Chim hồng hoàng, chim công được giới chuyên gia xếp vào nhóm những loài chim lớn đẹp nhất thế giới. Vì thế, sự xuất hiện của những cá thể này ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có ý nghĩa lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học thế giới loài chim...
Loài chim có mỏ đắt hơn cả… ngà voi
Rừng Phong Nha - Kẻ Bàng được cho là địa bàn phân bố của loài chim hồng hoàng từ mấy trăm năm trước. Nhưng gần đây, nhà chức trách cũng như người dân địa phương ít khi ghi nhận sự có mặt của loài chim lớn này trong rừng di sản. Hoặc nếu có thì cũng phải đi sâu vào trong rừng. Chính vì thế, 3 cá thể chim hồng hoàng (2 đực, 1 cái) được cứu hộ ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (gọi tắt là trung tâm) là câu chuyện đáng mừng đối với giới nghiên cứu, những người yêu động vật.
“Có 3 cá thể hồng hoàng được người dân ở khu vực Sóc Sơn (Hà Nội) giao nộp trước khi được đưa về với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó trưởng bộ phận cứu hộ sinh vật của trung tâm, nói.
Chim hồng hoàng được nuôi nhốt trong lồng lớn để có thể bay nhảy |
BÁ CƯỜNG |
Theo ông Hùng, chim hồng hoàng có bộ lông sặc sỡ, mỏ to và đẹp, còn gọi là phượng hoàng đất. Đây là loài chim nằm trong sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế về các loài nguy cấp. Ở Việt Nam, chưa có cuộc khảo sát nào cho việc có bao nhiêu cá thể hồng hoàng còn tồn tại ngoài tự nhiên cũng như nuôi nhốt… Ông Hùng cho biết đã đọc được nhiều tài liệu, trong đó ghi chép loài chim này thường bị săn bắn giết hại ở nhiều quốc gia để thực hiện các nghi lễ tôn giáo hoặc lấy mỏ.
“Chiếc mỏ đặc biệt của chúng được cho là có giá trên thị trường chợ đen khoảng 6.000 USD, đắt gấp nhiều lần ngà voi. Những thế kỷ trước, mỏ chim hồng hoàng được ghi nhận được sử dụng làm đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo ở Trung Quốc, Nhật Bản và làm những đồ dùng cho giới quý tộc Âu châu”, ông Hùng thông tin.
Chim hồng hoàng ăn hoa quả, có lúc ăn cả côn trùng nhỏ, trọng lượng khoảng 2 đến 4 kg mỗi con. Theo khẩu phần quy định tại trung tâm, mỗi cá thể chim hồng hoàng được ăn thanh long, đu đủ, chuối… với chi phí khoảng 12.000 đồng/ngày. Bà Trần Thị Thùy Vương, cán bộ thú y của trung tâm, vẫn thường bị chim hồng hoàng mổ lên đầu mỗi lần vào lồng cho chim ăn. “Tất nhiên, chỉ với người quen chúng mới làm thế. Đôi khi nghĩ về chuyện cứ để cho cái mỏ của con chim có trị giá đắt hơn ngà voi mổ một phát, cũng… sướng”, bà Vương nói vui.
Nhóm 3 cá thể chim hồng hoàng hiếm hoi ở trung tâm hiện có 2 con được nhốt 1 chuồng, còn 1 con chấp nhận cảnh… lẻ loi. Theo các cán bộ cứu hộ động vật của trung tâm, phần nhiều lý do là vì tập tính “chung tình” của chúng. Bởi dù sống thành đàn từ 20 - 40 cá thể nhưng loài chim này chỉ ghép đôi từng cặp riêng, chúng ít khi “ngoại tình” dù tuổi thọ từng được ghi nhận trong môi trường nuôi nhốt lên tới 50 năm.
Hồng hoàng, loài chim quý hiếm với bộ lông nhiều màu và chiếc mỏ đắt giá |
BÁ CƯỜNG |
Định hướng cho “tương lai” của 3 chú chim đặc biệt này, ông Hùng cho biết hồng hoàng cũng có tập tính như đa số các loài chim, nuôi thì sẽ “mến”. Vì thế, khi thả chim hồng hoàng đã nuôi nhốt lâu ngày ra với tự nhiên thì có nhiều nguy cơ. Hoặc chúng sẽ chết vì khó kiếm được thức ăn, hoặc bị con người bắt lại. Vì thế, trung tâm tính toán sẽ giữ 3 chú chim hồng hoàng này lâu dài, phục vụ du khách tham quan và góp thêm góc nhìn về đa dạng sinh học.
Đỏm dáng khổng tước
Chim công, hay còn gọi là khổng tước, vốn nổi tiếng với tiếng kêu ồn ào và bộ lông sặc sỡ, cũng đang góp mặt ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với 2 cá thể. Tuy nhiên, khác với nhiều đồng loại họ chim, lớp thú, 2 cá thể này thay vì được nuôi nhốt ở khu vực cứu hộ động vật mà được “biên chế” ở khu vườn thực vật của trung tâm.
Một trong hai chú chim công ở trung tâm |
Để có cơ hội gặp gỡ loài chim được đặt tên cho một chòm sao trên bầu trời (chòm sao Khổng tước), chúng tôi phải len lỏi giữa khu vườn thực vật xanh mướt và ẩm ướt của trung tâm, vốn phục vụ mục đích tham quan du lịch. Có vẻ thời điểm này không phải là lúc để biểu diễn hoặc chưa có hứng tình, nên dù có thử nhiều cách thì công cũng không xòe bộ lông đuôi dài và sặc sỡ.
Theo cán bộ của trung tâm, dù dáng hình rất chải chuốt nhưng việc ăn uống của chim công khá là… dễ dãi. “Công là kiểu động vật ăn tạp. Chúng có thể nhét mọi thứ vào miệng, từ thóc gạo, các loại hạt, côn trùng cho đến những loài bò sát nhỏ”, một cán bộ của trung tâm phụ trách việc ăn uống của 2 chú công giải thích về sự “nhàn hạ” mỗi khi cho công ăn.
Cũng như 3 cá thể chim hồng hoàng, 2 chú công này được “quy hoạch” để làm các “diễn viên” phục vụ du khách tham quan, giáo dục đa dạng sinh học. “Ở ngoài tự nhiên, không phải ai cũng được nhìn thấy trực tiếp chim công hay chim hồng hoàng. Đây cũng là 2 loài chim đẹp, có thể làm thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm của bất kỳ du khách khó tính nào. Từ đó, họ có thể tự cảm nhận về sự diệu kỳ của mẹ thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ môi sinh, bảo tồn sinh vật quý”, ông Hùng phân tích.
(còn tiếp)
“Cứu hộ” thực vật
Ngoài công tác cứu hộ động vật, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng tham gia cứu hộ nhiều loài thực vật quý hiếm, trong đó phổ biến nhất là các loại lan. Với công tác nghiên cứu bảo tồn, trung tâm đã có những thành công trong việc nhân giống bằng phương pháp giâm hom cây bách xanh núi đá (loài cây chiếm diện tích khoảng 3.500 ha của Vườn quốc gia). Năm 2021 này, trung tâm cũng đang thử nghiệm 300 mẫu chiết cành, giâm hom với loài cây thích lá quế (có hình dạng khá giống với cây phong lá đỏ, tạo cảnh quan như đi giữa châu Âu).
Bình luận (0)