Trước hết là dân khổ. Có nghe những người dân có nhà đất rơi vào quy hoạch treo thì mới thấu hiểu cảnh khổ của họ. Những nhu cầu chính đáng nhất gắn liền với nhà đất của gia đình bỗng dưng bị “treo” lại vô thời hạn trong khi đời người hữu hạn “như gió qua”.
Muốn sửa căn nhà chật chội để sống cho đàng hoàng cũng không dễ. Muốn bán để rời đi cũng không xong vì chẳng ai dại mua nhà đất rơi vào quy hoạch. Cần tiền vốn làm ăn muốn thế chấp nhà đất của mình cho ngân hàng để vay cũng chẳng đặng.
Mong chờ quy hoạch nhanh thực hiện để mọi chuyện dứt khoát rõ ràng thì cũng chỉ biết than với trời, vì có hỏi cơ quan chức năng nào thì câu trả lời cũng chỉ có một mà thôi. Là chờ, còn chờ cho đến khi nào thì chẳng rõ.
Nhìn từ một góc độ khác, đất đai là tài nguyên, là nguồn lực quốc gia cần được quy hoạch để sử dụng đúng với mục tiêu phát triển, đặc biệt là phát triển hài hòa và bền vững. Hài hòa nghĩa là phải tôn trọng quyền lợi và cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, chứ không thể chỉ nghĩ tới lợi ích của doanh nghiệp đầu tư mà vô tâm gạt bỏ phần của người dân. Có khi nào, công cụ quy hoạch bị biến tướng thành công cụ hợp pháp hóa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai, không dựa trên các cơ sở nghiên cứu đánh giá chính xác và khoa học?
Cứ phải nói thẳng, rằng thực trạng quy hoạch treo là bằng chứng rõ ràng của quy hoạch phóng tay, không có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Còn phải thẳng thắn hơn nữa, rằng các nhà quy hoạch không ngại “quy hoạch phóng tay” vì cuối cùng họ chẳng chịu trách nhiệm gì, kể cả trách nhiệm giải trình. Vì hiện chưa có bất cứ một khuôn khổ pháp lý nào điều chỉnh trách nhiệm của cơ quan lập và phê duyệt quy hoạch. Câu trả lời “không có ngân sách để thực hiện quy hoạch” là thứ lý do miễn trừ trách nhiệm còn hơn cả “kim bài miễn tử”.
Thế là cứ mạnh dạn quy hoạch phóng tay. Thế là quy hoạch cứ thế mà thành quy hoạch treo. Và không ít phận người phải đi qua những năm tháng quy hoạch treo trong lầm lũi và khổ cực.
Vậy thì đến lúc chưa, để nói về việc bổ sung các điều khoản rõ ràng hơn, cụ thể hơn cho Chương 4 “Điều chỉnh quy hoạch đô thị” và Chương 5 “Tổ chức thực hiện và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch” trong luật Quy hoạch đô thị. Theo đó, địa phương nào để xảy ra tình trạng quy hoạch treo hàng chục năm trời gây thiệt hại cho quyền lợi của người dân và xã hội thì phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kể cả giải trình trước tòa nếu cần thiết. Không đặt cơ quan quy hoạch và người phê duyệt quy hoạch vào trách nhiệm giải trình phù hợp thì nghịch cảnh quy hoạch treo sẽ là thứ “nghịch cảnh phổ biến”.
Bình luận (0)