Bệnh nhân chuyển tuyến do thiếu bác sĩ
Thời gian qua, ngành y tế Hà Tĩnh đã tập trung các nguồn lực, đặc biệt tranh thủ một số cơ chế, chính sách của T.Ư, của tỉnh để thu hút bác sĩ, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ thống y tế cơ sở đáp ứng sự hài lòng, tin cậy của người dân.
Tuy vậy, công tác khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn do còn hàng chục trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chưa có bác sĩ.
Như tại Trạm y tế xã Đức Lĩnh (H.Vũ Quang, Hà Tĩnh), sau khi bác sĩ của trạm nghỉ hưu vào đầu năm 2023, hơn 1 năm nay trạm không có bác sĩ thay thế. Mặc dù Trung tâm Y tế H.Vũ Quang đã cắt cử bác sĩ về hỗ trợ, song ngay trung tâm này cũng đang thiếu 4 bác sĩ nên việc điều động gặp nhiều khó khăn.
Y sĩ Hoàng Thị Thương, Quyền Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Lĩnh, cho biết do không có bác sĩ nên khi có người dân bị đau ốm đột xuất đến khám, nếu không nằm trong lĩnh vực chuyên môn có thể chữa trị được thì buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
"Trước đây, khi có bác sĩ tại trạm thì một số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh mà không phải chuyển tuyến", y sĩ Thương nói.
Tương tự, Trạm y tế xã Phú Phong (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) suốt 30 năm nay không được ưu tiên bố trí bác sĩ do nằm gần trung tâm huyện. Nguồn nhân lực đang được ưu tiên phân bổ cho các trạm ở vùng sâu, vùng xa. Toàn huyện hiện có 3 trạm y tế xã trong tình trạng thiếu bác sĩ.
Theo ông Nguyễn Trường Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Hương Khê, việc thiếu bác sĩ tại cơ sở không chỉ gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, mà còn khiến công tác phòng chống các dịch bệnh và quản lý nhà nước khó đạt hiệu quả cao.
"Còn nguyên nhân khiến việc khó thu hút bác sĩ về cơ sở thì ngoài mức thu nhập chưa cao, môi trường làm việc ở trạm y tế cấp xã khó để những bác sĩ được đào tạo bài bản có nhiều cơ hội trưởng thành về chuyên môn. Những năm gần đây, ngoài việc không thu hút được bác sĩ nào thì một số bác sĩ đang công tác tại trung tâm cũng xin nghỉ việc. Đa số những người này là bác sĩ giỏi, họ xin nghỉ việc để đi làm cho các phòng khám hoặc bệnh viện tư nhân với mức đãi ngộ cao hơn", ông Lâm than phiền.
Chính sách thu hút chưa đủ mạnh
Số liệu từ Sở Y tế Hà Tĩnh cho thấy, những năm qua, đơn vị này phối hợp với Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết, quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025 với các chính sách ưu đãi.
Trong đó, các bác sĩ đa khoa, bác sĩ y khoa được tuyển dụng về công tác tại trạm y tế tuyến xã sẽ được hỗ trợ từ 180 triệu đồng đến 330 triệu đồng tùy vào xếp loại kết quả tốt nghiệp và tùy thuộc vào trường đào tạo. Ngoài ra, bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn còn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng người/tháng. Chính sách là thế, nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 37 trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có bác sĩ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức, Giám Sở Y tế Hà Tĩnh, cho hay toàn tỉnh hiện có hơn 200 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó số cơ sở y tế có bác sĩ về công tác đạt khoảng 83%. Con số này, theo ông Đức, vẫn đạt cao hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.
"Mặc dù tỉnh đã có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở nhưng theo tôi đánh giá thì vẫn chưa đủ mạnh. Bởi hiện nay, các bác sĩ chính quy sau khi ra trường thường có tâm lý muốn về các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc các bệnh viện tư nhân để làm việc. Bởi lẽ, ngoài mức thu nhập cao hơn, họ còn có nhiều cơ hội để thăng tiến", ông Đức lý giải.
Trong khi đó, ông Đức phản ánh, công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến cơ sở y tế hiện còn gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế thì y sĩ muốn học lên bác sĩ phải thi đầu vào và học trong thời gian 6 năm. Do vậy, đa phần các y sĩ chưa đạt được trình độ bác sĩ đang công tác tại các trạm y tế xã ngại đi học vì thời gian quá dài. Nguyên nhân này khiến tình trạng khan hiếm bác sĩ càng thêm khó giải.
Bình luận (0)