Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh, đào tạo TS qua Thông tư 18/2021/TT-BGD ĐT (còn gọi là Quy chế 2021), thay thế cho quy chế hiện hành ban hành năm 2017 (Quy chế 2017).
Sau khi quy chế mới được ban hành, trong cộng đồng khoa học Việt Nam có nhiều ý kiến bình luận, theo các luồng khác nhau. Một số ý kiến cho rằng quy chế mới “hạ chuẩn” so với quy chế ban hành năm 2017, nhưng cũng nhiều ý kiến không đồng tình với luận điểm này.
Phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”
Theo GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, nội dung quy chế mới đi ngược lại yêu cầu "ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đặt ra với ngành GD-ĐT. Bằng chứng là chuẩn đầu ra của Quy chế 2021 thấp hơn Quy chế 2017 về yêu cầu công bố công trình nghiên cứu khoa học (gọi chung là bài báo) của nghiên cứu sinh.
Cụ thể, Quy chế 2017 quy định luận án TS được đánh giá khi nghiên cứu sinh đã công bố 2 bài báo, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. Quy chế 2021 cho phép nghiên cứu sinh không cần có công bố quốc tế nào. Thậm chí, nghiên cứu sinh chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường ĐH, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện.
TS là bằng cấp học thuật cao nhất, người có học vị TS phải có những kết quả nghiên cứu mới. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, việc công bố quốc tế kết quả nghiên cứu mới đều được coi trọng, vì đó chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự đánh giá được chất lượng nghiên cứu. Vì vậy, các nước đang phát triển thường quy định luận án TS phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng.
Trên thế giới, có 2 danh mục ISI và Scopus lựa chọn các tạp chí khoa học theo chất lượng của các công bố. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng dùng 2 danh mục này để xét chọn chức danh. Vì thế, lẽ ra Quy chế 2021 cần là phải nâng tiêu chuẩn công bố quốc tế ở quy chế cũ lên, để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo TS của Thái Lan.
GS Ngô Việt Trung cho rằng, việc “hạ chuẩn” khiến cho giáo dục ĐH ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á. Nó là tiền đề cho khả năng quay phát sinh trở lại nạn “lò” TS, nơi có thể đào tạo hàng trăm TS mà hầu như không có công bố quốc tế nào!
“Tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án TS có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật". Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “TS rởm”. Chỉ cần vài năm đào tạo TS theo quy chế mới thì xã hội sẽ lại dậy sóng khi nhìn đâu cũng thấy TS, thật giả lẫn lộn”, GS Ngô Việt Trung nhận định.
Nên dựa vào từng ngành để đánh giá
TS Hoàng Khánh Hòa, đang nghiên cứu và giảng dạy ngành kinh tế ứng dụng ở ĐH Missouri (Mỹ), cho biết cô không đồng ý với GS Ngô Việt Trung khi ông cho rằng TS buộc phải có công bố quốc tế thì mới chứng tỏ chương trình đào tạo có chất lượng.
Theo TS Khánh Hòa, theo quan sát thực tế trong đào tạo TS các ngành lĩnh vực khoa học xã hội ở Mỹ, không phải trường nào cũng yêu cầu nghiên cứu sinh có bài báo mới được tốt nghiệp. Không phải vì chuẩn mực của họ cao sẵn rồi nên không cần đưa ra yêu cầu mà nhiều nhà khoa học Việt Nam cho là “hiển nhiên”, mà bởi đặc thù của các ngành lĩnh vực này đòi hỏi để có một công bố có chất lượng cần nhiều thời gian hơn so với các ngành khoa học tự nhiên, trong khi một chương trình đào tạo TS chỉ 4 - 5 năm.
Nếu bắt nghiên cứu sinh ngành khoa học xã hội phải có bài báo mới được cấp bằng TS thì họ phải được hướng dẫn bởi các GS trường top và phải bị ốp làm việc với cường độ rất căng thẳng và liên tục thì may ra mới kịp tiến độ trong giai đoạn 4 - 5 năm bắt đầu của việc học làm nghiên cứu. Còn nếu nghiên cứu sinh học ở “trường làng”, thì phải lách kiểu vơ váo ý tưởng...
Hơn nữa, tấm bằng TS chỉ là bước khởi đầu của nghề nghiên cứu. Không phải nghiên cứu cái gì cũng xuất bản được. Với lại, xuất bản bài báo cũng có “luật chơi”, giống như học nhồi nhét để thi GRE, không nên xem nó là kết quả duy nhất để đánh giá khả năng nghiên cứu của một nghiên cứu sinh. Còn để đánh giá một nhà khoa học trưởng thành thì đúng là cần dựa vào công bố của họ, nhưng công bố ở tạp chí chất lượng như thế nào thì cũng tùy ngành.
