Gần như ở thôn nào cũng có một câu lạc bộ (CLB) dân vũ, thành phần chủ yếu là những người nông dân ở độ tuổi trung niên, phần nhiều là nữ giới. Họ thường xuyên luyện tập và trình diễn ở nhà văn hóa thôn vào các buổi chiều tối sau khi hoàn tất mọi công việc đồng áng và việc nhà.
Khi hoạt động đi vào nền nếp, như một lẽ tất nhiên, đã phát sinh nhu cầu giao lưu giữa các CLB. Nhu cầu này rất thiết thực nhưng không dễ thực hiện, bởi cần phải có nơi thích hợp để biểu diễn và đón khán giả đến xem, cổ vũ! Có lẽ vì thế mà 2 năm nay ở thôn Khánh An, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) có một người luôn đau đáu việc đó và ông đã miệt mài thuê người làm một sân khấu nổi giữa hồ cá rộng chừng 3 mẫu của gia đình mình, được lắp hệ thống chiếu sáng bằng điện pin mặt trời. Cái sân khấu nổi ấy có tên là "Hồ đảo cá Hồng Thái". Sân khấu này được nối với bờ hồ bằng cây cầu sắt nhỏ, mang tên "cầu Hạnh Phúc". Xung quanh hồ được rào lưới thép B40, phía trong có lan can bảo vệ. Bờ hồ trồng nhiều cây cối, nhất là sung, mọc nghiêng ra mặt nước. Hai bên thành cầu, khu vực sân khấu và các thân cây quanh hồ đều được giăng kết đèn LED trang trí. Mỗi khi có các cuộc biểu diễn văn nghệ, nơi đây ngập tràn ánh sáng với đủ sắc màu, soi bóng xuống mặt hồ tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo, lung linh…
Từ đầu năm 2023 đến nay sân khấu này đã có 3 lần trở thành nơi biểu diễn giao lưu văn nghệ quần chúng của các CLB dân vũ thuộc Hồng Thái cũ và các thôn, xã quanh vùng. Mỗi lần diễn ra sự kiện có rất đông bà con các nơi đến xem, cổ vũ thật vui. Mỗi lần như vậy chủ nhân của sân khấu đều bỏ ra hàng triệu đồng để thuê loa đài, trả tiền điện, tiền mua hoa tặng diễn viên… Ở lần thứ 3 – lần gần đây nhất mà tôi được xem là dịp sinh nhật Bác (19.5). Lần này có hơn 30 CLB dân vũ đăng ký tham gia nên phải chia làm 2 đêm diễn.
Tôi ngỡ ngàng khi nhận ra các "diễn viên" nhảy múa khá đẹp, hát hay, mặc áo váy lộng lẫy kia là những người nông dân chính hiệu. Họ từ đồng ruộng, soi bãi bước lên sân khấu một cách rất hồn nhiên và tự tin thông qua việc tự học múa, học nhảy, học hát trên YouTube. Chị Trần Thị Huệ, thôn Quang Thái, sôi nổi nói: "Vui quá anh ạ! Nhờ có ông Bắc xây dựng cái sân khấu miễn phí này mà người dân chúng em được đi xem các tiết mục dân vũ thật hay". Chị Mông Thị Vân ở thôn Soi Long, thành viên Ban liên lạc các CLB, kể: "Chúng em thật sự không ngờ lại có nhiều CLB tham dự như vậy. Ai cũng bảo: được biểu diễn miễn phí ở sân khấu nổi đẹp như vậy thì không có lý do gì để từ chối". Cháu Trần Thị Tuyết, ở thôn Bình Thuận, không giấu được vẻ phấn khích: "Có cái sân khấu và không gian đẹp, thoáng thế này để múa hát thật không gì bằng, chú ạ". Ông Hoàng Văn Đệ, thôn Khánh An, bảo: "Nhìn người đi xem đông vui thế này tôi lại nhớ đến các buổi chiếu bóng ở sân kho hợp tác xã mấy chục năm về trước"… Nghe tâm sự của mọi người, tôi nhận ra một điều: những đêm diễn tại nơi đây thực sự đã trở thành những đêm vui bất tận của bà con trong vùng!
