Cứu hộ động vật quý: Thầm lặng một tình yêu

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
12/05/2022 07:07 GMT+7

Với tình yêu thầm lặng và không đòi hỏi, họ đã cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn hàng ngàn cá thể động thực vật quý hiếm…

“Chăm thú không như chăm người, nên đừng mơ có lời cảm ơn!”, đó là tâm sự rất thật của cán bộ, chuyên gia ở Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với tình yêu thầm lặng và không đòi hỏi này, họ đã chăm sóc, bảo tồn hàng ngàn cá thể động thực vật quý hiếm…

Công việc cứu hộ động vật hết sức đặc thù, đòi hỏi tình yêu nghề lớn lao

BÁ CƯỜNG

Thú vị người yêu thương thú

Toàn bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (gọi tắt trung tâm) có 28 nhân sự, hầu hết đã hoàn thành trình độ đại học, biên chế ở 4 bộ phận: cứu hộ động vật, nghiên cứu bảo tồn, giáo dục môi trường, hành chính. Họ làm việc ở 4 địa điểm, gồm trụ sở chính, vườn thực vật, khu cứu hộ 8 ha, khu nuôi thả núi Đôi (huấn luyện động vật trước khi thả về tự nhiên) rộng 20 ha. Riêng bộ phận cứu hộ động vật chỉ có 8 người và 1 chuyên gia, nhưng cáng đáng công việc chăm sóc cùng lúc cho hàng chục cá thể thú quý như hổ, các loại khỉ (đuôi lợn, mốc, vàng, mặt đỏ), nhím, cu li, rùa, cầy, chim hồng hoàng, mèo rừng…

Anh Hoàng Mạnh Hùng (36 tuổi, Phó trưởng bộ phận cứu hộ sinh vật của trung tâm) ra trường từ năm 2011, từng làm hợp đồng thời vụ ở một đơn vị chuyên về lâm nghiệp. Nhưng khi biết tin trung tâm tuyển dụng, anh liền nộp hồ sơ. “Nói thật thì ban đầu cũng chỉ bắt nguồn từ việc muốn vào viên chức nhà nước, nhưng qua 11 năm công tác ổn định, giờ tôi đã gắn bó với rừng với thú…”, anh Hùng trải lòng.

Bác sĩ Quý chăm sóc cho đàn hổ vừa được đưa về trung tâm cứu hộ

NGUYỄN PHÚC

Chị Trần Thị Thùy Vương (37 tuổi, cán bộ thú y của trung tâm) cũng xin vào trung tâm từ năm 2008 với ước mơ ban đầu là… được vào biên chế nhà nước. “Lúc đầu tôi đâu có kinh nghiệm chăm thú quý, nhưng cũng như con đường, người ta đi nhiều mà thành đường thôi. Bây giờ ngày nào không làm thì chân tay khó chịu, không gặp bọn thú là nhớ”, chị Vương nói. Sau 11 năm cống hiến cho trung tâm, chị đã “rút ngắn” chiều dài về quê từ 80 km ở H.Quảng Ninh (Quảng Bình) còn chục ki lô mét ở xã Hưng Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình), sau khi lấy chồng là một giáo viên rồi sinh sống hẳn ở đây.

Ở trung tâm khoảng 20 ngày nay còn có Phùng Thu Cúc (29 tuổi, chuyên gia của Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á). Ban đầu, chị Cúc vào chủ yếu để hỗ trợ cứu hộ 7 cá thể hổ vừa được đưa về trung tâm hôm 22.3. Tuy nhiên, cảm thấy trung tâm nhân lực còn khá ít, cô gái gốc Hà Nội này cũng tham gia chăm sóc, lo chuồng trại của nhiều loại thú khác. Tâm sự với PV Thanh Niên, chị Cúc cho biết từ khi làm việc cho Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á, ngoài Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chị đã “lang thang” ở nhiều nơi như Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) với công việc chính là chăm thú. Khi biết chị Cúc vẫn chưa có gia đình dù khá xinh xắn và hoạt ngôn, tôi mạnh dạn hỏi: “Có phải vì yêu thú quý mà chị… quên lấy chồng hay không?”. Nữ chuyên gia chỉ cười bẽn lẽn.

