Tranh cãi mạng xã hội kiểm duyệt người dùng

24/09/2018 08:05 GMT+7

Tổng thống Donald Trump và nhiều người dân cho rằng các trang mạng xã hội đang kiểm duyệt người dùng giữa lúc tin giả mạo tràn lan trên internet.

Trong hàng loạt bình luận trên Twitter gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc các trang mạng xã hội “hoàn toàn phân biệt đối xử” đối với người dùng có quan điểm chính trị thiên hữu, bảo thủ hoặc ủng hộ đảng Cộng hòa. “Các công ty mạng xã hội đang bịt miệng hàng triệu người... Chúng tôi sẽ không để điều này tiếp diễn. Họ đang bóp nghẹt ý kiến của nhiều người đúng đắn, trong khi không có bất kỳ động thái nào đối với cá nhân khác. Mọi người phải tự tìm hiểu thông tin thật hay giả mà không cần kiểm duyệt!”, Tổng thống Trump cảnh báo. Bên cạnh đó, AFP dẫn kết quả thăm dò của Hãng nghiên cứu Pew cho thấy 43% người được hỏi tại Mỹ tin rằng mạng xã hội kiểm duyệt người dùng và 73% đồng tình với quan điểm các công ty công nghệ chủ động ngăn chặn quan điểm chính trị bị cho là trái chiều với số đông.
[VIDEO] Facebook lập 'phòng chiến tranh' chống tin giả thao túng bầu cử
Mặt khác, đại diện của Facebook, Twitter và Google hồi đầu tháng đã tham gia phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, thảo luận về vấn đề kiểm duyệt lẫn phòng chống tin giả mạo. Họ thừa nhận tăng cường kiểm soát nhằm ngăn chặn hoạt động gieo rắc thông tin sai lệch, nhưng đôi lúc dẫn đến “cấm cửa sai lầm” những tài khoản có quan điểm chính trị thiên tả lẫn hữu. Tuy nhiên, các công ty mạng xã hội khẳng định không “bịt miệng” người dùng.
Đến ngày 23.9, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin tiết lộ Nhà Trắng đang cân nhắc dự thảo sắc lệnh hành pháp mới có nội dung chỉ đạo các cơ quan chính phủ phối hợp điều tra nghi vấn các công ty mạng xã hội có vi phạm luật chống độc quyền, đảm bảo tự do ngôn luận và loại trừ tin giả mạo. Bên cạnh đó, thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, công bố dự thảo luật tăng cường quản lý, buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với tất cả nội dung người dùng đăng tải. Dự luật này tương tự những đề xuất được đưa ra thời gian qua tại một số quốc gia châu Á lẫn châu Âu nhằm bảo đảm an ninh mạng.
“Twitter, Facebook và Google đều là doanh nghiệp tư nhân, có tư cách pháp lý để cấm các tài khoản mà họ cho là vi phạm nguyên tắc hoặc điều khoản dịch vụ. Chính vì thế, họ không thể bị cáo buộc kiểm duyệt người dùng. Nếu chính phủ can thiệp quá sâu vào quyền pháp lý này của doanh nghiệp thì sẽ có nguy cơ vi phạm hiến pháp”, tạp chí Time dẫn lời nhà nghiên cứu Eric Goldman thuộc Đại học Santa Clara (Mỹ) cho hay. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định các công ty mạng xã hội đang đối diện áp lực ngày càng lớn tại quốc gia về việc phải cân bằng giữa đảm bảo ngăn chặn các nội dung xấu và bảo đảm quyền tự do ngôn luận của người dùng.
Một ủy ban của Quốc hội Singapore hồi tuần trước đề xuất trao thêm quyền cho chính phủ nhằm phòng chống tin tức giả mạo tràn lan trên mạng có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. AFP dẫn lời một thành viên ủy ban nhận định chính phủ “phải có quyền ngay lập tức ngăn chặn hành động phát tán tin giả mạo” trên mạng, bao gồm hạn chế hoặc chặn nội dung, khóa tài khoản xấu... Ủy ban đồng thời đề xuất dự luật cho phép điều tra hình sự nhắm vào những đối tượng gieo rắc tin giả gây thiệt hại nghiêm trọng cũng như siết chặt quản lý, buộc các công ty mạng xã hội như Facebook và Twitter phải có biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, một số tổ chức ở Singapore lên tiếng phản đối các đề xuất trên là “mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.