Chủ nhân của sân khấu nổi này là ông Nguyễn Trần Bắc, người con quê hương Hồng Thái xưa. Năm 1966, khi đang học cấp 3, ông viết đơn xung phong lên đường tòng quân đánh giặc. Sau 5 năm tham gia quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường C, ông thành một thương binh, phục viên trở về, làm rất nhiều công việc khác nhau, giữ các chức vụ lãnh đạo của huyện Hàm Yên và tỉnh Hà Giang. Khi nghỉ hưu ông một lần nữa chọn quê hương Hồng Thái để về, mặc dù các con cháu của ông đều công tác và sinh sống ở Hà Giang. Ông tâm sự: "Mấy chục năm xa quê hương, nay mới được trở về".
Khi tôi hỏi lý do cái tên sân khấu gắn với hai chữ Hồng Thái, ông Bắc lặng đi một lát như hồi tưởng lại điều gì, rồi giải thích:
- Sân khấu này thuộc địa phận thôn Khánh An, là trung tâm của Hợp tác xã Hồng Thái trước đây, gồm có 5 đội sản xuất, đặt theo thứ tự từ 1 đến 5, giờ gọi theo tên thôn tương ứng là Soi Long, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Ba Luồng. Bây giờ Hợp tác xã Hồng Thái không còn nữa, đồng nghĩa với cái tên Hồng Thái cũng dần bị quên lãng. Vì muốn giữ lại cái tên Hồng Thái nên tôi đặt như vậy. Tôi dám chắc một điều, tất cả xã viên Hợp tác xã Hồng Thái trước đây không ai muốn mất đi cái tên này, bởi đó là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Tôi hỏi ông Bắc:
- Vì sao ông nghĩ ra ý tưởng làm cái sân khấu này?
Ông Bắc tâm tình:
- Đã từ lâu tôi muốn làm một cái gì đó để trả nghĩa cho quê hương, dù nhỏ thôi cũng được. Và trong một lần đi xem giao lưu dân vũ ở nhà văn hóa thôn, thấy không gian chật chội tôi đã nghĩ đến việc phải tạo ra một nơi rộng rãi và khoáng đạt hơn cho các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Sau đó tôi mời các bí thư chi bộ 5 thôn thuộc Hồng Thái cũ đến họp bàn, xin ý kiến thì các đồng chí ấy hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh ý tưởng này… Đến giờ đã cơ bản hoàn thành, cả sân khấu nổi lẫn khu thể thao ngoài trời. Hai khu này liền kề với nhau, vừa để thuận tiện cho sinh hoạt, vừa dễ trông coi. Chỉ tiếc là khu thể thao ngoài trời không gian có hạn nên không đặt được nhiều dụng cụ tập luyện. Hiện tại mới có xà đơn, xích đu, bàn xoay, máy đạp chân… cùng một số ghế đá để ngồi xem sân khấu lúc biểu diễn.
- Vì sao có tên "cầu Hạnh Phúc" ạ?
Nghe tôi hỏi, ông Bắc cười rất tươi:
- Cái tên ấy do chính cánh thợ làm cầu đặt cho đấy.
- Ông làm cái sân khấu và khu thể thao này hết nhiều tiền không ạ? Tôi hỏi tiếp.
Ông Bắc nhìn tôi, khẽ cười:
- Chưa cộng sổ, nhưng chắc tầm vài trăm triệu.
- Số tiền ấy khá lớn, ông có phải kêu gọi mạnh thường quân không ạ?
- Không. Chủ yếu là tiền ông bà dành dụm được và các con, các cháu trong nhà góp thêm để mua đèn LED trang trí và dụng cụ thể thao.
Nhìn ông già 75 tuổi cặm cụi quanh khu hồ cá để dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra mọi thứ trước và sau mỗi dịp biểu diễn ở sân khấu nổi, ở khu thể thao ngoài trời, tôi thấy vừa thương, vừa nể phục và kính trọng ông - một cán bộ lão thành cách mạng luôn nghĩ về dân, lo cho dân không chỉ bằng lời nói. Việc làm ấy của ông vì cộng đồng thật đẹp và rất đáng trân trọng!
Bình luận (0)