Nghi vấn đấu giá tranh giả
Phiên đấu giá ngày 6.10 tới đây của nhà Sotheby’s Hồng Kông chưa diễn ra nhưng đã rất nóng trong những trao đổi của nhiều người yêu mỹ thuật Việt, đặc biệt là những người yêu các tác giả Trường Mỹ thuật Đông Dương. Lần này, cuộc trao đổi nóng lên vì thông tin được bà Hoàng Anh (Tạp chí Mỹ thuật - Hội Mỹ thuật VN) công bố trên trang Facebook Tạp chí Mỹ thuật. Theo đó, tác phẩm Hai cô gái trước bình phong được cho là của Trần Văn Cẩn và Bức thư của Tô Ngọc Vân sắp được đưa lên sàn đấu giá của Sotheby’s. Trong khi đó, bản gốc đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.
Theo bà Hoàng Anh, bức tranh Hai cô gái trước bình phong thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật VN, được mua năm 1965 từ một gia đình ở phố Bà Triệu. Gia đình này có họ hàng với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến. Chính bà Hải Yến đã giới thiệu bức tranh này cho bảo tàng. Tranh được vẽ năm 1943. Kích thước 45 x 48 cm, được mua với giá 200 đồng. Cùng đợt mua ấy, bảo tàng còn mua được 2 bức tranh quý nữa, gồm: Chải tóc bên cầu ao của Lê Văn Đệ, Hiện vẻ hoa của Nguyễn Tường Lân, cũng với giá 200 đồng/bức. Tác phẩm Bức thư của Tô Ngọc Vân được bảo tàng mua khoảng năm 1962 - 1963 từ một gia đình ở Hà Nội.
|
Cũng theo bà Hoàng Anh, vấn đề nằm ở chỗ trong phiên đấu giá tại Hồng Kông ngày 6.10 của nhà đấu giá Sotheby’s, họ sẽ đấu bản phiên Hai cô gái trước bình phong với giá ước đoán 60.000 - 90.000 HKD cùng với bản phiên Bức thư của Tô Ngọc Vân giá ước đoán 800.000 - 1.500.000 HKD.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Hoàng Anh cho biết bà đưa ra thông tin này để các nhà sưu tập được biết, vì hiện người Việt mua tranh Việt rất nhiều trên các sàn đấu giá. Việc biết thông tin sẽ giúp họ cân nhắc mua bán tốt hơn.
Bảo tàng khẳng định giữ tranh thật
Về nghi vấn tranh giả nói trên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho rằng: “Nếu bảo tàng thấy sự việc đó - bản giả trôi nổi ở ngoài xã hội, hoặc được bán trong các nhà đấu giá nổi tiếng, họ muốn lên tiếng thì đó là quyền của họ”. Trong khi đó, một hội viên Hội Mỹ thuật VN nhận xét: “Bảo tàng Mỹ thuật VN cần lên tiếng về các tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Điều đó chứng tỏ tính chính danh và bảo vệ giá trị chính đáng của một bảo tàng”.
Họa sĩ Phạm Hà Hải, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật VN, cũng cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật VN cần lên tiếng để khẳng định tranh thuộc sở hữu của mình là thật. “Đây là vấn đề sở hữu tài sản quốc gia, tính pháp lý của tài sản. Và mình cũng phải có trách nhiệm với tác giả nữa. Tác giả đã mất thì mình sở hữu tác phẩm cần phải nói”. Ông Hải cũng nói thêm, hồ sơ ở bảo tàng chắc chắn có, kèm theo đó là những dấu tích khác như hồ sơ mua bán, hồ sơ gia đình, hồ sơ đăng ký với Cục Di sản văn hóa, hồ sơ bảo quản.
Về điều này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể khẳng định tranh của chúng tôi là thật. Cũng có nhiều người từng liên lạc với chúng tôi để xác nhận thông tin về việc tranh này tranh kia thật giả ra sao, chúng tôi cũng trả lời trên cơ sở chỉ có thể khẳng định tác phẩm của mình là thật”.
Bình luận (0)