Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành: Chợ lâu đời nhất Sài Gòn

Lê Vân
Lê Vân
08/05/2022 07:30 GMT+7

Chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) được xem là biểu tượng của Sài Gòn xưa - nay. Nhưng đó có phải là ngôi chợ lâu đời nhất của vùng đất này?

Chợ Bến Thành với hình ảnh ngày nay được xây dựng mới vào năm 1914, sau ngôi chợ Bến Thành cũ mà người Pháp đặt là chợ Sài Gòn (Marche’ De Sai Gon) được xây vào năm 1868, dãy nhà lồng chợ Cũ khi đó lợp mái tranh. Đến giữa năm 1870 thì chợ Cũ bị cháy và được xây mới bằng nhà lồng có khung sắt. Khu chợ sau được dời về khu đầm lầy Boresse nên kể từ đó người dân thường gọi khu chợ ấy là chợ Cũ, còn ngôi chợ mới xây thì gọi là chợ Mới (nay là chợ Bến Thành). (Theo Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, Trần Hữu Quang).

Chợ Cũ buổi sơ khai ở thế kỷ 18

tư liệu

Chợ Cũ - chợ phố Bến bên thành

Những người Sài Gòn và cả du khách không ít bất ngờ khi ngay dưới chân những tòa nhà hiện đại khu trung tâm lại có một chợ hổm với nhiều sạp chợ che tạm. Có người gọi đó là chợ Tôn Thất Đạm hay trong tiềm thức nhiều người Sài Gòn xưa, nơi đây vẫn giữ nguyên tên ngôi chợ lâu đời nhất nhì vùng đất này: chợ Cũ. Thực tế, ngôi chợ này sau nhiều thăng trầm phải “chạy chợ” và di dời vốn là tiền thân của chợ Bến Thành hôm nay. Ông Nguyễn Văn Huê, 71 tuổi, cư dân khu chợ Cũ đời thứ 3, khẳng định: “Khi ông nội tôi từ Bắc di cư vào làm đồn điền cao su trong Nam kỳ thì đã có chợ này rồi. Ông lấy bà nội là người Hoa, khu này xưa kia chỉ có người Hoa và Chà Và (người Ấn Độ)”. Theo ông Huê, có một ngôi nhà đặc biệt ở khu chợ Cũ mang bóng dáng thời gian lâu đời ở đây là nhà “nhị tì” số 68 - nơi thờ cốt của người Hoa từ thời ông nội ông Huê vào lập nghiệp. Nhắc tới chợ Cũ khi mới hình thành trong ký ức của ông Huê là những tiệm ăn người Hoa nổi danh như Đồng Phát ở mặt tiền Hàm Nghi còn tới ngày nay, Chuyên Ký và Mỹ Hương bên trong phố chợ. Mà nay chỉ còn lại tiệm cơm thố Chuyên Ký nổi danh 3 thế hệ tồn tại.

Ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn xưa được nhắc đến là chợ “Cây Da còm”, lúc đầu có tên chợ Khung Dong, sau này là chợ Thái Bình, Q.1, TP.HCM. “Ở phía nam trấn, dưới chân trại bên hữu của thành lớn, có cây da cổ thụ cành rễ chằng chịt, bóng che chừng nửa mẫu, người buôn bán nhóm chợ dưới bóng cây. Đầu canh tư, người ruộng rẫy đốt đuốc gánh những dưa bí rau quả đến nhóm đầu chợ phía tây, người bán mua về để lại; đến sáng đầu chợ phía đông đằng nam đằng bắc của đường lớn mới bày bán đủ thịt cá hàng hóa đến hoàng hôn mới tan”, cảnh họp chợ ở ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn xưa, theo Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí.

Tiệm lạp xưởng, thịt quay người Hoa xưa nổi tiếng khu Chợ Cũ

TƯ LIỆU

Chợ Cũ năm xưa làm cách nào mà tồn tại được cả trăm năm giữa khu trung tâm hiện đại bậc nhất thành phố này? Ông Huê lý giải theo cách của một người ở chợ đã hơn 70 năm: Chợ là người, chỉ cần có người mua người bán thì chợ cứ thế mà còn mãi. Ở nơi này đã chứng kiến biết bao cuộc đổi dời và đổi vận. Như tiệm bánh Như Lan ngay mặt tiền đường Hàm Nghi xưa chỉ là xe bánh mì nhỏ, nay đã có mấy căn liền kề chuyên bán bánh mì, giò chả nổi danh khu chợ Cũ xưa.