Riêng cậu em út của bộ phận cứu hộ sinh vật của trung tâm là Võ Bá Hoàng Quý (22 tuổi) không tỏ ra quá lo lắng về công việc cũng như chuyện “gia đình”. Quý vừa tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm Huế, mới qua 1 năm thử việc ở đây. Quý bảo mình là bác sĩ thú y nên không có gì tuyệt vời hơn khi được trải nghiệm cứu hộ, chăm sóc các loài thú quý hiếm ở nơi này, giữa rừng di sản thiên nhiên thế giới.

Chị Phùng Thu Cúc (29 tuổi, chuyên gia của Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á) sửa sang chuồng trại

BÁ CƯỜNG

Chuyên gia, lãnh đạo cũng phải làm việc tay chân

Ông Lê Thúc Định, Giám đốc trung tâm, tỏ ra cảm thông với những cán bộ, nhân viên đang theo đuổi công việc rất đặc thù như cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật. Ông bảo đó là sự nghiệp mà không mấy người dám dấn thân. “Ví như ở trung tâm này, khối lượng công việc rất nhiều, nhưng nhân lực ít, chế độ lương cũng không đáng là bao”, ông Định chia sẻ.

Làm việc khá biệt lập ở giữa rừng, lương thấp, nhưng việc ăn uống phải tự túc. Dễ hiểu khi hôm PV Thanh Niên tìm đến, sau khi trả lời phỏng vấn, chị Vương đã vội cầm rổ đi quanh hái lá tàu bay để kịp nấu canh lo cơm nước cho 9 nhân viên trong trung tâm. Nhưng đó là ban ngày, khi đêm xuống, ở nơi hoang vu hẻo lánh này, dù luôn có 2 người thường trực (1 bảo vệ, 1 cán bộ chuyên môn) nếu nói “không buồn” e là nói dối. “Thế nhưng từ trước đến nay, hầu như không có anh em cán bộ nào của đơn vị bỏ ngang việc vì chuyện vất vả. Có chăng là chuyển công tác đi những phòng, ban khác của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, ông Định nói.

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thành lập từ năm 2004, tiền thân là Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ (đến năm 2013 mới có tên đầy đủ như bây giờ). Nhiệm vụ của trung tâm là tham mưu cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về công tác cứu hộ động thực vật, nguồn gien, bảo tồn; giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân; du lịch sinh thái, chủ yếu khách nước ngoài (2 năm 2018 - 2019 đón 30.000 lượt/năm). Dù chưa phải là trung tâm cứu hộ động vật lớn nhưng đơn vị cũng đã có đóng góp nhất định trong nhiều năm qua khi đã cứu hộ, chăm sóc, thả về tự nhiên hơn 1.000 cá thể động vật các loại.

Đã là nhân viên cứu hộ thú quý hiếm, họ xác định phải làm việc chân tay, ngoài thực địa. “Có là lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ thú y… gì đi nữa thì cũng phải chuẩn bị thức ăn, cho thú ăn, dọn dẹp vệ sinh chuồng cho các loại thú”, anh Hoàng Mạnh Hùng quả quyết. Theo vị Phó trưởng bộ phận cứu hộ sinh vật của trung tâm, để làm được điều đó, ngoài tâm huyết ra thì phải có tình yêu thực sự với loài thú. Nếu không yêu, sao họ có thể suốt ngày đi dọn phân cho thú? Chuyện cho chúng ăn cũng vậy. Ngày nắng cũng như ngày mưa, phải đúng giờ đó, đúng khối lượng đồ ăn đó. “Cán bộ có thể nhịn hoặc quá bữa, nhưng bọn thú thì không”, chị Vương ngắn gọn.

Một nữ nhân viên dọn dẹp vệ sinh chuồng trại

BÁ CƯỜNG

Anh Hùng ví von, chăm sóc cứu hộ thú quý là phần việc thầm lặng, một phía, đến một tiếng “cảm ơn” thôi cũng không có, vì động vật đâu biết… nói. Nhưng đó là một việc mà con người nên làm, để có thể “trả nợ” cho những sai trái của đồng loại đã vô tình hay cố ý gây ra đối với những con thú tội nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.