Xe

Trạm Cai Lậy giảm phí nhưng kéo dài thời gian thu gấp đôi?

18/08/2017 09:41 GMT+7

Những bất cập về vị trí trạm, mức thu, hình thức chỉ định thầu đến việc “tráng đường” thu tiền đã được báo chí đặt câu hỏi trong cuộc họp báo về Trạm thu phí Cai Lậy chiều qua (17.8) của Bộ GTVT.

Trả lời câu hỏi vị trí đặt trạm Cai Lậy có sai phạm không, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết trạm Cai Lậy căn cứ vào phương án tài chính nằm trên phạm vi dự án, quá trình lập vị trí trạm có ý kiến của các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến địa phương.
VIDEO: Trạm thu phí Cai Lậy xả cửa vì tài xế mua vé bằng tiền lẻ
Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận, trên thực tế, có những dự án BOT trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án đã triển khai, mục tiêu là để thu hút vốn vì ngân sách hạn chế, nhà đầu tư có lợi nhuận mới đầu tư, người cấp vốn thấy khả thi mới cấp vốn.
Đáng chú ý, về việc tại sao nhiều dự án chỉ “tráng đường”, thảm lại mặt đường vẫn được thu phí BOT, ông Đông lý giải: bảo trì đường bộ chỉ vá, láng, sửa chữa chứ không nâng cấp cải tạo được, phạm vi dự án BOT đều có cải tạo nâng cấp hiện đại hóa cái hiện có bên cạnh việc xây dựng tuyến mới.
Về việc tại sao ban đầu dự án Cai Lậy chỉ có hợp phần xây dựng mới tuyến tránh TX.Cai Lậy, nhưng sau đó lại bổ sung cả nâng cấp QL1, cuối cùng trạm thu phí đặt thu cả 2 tuyến, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng ban đầu dự án chỉ tính làm tuyến tránh, nhưng sau quá trình làm việc với tỉnh Tiền Giang, do QL1 hai đầu thị xã xuống cấp nên đưa thêm nâng cấp QL1 vào dự án. Lý giải cho việc dự án được chỉ định thầu, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư PPP (Bộ GTVT), cho rằng căn cứ vào tính cấp bách của dự án có thể chỉ định thầu. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang, nhu cầu thực tiễn giảm ùn tắc, Bộ đã báo cáo Chính phủ và được đồng ý chỉ định thầu.
Ông Đông khẳng định, do trạm thu phí nằm trên phạm vi dự án nên không tính đến việc di chuyển trạm. Bộ GTVT cũng không đủ ngân sách để mua lại trạm. “Thực tế, ai cũng mong muốn được đi lại không mất phí. Nhà nước có đủ tiền bỏ ra làm hết thì quá tốt nhưng ngân sách nhà nước không đủ tiền. Đối với kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, vốn cho ngành giao thông chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu đặt ra, 70% phải kỳ vọng vào tư nhân. Năm nay, Bộ GTVT chỉ được phân bổ 39.000 tỉ đồng, BOT là kênh hút vốn nhưng có bất cập, phát sinh thì phải cùng nhau xử lý”, ông Đông nói. Tuy nhiên, việc giảm phí qua trạm sẽ kéo dài thời gian thu phí, theo dự báo sẽ ở mức 12 - 14 năm (phương án ban đầu là hơn 6 năm).
Trách nhiệm của Bộ GTVT đến đâu?
Thừa nhận nhiều dự án BOT làm trên đường độc đạo khiến người dân không còn lựa chọn, theo ông Đông, do xuất phát từ ngân sách hạn chế trong khi việc đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống quốc lộ rất khó khăn, Bộ GTVT cho phép cải tạo nâng cấp trên đường hiện hữu hoặc nhượng quyền khai thác. Tuy nhiên, tới đây BOT chỉ làm tuyến mới, xây tuyến cao tốc thu phí kín.
Để giám sát, minh bạch hợp đồng BOT trong thời gian tới, theo ông Đông, hình thức giám sát như thế nào rất quan trọng, giám sát phải có tính khả thi, nếu phát tờ rơi cho tất cả người dân hoặc xin ý kiến trên cả nước rất khó. Hiện tại, Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT sửa đổi Nghị định 15, nhằm hình thành khung pháp lý đồng bộ, minh bạch hơn. “Những việc như tạm dừng thu phí, rút ngắn số năm tạo lợi nhuận tại trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) rất đáng tiếc, chúng tôi không kỳ vọng có nhà đầu tư kiện tụng, nhưng nếu lợi ích họ vi phạm không thể cản được, Bộ sẽ ngồi cùng các bên xử lý cho hài hòa nhất”, ông Đông nói.
Về trách nhiệm của Bộ GTVT với các bất cập của dự án BOT hiện nay, theo Thứ trưởng Đông, trách nhiệm đều quy định trong hợp đồng để xử lý. Đầu tiên là nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ VN sẽ quản lý trong quá trình khai thác, kết hợp với địa phương. Bộ GTVT phải ký với nhà đầu tư, nhà đầu tư ký với ngân hàng, các bên phải có trao đổi để điều chỉnh. Kéo dài thời gian thu phí phải có sự xem xét của ngân hàng, nếu quá thời gian thành nợ xấu. Sai đến đâu xử lý đến đó, sai về hình sự xử lý hình sự, nhưng hiện tại chưa phát hiện sai phạm gì.

tin liên quan

Vì sao tài xế phản đối Trạm thu phí Cai Lậy?
** Phóng viên Thanh Niên bị ném đá Mấy ngày nay, sau khi Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đi vào hoạt động đã liên tục xảy ra nhiều sự việc thể hiện sự không đồng tình của giới tài xế, như bỏ tiền vào chai nhựa, dùng tiền lẻ mua vé, thậm chí đưa cả đoàn xe xếp hàng... qua trạm.
“Đã có chỗ này chỗ kia chưa được đồng thuận của người sử dụng, người trả phí. Hiện tại, Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, rà soát các trạm thu phí trên toàn quốc để có điều chỉnh mức thu, thời gian, phải phù hợp với phương án tài chính”, ông Đông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.