Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng smartphone nhiều nhất thế giới. Báo cáo của Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cho thấy trong năm 2018, hơn 98% thiếu niên nước này dùng smartphone và nhiều em có dấu hiệu bị nghiện. Khoảng 30% thiếu niên tuổi 10 - 19 bị đánh giá là “quá phụ thuộc” vào điện thoại, ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe tâm thần.
Biết nghiện nhưng không bỏ được
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện smartphone trong ngắn hạn ảnh hưởng đến kết quả học tập. Về lâu dài nó dẫn đến nhiều hậu quả như triệu chứng “vật vã” giống thiếu ma túy, bao gồm “cảm giác giận dữ, căng thẳng và trầm cảm”; sống cô lập; không thể tự kiểm soát bản thân và nguy hiểm nhất là mang ý nghĩ tự sát.
|
Ở Hàn Quốc, áp lực trong việc học hành khiến thanh thiếu niên luôn căng thẳng. Nữ sinh Lee Woo-rin (16 tuổi) cho hay cô chỉ biết ôm lấy smartphone để xả stress. “Đó là vòng luẩn quẩn. Tôi chỉ tạm thời quên đi căng thẳng khi dùng điện thoại, nhưng ngay khi ngừng lại, tôi cảm thấy buồn bực”, Lee chia sẻ. Bác sĩ Lee Jae-won, chuyên gia về tâm thần học, gọi “vòng luẩn quẩn” đó là dấu hiệu của cơn nghiện. “Khi bị căng thẳng, não sản sinh ra dopamine, thúc đẩy con người phải tìm kiếm những hình thức thỏa mãn khác. Tuy nhiên, thanh thiếu niên không có nhiều lựa chọn nên dùng smartphone”, bác sĩ Lee lưu ý.
Nỗ lực cai nghiện
Năm 2015, Bộ Bình đẳng giới tính và gia đình Hàn Quốc tiếp tục mở rộng chương trình trại cai nghiện internet có từ hồi 2007 nhưng tập trung hơn vào smartphone. Hiện có 16 trại khắp Hàn Quốc với khoảng 400 học viên là học sinh cấp trung học, theo Yonhap. Đối với các bậc phụ huynh, đây là giải pháp và niềm hy vọng cuối cùng. Trại cai nghiện hoàn toàn miễn phí, phụ huynh chỉ đóng 100.000 won tiền thức ăn và chương trình kéo dài 2 - 4 tuần. Tại trại, học viên sẽ tham gia nhiều hoạt động khác nhau từ giao lưu, vẽ, thủ công cho đến các môn thể thao. Mỗi ngày, học viên còn được tham gia các lớp tư vấn về hành vi dùng điện thoại và ngồi thiền 30 phút trước khi đi ngủ.
Giám đốc trại cai nghiện smartphone nằm trong Trung tâm thanh thiếu niên quốc gia ở TP.Cheonan, bà Yoo Soon-duk cho biết đa số học viên ban đầu tỏ vẻ khó chịu. “Thậm chí một số em mới vào muốn tự sát, nhưng chỉ vài ngày sau đó mọi người có thể chứng kiến các em thay đổi”, bà Yoo lưu ý.
Trong trường hợp của nữ sinh Yoo Chae-rin kể trên, cô bé đã tự quyết định tham gia trại cai nghiện ở Cheonan hồi tháng 7. Ngay khi bước vào, các học viên phải giao nộp smartphone để bắt đầu tiến trình “giải độc” kỹ thuật số. Kết quả là, Yoo hiện chỉ còn dùng smartphone 2 - 3 giờ/ngày. Tuy nhiên chương trình không hẳn hiệu quả với tất cả học viên. Một số người sau đó lại lập tức lao vào dùng điện thoại và không kiểm soát được, đành tìm đến bác sĩ.
Bình luận (0)