Trong quá trình tìm tư liệu cho loạt bài Giải cứu động vật quý đăng trên Thanh Niên từ ngày 9 - 12.5, tôi đã nhiều lần tới khu cứu hộ động vật thuộc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (gọi tắt là trung tâm). Khu cứu hộ rộng lớn này nằm lẻ loi ở bìa rừng thuộc xã Sơn Trạch (H.Bố Trạch), cách xa phố xá nhộn nhịp… Cậu em cộng tác viên đi cùng buột miệng cảm thán: “Sống ở đây e buồn lắm anh nhỉ?”. Hẳn rồi, nhưng những nhân viên cứu hộ đâu chỉ ở đây để… sống. Họ còn phải làm việc, một công việc rất đặc thù.
Khi trò chuyện với hết thảy nhân viên, họ thường tránh trả lời câu hỏi trực tiếp về chuyện lương bổng, thay vào đó là những nụ cười tươi. Ông Lê Thúc Định, Giám đốc trung tâm, không ngần ngại bảo làm cứu hộ động vật mà nghĩ đến tiền bạc, đến nhà xe thì... bỏ nghề sớm. “Nhiều người đến với nghề có thể do cơ duyên vô tình nào đó, nhưng ở lại với nghề thì chắc chắn là vì tình yêu động vật”, ông Định quả quyết.
Nghề cứu hộ động vật cần tình yêu lớn với thú rừng |
Nguyễn Phúc |
Câu nói của ông Định không hề quá, bởi chỉ có thể bắt đầu từ tình yêu thì người ta có thể chấp nhận gắn đời mình với việc suốt ngày trò chuyện, cho ăn, dọn phân… cho muông thú. Cũng chỉ có tình yêu mới cho họ nghị lực vượt qua những ca trực đêm nơi thâm sơn cùng cốc. Yêu thú, có người thậm chí còn “quên” cả việc lập gia đình.
Ai cũng hiểu chăm thú không như chăm người, lấy đâu ra quà cáp hay đơn giản chỉ là một lời cảm ơn. Họ xem đó như là phận sự và mượn mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại để ví von cho sự cống hiến bé nhỏ của nghề cứu hộ động vật: “Người vá trời lấp bể/ Kẻ đắp lũy xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh”.
Với tôi, nếu thực sự họ là “những chiếc lá”, thì rất nhiều người trong chúng ta nợ họ những lời cảm ơn. Bởi không ai ngoài những nhân viên cứu hộ này đang gieo mầm thiện cho hành trình “trả nợ”, sau những gì mà loài người đã vô tình hay cố ý gây ra đối với những sinh linh của rừng.
Bình luận (0)