Cứu hộ động vật quý: 'Chúa sơn lâm' lại gầm vang

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
09/05/2022 08:08 GMT+7

Một thời gian dài người ta không còn nhìn thấy bóng dáng của loài hổ ở Phong Nha - Kẻ Bàng . Mãi đến những ngày gần đây, đã nghe thấy tiếng gầm của 'chúa sơn lâm'.

Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là vườn quốc gia lớn và duy nhất tại Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới, diện tích hơn 200.000 ha. Nơi đây, ngoài nổi tiếng với những hang động kỳ vĩ tầm cỡ thế giới còn là nơi trú ngụ của nhiều loài thú quý hiếm. Công cuộc giải cứu, bảo tồn và phát triển những giống loài này đã được thực hiện nhiều năm qua.

Một thời gian dài người ta không còn nhìn thấy bóng dáng của loài hổ ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Mãi đến những ngày gần đây, đã nghe thấy tiếng gầm của “chúa sơn lâm”.

Bảy cá thể hổ gồm 2 con đực, 5 con cái đang được chăm sóc tại khu cứu hộ động vật thuộc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng). Để mang được đàn hổ 7 con về với rừng di sản, ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, cho hay đấy là cả một hành trình gian nan.

Chuyến xe “bão táp”

Khoảng tháng 7.2021, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển động vật trái phép, đưa từ nước ngoài vào nội địa. “Nạn nhân” là 7 chú hổ con, mỗi con nặng trên dưới 65 kg. Những chú hổ này sau đó được đưa về nuôi tạm thời tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Tuy nhiên, do phía Vườn quốc gia Pù Mát chưa có trung tâm cứu hộ động vật nên gửi văn bản đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ngỏ ý “trao gửi” đàn hổ.

Một số chú hổ đã rất thân thiện sau 22 ngày được đưa về Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

“Chúng tôi trăn trở nhiều lắm. Vì không nhiều nơi dám nhận nuôi hổ. Chúng tôi đã phải xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành… mới dám đi đến quyết định. Chúng tôi đã thuyết phục được cấp trên cũng vì lý lẽ rằng đây là cơ hội để Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giữ lại loài động vật quý hiếm từng phân bố ở đây”, ông Định nói.

Với việc nhận nuôi hổ, trung tâm cứu hộ của ông Định sẵn sàng đối mặt với rất nhiều câu chuyện phức tạp đằng sau. Chuyện lo ăn uống, chuồng trại nuôi nhốt ngốn chi phí rất lớn. Cũng phải lo nuôi lâu dài, bởi thả hổ nuôi về tự nhiên tiềm ẩn rất nhiều mối họa cho chính con hổ (khi khả năng săn mồi hạn chế) và cho con người nếu bị hổ tấn công. Cả những chuyện “tế nhị”: không cho hổ giao phối, chúng sẽ giận dữ; nếu cho giao phối sẽ cận huyết, con chết yểu…

Quả nhiên, khó khăn đã đến ngay lập tức, ngay cả khi hổ chưa được đưa về đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ông Định kể lại, ban đầu mọi thứ tưởng như khá thuận lợi khi thay vì phải bắn súng gây mê, cả 7 con hổ đều sập lồng bẫy vào chiều 21.3 ở Vườn quốc gia Pù Mát. Nhưng đến giai đoạn vận chuyển ra xe thì… sinh chuyện. “Những chú hổ bị nhốt trong lồng bị stress trở nên giận dữ, chúng gầm gừ và điên cuồng húc vào lồng sắt. Phải nhờ đến các chuyên gia nước ngoài đến từ Vườn quốc gia Cúc Phương, Tổ chức Cứu hộ động vật châu Á… vào hỗ trợ mới đưa được cả 7 chú hổ lên xe”, ông Định kể.