“Trong ngành kinh tế ứng dụng của tôi, đa số TS tốt nghiệp xong 1 - 2 năm sau mới có bài đăng. Rất nhiều bạn khi làm hồ sơ xét PGS (assistant prof) chỉ có 1 bài. Để có 1 bài báo được công bố, thời gian chờ được xuất bản là 2 năm. Nếu yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bài mới được cấp bằng TS thì không lẽ từ năm thứ 2 họ đã phải có bản thảo rồi?”, TS Khánh Hòa chia sẻ.
Các cơ sở đào tạo có thể đưa ra yêu cầu cao hơn
Theo GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các luồng ý kiến dù khác nhau nhưng đều hướng tới mong muốn chất lượng đào tạo TS ở Việt Nam được nâng lên. Tuy nhiên, kỳ vọng này không thể dồn hết vào một văn bản pháp quy. Khi cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một tiêu chuẩn cứng chung cho tất cả các ngành và lĩnh vực, kiểu gì cũng dẫn đến bất cập.
Trong trường hợp nếu không có quy định cho từng ngành, từng lĩnh vực, thì chỉ nên đưa ra mức tối thiểu và khả thi cho tất cả. Các cơ sở đào tạo có thể đưa ra những quy định cao hơn đối với từng ngành cụ thể. Do đó, dưới góc độ là một văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi áp dụng rộng, một số điều chỉnh của Quy chế 2021 là hợp lý.
Với 2 ngành mà GS Vinh có mối liên quan trực tiếp là toán và giáo dục cũng sẽ có tiêu chuẩn khác nhau. Với toán thì chuẩn riêng đã rõ, nghiên cứu sinh muốn được đánh giá và cấp bằng TS thì đương nhiên phải có bài quốc tế. Nhưng với giáo dục, giải pháp khả thi nhất là xây dựng chương trình đào tạo TS theo hệ TS thực hành, không bắt buộc phải có công bố quốc tế.
Nếu theo con đường học thuật thì học TS chính là giai đoạn học làm nghiên cứu. Công bố quốc tế hay trong nước thực chất chỉ để giúp nghiên cứu sinh có cơ hội để học cách làm việc chuẩn chỉnh, bài bản. Với các chương trình TS nặng về nghiên cứu để đào tạo ra những người đi theo con đường học thuật thì nên áp tiêu chuẩn cao với lộ trình cụ thể.
Tuy nhiên, nhu cầu học TS hiện nay rất đa dạng. Không phải ai muốn học TS cũng muốn trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy ở bậc ĐH (mọi người hay chỉ trích việc này nhưng đây là thực tế không phải chỉ riêng ở Việt Nam, các nước khác cũng vậy). Ở nhiều nước, giải pháp là mở các chương trình TS thực hành.
“TS thực hành cũng có những yêu cầu về luận án và về bằng cấp thì tương đương TS định hướng nghiên cứu (như cách hiểu của chúng ta hiện nay, nhưng sẽ ko được giảng dạy sau ĐH hay trở thành PGS/GS). Ví dụ, trong lĩnh vực GD ở Mỹ, những người muốn học trình độ TS nhưng không theo con đường học thuật sẽ theo học Doctor of Education, thay vì PhD. Tôi nghĩ một cách chủ quan, nếu được chọn, nhiều cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở trường phổ thông sẽ chọn làm Doctor of Education (TS thực hành). Đây chính là học thật - học cái thực chất”, GS Vinh giải thích.
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những nhận xét Quy chế 2021 là cơ hội khiến tạo ra các “lò” TS như thời kỳ trước 2017, là không công bằng. Thực tế, trong thời gian qua, dù hoạt động đào tạo TS đã được chấn chỉnh, nhưng do thiếu những quy định ràng buộc cũng như do chưa tìm được cách tiếp cận đúng về đào tạo TS nên vẫn còn hiện tượng “học giả bằng thật”.
Với quy chế mới, nghiên cứu đã theo học một chương trình đào tạo TS thì buộc phải dành toàn thời gian 3 - 4 năm cho việc học, cơ sở cử người đi học buộc phải bố trí người thay thế, không được để nghiên cứu sinh vẫn vừa làm việc tại đơn vị, vừa đi học.
Cũng theo PGS Điền, chắc chắn chuẩn các chương trình TS của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ cao hơn nhiều so với chuẩn của quy chế 2021.
“Có ý kiến lo lắng, các trường ra chuẩn thấp để thu hút người học. Vấn đề là các trường làm thế để làm gì? Về phía cơ sở đào tạo, đào tạo TS là một trách nhiệm để nâng cao mặt bằng trình độ chung của ĐH, không phải là chỗ để “kiếm tiền”. Có nghiên cứu sinh, các thầy có thêm người hỗ trợ trong công tác nghiên cứu, gia tăng hoặt động khoa học của trường. Đặt chuẩn cao là một cách tạo uy tín cho chương trình đào tạo, từ đó mới thu hút được người giỏi”, PGS Điền nói.
|
Bình luận (0)