Hôm qua, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip một người tài xế mặc áo xe ôm công nghệ có hành vi nghi uy hiếp, sờ soạng cưỡng ép một cô gái có biểu hiện tâm thần trong con hẻm thuộc Q.5, TP.HCM. Đoạn clip khiến nhiều người bức xúc nhưng nhiều ý kiến cũng tranh cãi về việc người quay clip không can thiệp, hay có hành động gì để giải vây cho cô gái.
Theo Công an Q.5, clip này do anh H. (nhà trong hẻm 10 đường Lão Tử, P.11, Q.5) quay lại. Theo đó, khoảng 1 giờ sáng 18-4, anh H. nghe tiếng ồn nên mở cửa sổ ra xem. Anh H. phát hiện một nam thanh niên đang có hành vi sàm sỡ nên anh lấy điện thoại ra ghi hình. Đến khoảng 11 giờ ngày 18.4, anh H. đã đến Công an phường 11 trình báo sự việc và cung cấp đoạn video nói trên.
Hành động trình báo, cung cấp clip và tố giác tội phạm của anh H. được nhiều người hoan nghênh. Tuy nhiên, bên cạnh việc bức xúc lên án hành vi của nhân vật chính trong clip (thông tin mới nhất là đã ra công an đầu thú) thì chuyện tranh cãi vì sao người quay clip lại không có hành động gì (nếu nghi ngờ cô gái bị tấn công) để giải vây kịp thời.
|
Tài khoản Đan Hà viết: “Sao người quay clip không ra giúp cô ấy”. Nickname Văn Tuyết thở dài: “Người nào đứng quay sao không la lên kêu thêm người hỗ trợ tới giúp mà đứng quay để nó làm như vậy?”. Đồng quan điểm, tài khoản Phát Tài cũng nói: “Người quay phim chỉ cần la lên là nó sợ chạy, để nó làm người ta như vậy nhẫn tâm quá”.
Lời cảnh báo về thói quen quay clip
Luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát) cho biết, hiện nay, có rất nhiều người, khi chứng kiến các vụ tai nạn, đe dọa giết người, đánh nhau... họ thường hay hành xử bằng việc sử dụng điện thoại để quay lại và sau đó đưa lên mạng xã hội.
|
Việc sử dụng điện thoại để quay lại, cũng là một việc tốt, vì nó là bằng chứng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng, khi vụ việc được xử lý. Thế nhưng trong một số trường hợp, người chứng kiến vụ việc, ngoài việc quay clip, thì cũng cần có những hành động cụ thể, để cho thể cứu giúp nạn nhân hoặc chí ít cũng làm cho người đang thực hiện hành vi có thể bỏ chạy mà không tiếp tục thực hiện hành vi.
Theo LS Phát, clip người phụ nữ tâm thần bị người mặc áo chạy xe ôm công nghệ tấn công là một điển hình cho các trường hợp nêu trên.
“Clip cho thấy, các bạn quay clip có số người đông hơn, có thời gian và hoàn cảnh thuận lợi để lên tiếng can thiệp. Đặc biệt là khi người đàn ông kia còn mở cốp xe lấy đồ (tuốc-vít) ra để uy hiếp nạn nhân. Như vậy lúc này tính mạng nạn nhân đang rơi vào tình thế nguy hiểm. Tôi nghĩ lúc này, những người quay clip chỉ cần hô hoán hoặc gọi đông người xung quanh chạy xuống hiện trường, là người đàn ông kia có thể đã bỏ chạy, thế nhưng họ đã không làm điều đó”, LS Phát phân tích.
|
Vị LS cũng cho rằng, trong trường hợp này nếu cô gái chẳng may bị sát hại, thì những người quay clip có thể bị khởi tố “Tội không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 132 Bộ luật hình sự 2015. Lúc đó có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm.
Cuối cùng, LS Phát nhấn mạnh, vụ việc trên là lời cảnh báo cho mọi người, nếu vô tình chứng kiến các hành vi vi phạm pháp luật, ngoài việc chúng ta quay lại sự việc, thì mọi người cũng nhanh chóng gọi điện cho các cơ quan chức năng để họ kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.
Nếu lúc đó mọi người có điều kiện để cứu giúp nạn nhân: có khả năng bơi, võ thuật, nhiều người... thì nên hô hoán hoặc trực tiếp đến để can thiệp vào sự việc, giúp nạn nhân có thể sớm thoát khỏi mối nguy hại, đồng thời giúp cho chúng ta tránh được việc vô tình bị khởi tố vụ án hình sự nếu bị hại chẳng may bị tử vong.
Bài học cho mọi nhà!
Trao đổi với Thanh Niên, một giảng viên Trường ĐH Cảnh sát nhân dân cho rằng, trường hợp này tâm lý người quay clip ban đầu có thể vì tò mò (vì chưa xác định được hành vi hay mối quan hệ của hai nhân vật trên, cũng có thể suy nghĩ đó là một thỏa thuận từ trước giữa người này và cô gái nhưng bất thành), hoặc muốn quay lại làm bằng chứng và nghĩ đến lúc nguy hiểm nhất sẽ la lên để cứu cô gái.
Khi clip này được chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người đều lên án hành động này, qua đó cũng là bài học để nhắc nhở cho gia đình, người thân và chính những người có ý định phạm tội tương tự sẽ chùn tay.
Riêng trong sự việc này thì từ áp lực từ dư luận xã hội, người tài xế nghi uy hiếp, sờ soạng cô gái đã ra đầu thú.
Rõ ràng, đây cũng là một bài học, một kỹ năng cần lưu ý cho người người, đặc biệt khi công nghệ đang xâm chiếm cuộc sống, thói quen và hành vi của chúng ta (dễ phản xạ bật điện thoại để chụp ảnh, hay quay clip). Những kỹ năng trong trường hợp này (nếu cảm giác xác định đây đó là hành vi tấn công, đe dọa) mà nhiều người cũng cần tham khảo là: có thể gọi ngay lực lượng cảnh sát 113 (nếu nghi ngờ); lưu số điện thoại cơ quan công an phường, quận nơi cư ngụ để thông báo nhanh chóng; nhiều người sẽ mở đèn hay cố tình tạo tiếng động lớn từ trong nhà để nghi phạm giật mình và dừng lại hành vi của mình. Gọi hàng xóm và cùng nhiều người đồng thanh hô hoán lên.
Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 18.4, Trương Gia Huy (người mặc áo tài xế có hành vi xấu với cô gái) gọi điện cho Công an P.11 (Q.5) để ra đầu thú.
Ngay sau đó, nhiều trinh sát thuộc Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.5 có mặt tại đường Ngô Gia Tự (P.2, Q.10, gần nơi Huy trú ngụ) để đưa Huy về trụ sở Công an P.11, làm rõ vụ việc.
|
Bình luận (0)