Sau khi di chuyển 400 km suốt 7 giờ đồng hồ trong điều kiện nắng nóng từ Vườn quốc gia Pù Mát, 7 chú hổ vào đến Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong sự chào đón của nhiều người. Nhưng chính sự “ồn ào” này lại làm những “nhân vật chính” khó chịu. Mãi đến 21 giờ ngày 22.3, nhóm 2 chuyên gia và 6 nhân viên cứu hộ cho đàn hổ an vị ở 7 lồng nhốt khác nhau ở khu cách ly. “Lúc chúng chịu uống miếng nước, ăn miếng thịt thì mấy anh em chúng tôi mới thở phào”, ông Định nhớ lại.

Vất vả “xoay” bữa ăn cho hổ

Những chú hổ ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Theo khẩu phần được quy định, mỗi chú hổ sẽ được ăn 4 kg thịt các loại cho 2 bữa ăn, nếu buổi sáng ăn 2 kg thịt bò thì buổi chiều ăn thêm 2 kg thịt gà hoặc thỏ. “Tính sơ bộ mỗi chú ăn mỗi ngày hết 500.000 đồng, 7 chú thì mất 3,5 triệu đồng/ngày. Tính ra chúng ăn sướng hơn cả người”, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó trưởng bộ phận cứu hộ sinh vật, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), nói vui.

Với lượng thức ăn lớn như vậy nên mỗi lần cho hổ ăn, trừ trường hợp có thịt tươi sẵn, các nhân viên cũng phải chuẩn bị từ mấy tiếng đồng hồ trước để rã đông. Theo ông Hùng, việc cho hổ ăn không đơn giản là… cho ăn, mà các nhân viên đơn vị còn phải quan sát, đong đếm thừa, thiếu sau mỗi bữa để có những điều chỉnh thích hợp. “Nếu chúng không dùng hết thức ăn thì sẽ phải bỏ đi, chứ không cho ăn lại vì sợ ôi thiu, gây bệnh”, ông Hùng cho biết.

Dù tốn kém, nhưng ngân sách Nhà nước không được cấp cho “khoản” tiêu tốn này. Vì thế, ban quản lý của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phải xây dựng phương án tài chính cụ thể. Tiền nuôi “7 miệng ăn” này sẽ lấy từ kinh phí của vườn quốc gia, của trung tâm cứu hộ và xã hội hóa từ một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Hiện mới chỉ đảm bảo được 2 năm tới, sau đó lại tính tiếp.

Lo cho hổ ăn uống là công việc vất vả và tốn kém

BÁ CƯỜNG

Chờ ngày hổ… tự nuôi mình

Đã hơn 22 ngày kể từ khi đàn hổ yên vị trong khu cứu hộ động vật của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, với sự theo dõi chặt chẽ của 1 chuyên gia đến từ Tổ chức Cứu hộ động vật châu Á và 3 nhân viên cứu hộ địa phương.

Hôm PV Thanh Niên tìm đến, 2 chú hổ ở lồng số 7 và số 3 vẫn còn bị stress, gầm gừ. “Việc cho ăn và chăm sóc hộ chỉ do nhóm 4 người này thực hiện, vì hổ đã quen mùi, quen cử chỉ… Chứ người lạ vào, chúng sẽ lồng lộn lên ngay”, anh Võ Bá Hoàng Quý, bác sĩ thú y của trung tâm, giải thích.

Dù biết sẽ còn mất nhiều thời gian, nhưng khát vọng của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong cuộc cứu hộ, chăm sóc 7 chú hổ không chỉ để bảo tồn đa dạng sinh học mà còn kết hợp du lịch, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên của con người. “Hiện nay, hổ đang được nuôi trong lồng nhốt ở khu cách ly kiểm dịch và chúng tôi đang thiết kế một khu rộng lớn hơn, mô phỏng tự nhiên, để hổ có thể đi lại thoải mái và du khách có thể tham quan được. Nguồn thu từ tiền bán vé sẽ “nuôi” lại 7 con hổ. Nghĩa là chúng tự nuôi lấy mình mà chẳng phiền lụy đến ai”, ông Định tiết lộ.

Phía trước là cả một “lộ trình” vạch sẵn trong đầu của những người ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ông Định đang nghĩ đến cột mốc năm 2023: Khi ấy, tiếng gầm của hổ sẽ vang lên đầy quyền uy, khỏe khoắn giữa rừng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.