu đồng.

Theo đó, hộ kinh doanh H.P (Q.5) bị xử phạt 37 triệu đồng do vi phạm nhiều hành vi. Cụ thể, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược. Không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của dược liệu, vị thuốc cổ truyền và các thông tin khác theo quy định. Không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến nguyên liệu làm thuốc (dược liệu) trong thời gian phải lưu giữ theo quy định. Bán dược liệu đã qua sơ chế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Kinh doanh hàng hóa (dược liệu) theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa. Kinh doanh hàng hóa (dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài xử phạt tiền, hộ kinh doanh H.P còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và tước chứng chỉ hành nghề của dược sĩ L.T.T trong thời hạn 2 tháng. Buộc thu hồi và ghi nhãn đúng quy định đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Buộc tiêu hủy dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 6,5 triệu đồng thu được do kinh doanh dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhà thuốc P.H (Q.3) bị xử phạt 27,5 triệu đồng. Nhà thuốc này không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc thuốc và các thông tin khác theo quy định. Không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định. Lưu trữ, bán lẻ thuốc không thuộc phạm vi kinh doanh được ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ đối với thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhà thuốc P.V (Q.Phú Nhuận) bị xử phạt 26 triệu đồng do không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và các thông tin khác theo quy định; bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; kinh doanh hàng hóa (thuốc) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, nhà thuốc bị buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhà thuốc tây K.T (Q.6) bị phạt 12,3 triệu đồng do để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế; không tuân thủ các quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhà thuốc K.T bị buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ông N.T.T.H (Q.11) bị phạt 3 triệu đồng do không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và các thông tin khác theo quy định. Bà C.T.X (H.Hóc Môn) bị xử phạt 7,5 triệu đồng do giả mạo một trong các giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược.

Đình chỉ khám chữa bệnh đối với cơ sở chăm sóc da 

Thanh tra Sở Y tế cũng xử phạt 60 triệu đồng đối với ông N.T.K, chủ hộ kinh doanh Rita Homespa (Q.3). Nguyên nhân hộ kinh doanh này sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người nhưng đây không phải là cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động. Cơ sở bị đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh và buộc gỡ quảng cáo. Bà C.T.H, nhân viên chăm sóc da tại cơ sở bị phạt đến 30,5 triệu đồng khi khám chữa bệnh mà chưa có chứng chỉ hành nghề, buộc nộp lại 500.000 đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đặc biệt, bà Đ.T.V, là người chăm sóc da, đồng thời là chủ hộ kinh doanh cơ sở săn sóc da mặt Hiền Anh (Q.5) bị phạt hơn 120 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; khám chữa bệnh mà không có chứng chỉ hành nghề; quảng cáo khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, cơ sở bà V. còn bị buộc dừng hoạt động khám chữa bệnh, tháo gỡ quảng cáo và nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp là 5,5 triệu đồng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.