Tên chợ Bến Thành lúc mới cất (trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định) được đặt theo vị trí chợ khi mới hình thành: chợ phố bến trước thành. Cảnh họp chợ phố bến trước thành xưa được mô tả: “Phố, chợ, nhà của đều rất trù mật, họp chợ dọc ven sông. Ở đầu bến, lệ cứ tháng đầu xuân vào ngày tế Mã, có thao diễn thủy binh thì có đò ngang chở khách ngoại quốc lên bờ… Đầu phía bắc là rạch Sa Ngư (rạch Bến Nghé, sông Sài Gòn ngày nay), có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đi lại san sát.” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí).

Nay, sau nhiều thập kỷ, chợ Cũ vẫn được nhiều người Sài Gòn dù đi xa hay ở lại nhắc nhớ về một ngôi chợ nhà giàu, chỉ bán đồ ăn ngon.

Phố chợ của những khách sang

Ông Huê, cư dân có gia đình sống ở Chợ Cũ từ thời ông nội

LÊ VÂN

Xung quanh khu chợ Cũ xưa, ngày nay nằm ở cuối đường Tôn Thất Đạm, P.Bến Nghé, Q.1 vẫn còn chút hương xưa nhờ hoạt động của một chợ tạm có tên chợ Cũ sắp giải tỏa. Những ngôi nhà kiểu kiến trúc người Hoa có tuổi đời hơn trăm năm san sát nhau có từ thời chợ Cũ cũng như đua màu thời gian cùng những tòa nhà hiện đại như Bitexco, Sunwah Tower… Chợ họp từ sáng tới khuya, với những món ngon, tươi sống như thịt bò Bích Chợ Cũ, hải sản lựa tay, bơi cả ngày trong bể nước sục ô xy. Phố chợ xưa nay vẫn còn tiệm ăn cơm thố Chuyên Ký có từ đời “Nhật hòa bình”, năm 1948. Ông Huê kể rằng chợ này xưa toàn giới “cao cấp”, khách sang ghé. Đêm đêm, cứ phía rạch Bến Nghé còn sáng đèn của những chuyến tàu hàng là các tiệm ăn người Hoa trong phố chợ còn mở cửa.

Chợ Cũ trước 1975

tư liệu

Chợ Cũ trước 1975

tư liệu

Tiệm cơm Chuyên Ký bây giờ được giao lại cho 2 cháu ngoại, vẫn giữ nguyên thực đơn là những món cơm thố hấp đặc trưng với các món ăn trứ danh như: gà tiềm, cơm xào bò, tôm lăn bột… Bà Mỹ Mỹ, chủ tiệm cơm thố đời thứ 2, kể: “Xưa hầu hết những chuyến hàng thủy thủ đều cập cảng ghé chợ ăn khuya ở quán mình. Khu này xưa toàn quán ăn sầm uất không à, trước 1975, khu chợ Cũ vẫn hoạt động sầm uất, bà mình phải xin giấy phép bán đồ ăn khuya sau 12 giờ. Khách đêm hồi đó khó lắm, ngoài đồ ăn ngon nhưng cũng đòi hỏi cung cách phục vụ sao cho họ vừa lòng thì mới ghé lại”.

Sau 1975 nhiều người ở phố chợ Cũ đi nước ngoài. Người bán buôn trong chợ Cũ cũng phải chạy từ bên kia đường Hàm Nghi qua trú ở Ngân hàng Việt Nam thương tín (này là Ngân hàng Vietinbank, đường Hàm Nghi) rồi dạt về phía đường Tôn Thất Đạm cắt ngang đường Hàm Nghi.

(còn tiếp)

Trăm năm 'kẻ chợ' Sài Thành

Bao đời bán buôn, đêm thương vọng chợ…

Lập chợ vì nhớ món quê

Xe hủ tíu Giang Cẩu ký 'since 1968'

Ai đi ở chợ 'chảnh'?

Chợ nhà giàu nuôi người nghèo

Chợ nhà giàu 'xuyên thế kỷ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.