Nhiều thế hệ học sinh của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu vẫn nhớ thầy Thắng, trong đó có nhiều học trò thành đạt…
Quãng đời thanh xuân của thầy Thắng đã phải trải qua không ít nỗi vất vả, gian truân. 27 năm ròng, thầy đã dạy qua nhiều trường thuộc tỉnh Lạng Sơn. Ở đâu thầy cũng để lại những ấn tượng khó phai, được bạn bè nể phục, học trò yêu thương. Liên tiếp trong các năm 1970 - 1980, thầy Thắng là Hiệu trưởng Trường PTCS Đồng Đăng; từ 1980 - 1986, thầy là Hiệu trưởng Trường Bình Trung (Lạng Sơn).
Khi được hỏi nguyên nhân nào khiến đôi mắt thầy bị hỏng, thầy Thắng bộc bạch: "Hồi dạy học trên Lạng Sơn, tôi đã quá ham đọc sách. Ngày ấy, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Làm gì có đủ ánh sáng để mà làm việc (do chiến tranh)…". Có lần, thầy Thắng phải đi bộ mấy chục cây số để mượn sách, rồi về đọc ngấu nghiến dưới ánh đèn tù mù. Sách vở đã cuốn hút thầy Thắng như thế và cũng bởi vậy mà thị lực của thầy càng ngày càng kém dần...
Thầy Thắng về dạy học ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) từ năm 1986 cho tới nay. Suốt mấy mươi năm qua, tình cảm thầy - trò nơi đây thật sâu đậm, gắn với biết bao kỷ niệm vui buồn. "Tôi những mong có thể truyền thụ kiến thức cho các em cùng cảnh ngộ", thầy Thắng tâm sự về lý do tình nguyện về dạy ở trường Nguyễn Đình Chiểu.
Thầy vẫn sống một mình và ở luôn trong trường. Dẫu hỏng đôi mắt, nhưng thầy vẫn tham gia hầu hết công việc của trường. Thầy không còn làm công tác lãnh đạo, quản lý, nhưng mỗi lần có công việc quan trọng của trường, thì không thể không có ý kiến tham gia đóng góp của thầy.
Vừa làm thầy, vừa như cha
Ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, suốt bao năm qua, thầy Thắng luôn gương mẫu, “rèn” mình về mọi mặt, để trường ngày càng có nhiều tấm gương dạy giỏi, mẫu mực. Không chỉ dạy các học sinh về chuyên môn, thầy Thắng còn như một người cha biến ngôi trường thực sự là mái ấm gia đình, là địa chỉ tin cậy khơi nguồn, nuôi dưỡng, thắp sáng hy vọng và ước mơ cửa các thế hệ học sinh - như lời nhận xét của ban lãnh đạo nhà trường: “Thầy Thắng là linh hồn của các em!".
|
Mắc phải một trong các dị tật ngũ quan đều khổ, nhưng nỗi khổ tâm hơn cả đó là bị khiếm thị (mù). Có gia đình có con chẳng may bị mù, đã quan niệm coi như “đồ bỏ đi” (?!); có trường hợp, các em bị ruồng rẫy, bạc đãi và “muốn tống đi cho xong”… Vậy còn ai đoái hoài đến những số phận rủi ro?
Chỉ có xã hội, mái trường và những giáo viên tâm huyết như thầy Phạm Đình Thắng - với tấm lòng rộng mở cùng cái tâm, cái thiện mà dang tay ôm ấp, nuôi dưỡng, dạy dỗ các em trở thành người sống có ý nghĩa với bản thân và có ích cho xã hội, “tàn mà không phế”.
Thầy Thắng bộc bạch: “Ở trường, hầu hết gia đình các em đều nghèo. Đến nỗi, ngay cả xe cộ đưa các em tới trường, tiền may sắm quần áo dù là tối thiểu, họ cũng không kiếm đâu ra. Có em đến trường phải mượn trọn gói (tiền đi đường phải vay; quần áo, giày dép, mũ phải mượn), chỉ mặc tạm đến khi tới trường, rồi nhờ thầy cô kiếm cho bộ khác; bộ cũ gửi về trả".
Cũng có bậc cha mẹ đang tâm bỏ mặc con - đã mù cả hai mắt vẫn phải tự mò tìm đến trường. Không ít cháu, vì quá mặc cảm với bản thân, gia đình nghèo, đã bỏ học, trốn về nhà. Người của trường lại phải cất công về tận nơi gia đình đón cháu lên…
Khó khăn, vất vả là vậy, song có thể nói phần lớn các em đều coi trường là nhà, thầy cô là những người cha, người mẹ. Có em khi sắp phải xa trường đã bỏ ăn, bỏ ngủ, khóc lóc xin các thầy cô “cho con ở lại trường, làm gì con cũng làm, đừng bắt con phải xa”…”.
Xuất phát từ những suy nghĩ, trăn trở đó mà tình cảm thầy Thắng dành cho các em học sinh thật cảm động và chân thành. Thầy luôn gần gũi, động viên các em trong học tập, vui chơi và sinh hoạt đời thường. Thầy tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo các em cặn kẽ từng ly từng tí. Nhiều khi thầy bỏ cả tiền túi ra lo việc cho các em. Có đêm, một mình thầy Thắng khiếm thị cõng học trò mù bị ốm, mò mẫm tới tận Bệnh viện Thanh Nhàn - cách xa hơn 2 cây số...
Là “linh hồn” của đội văn nghệ trường, thầy còn cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường dày công xóa mù chữ cho các em. Việc này, vô cùng gian nan. Bởi hằng ngày vừa phải giảng dạy, lại vừa phải tìm tòi, sáng tạo, cải biên các kiểu ký tự, ký hiệu để sao cho vừa dùng cho chữ, lại vừa dùng cho số, cũng như tạo ra các loại công cụ dễ dàng dạy và học… Tất cả, đều có đôi bàn tay khéo léo và bộ óc sáng của thầy Thắng đóng góp.
Suốt mấy chục năm qua, người thầy ấy vẫn bám trụ - đảm nhiệm công việc dạy dỗ các em thành người, nên nghiệp mai sau. Và cũng ngần ấy năm, thầy lắng nghe bao nỗi niềm, tâm sự buồn vui, đồng thời chỉ dẫn cho các lớp học trò.
Từ kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm chuyên môn đúc rút được sau nhiều năm giảng dạy và làm công tác quản lý, qua những lời tâm sự của học trò cùng cảnh ngộ…, thầy Thắng hiểu rằng những đứa trẻ khiếm thị còn mang nhiều mặc cảm: “Mù rồi, học để làm gì?”; “Mù thì làm sao có hạnh phúc?”; “Làm cách nào để kiếm sống?”... Đối với Thầy Thắng, những câu hỏi ấy luôn canh cánh trong lòng.
Giờ đây, với người thầy khiếm thị ở tuổi 84 có mái tóc bạc trắng cùng cặp kính và nụ cười đôn hậu, vẫn tỏa sáng một trái tim, khối óc và tấm lòng nhân ái luôn rộng mở, cảm thông, chở che, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.
|
Bình luận (0)