Nếu không vượt qua mức điểm tối thiểu này, sinh viên (SV) bị áp dụng quy định riêng về cách tính điểm học phần.
Điểm thi cuối kỳ dưới 3 là… liệt
Mới đây nhất, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông tin tới SV về quy định kết quả thi cuối kỳ nhỏ hơn 3 bị tính là điểm liệt, bắt đầu áp dụng từ học kỳ 2 năm học 2022 - 2023. Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết Hội đồng Khoa học - Đào tạo của trường đã thông qua quy định này và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.
Lý giải về quy định điểm liệt, tiến sĩ Quách Thanh Hải cho biết hiện nay ngoại trừ thực hành, các học phần của trường đang được tính điểm dựa vào 50% điểm quá trình và 50% điểm thi cuối kỳ. Trong đó, điểm quá trình được đánh giá từ học trên lớp, bài tập về nhà, làm việc nhóm… “Nhưng áp dụng cách đánh giá này cho thấy một thực tế có những SV đạt 10 điểm quá trình nhưng 0 điểm thi cuối kỳ, vẫn được qua môn khi đạt trung bình 5 điểm. Thực tế này nếu kéo dài sẽ khiến chất lượng người học đi xuống và sẽ khó khăn cho SV ra trường tìm việc làm”, ông Hải nói.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Theo ông Hải, quy định này hiện đang được áp dụng cho SV khóa 2020 trở về trước và sắp tới sẽ áp dụng với SV các khóa 2021 và 2022. Trước đó, từ năm 2018, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng bổ sung vào quy chế của trường một quy định riêng về điểm liệt trong kỳ thi cuối kỳ. Theo lý giải của cán bộ đào tạo thời điểm đó, quy định này của trường nhằm siết chặt hơn chất lượng đào tạo, đặc biệt khi có khoảng 1% SV đạt môn nhưng điểm thi cuối kỳ dưới 3 điểm.
Quy định điểm liệt ở các trường
Tùy theo đặc thù ngành nghề đào tạo, các trường có những quy định khác nhau về mức điểm liệt trong quá trình đánh giá SV. Nhiều trường ĐH đào tạo khối ngành công nghệ kỹ thuật đều có những quy định ràng buộc mức điểm tối thiểu này.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện tại trường có 3 loại học phần gồm: lý thuyết, tích hợp cả lý thuyết và thực hành, khóa luận/đồ án. Trong đó, học phần lý thuyết có 3 cột điểm gồm: 20% điểm quá trình, 30% điểm giữa kỳ thi tập trung và 50% điểm thi kết thúc môn. Với học phần tích hợp, điểm trung bình là tổng điểm của điểm lý thuyết và thực hành với trọng số tương ứng theo số lượng tín chỉ. Riêng phần thực hành có 3 - 5 cột điểm đánh giá tùy theo số lượng tín chỉ thực tế.
“Trường đào tạo theo định hướng ứng dụng nên quá trình thực hành của SV được xem trọng. Ở nội dung thực hành, trường có đưa ra quy định ràng buộc mức điểm tối thiểu cần đạt được. Cụ thể, ở những học phần tích hợp SV cần đạt từ 3 điểm thực hành trở lên mới được thi kết thúc học phần. Ngoài ra, trường còn khống chế thêm một điều kiện khác - SV bị 0 điểm thi giữa kỳ cũng không được thi cuối kỳ”, tiến sĩ Nhân cho hay.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng không ngoại lệ. Quy chế đào tạo và học vụ bậc ĐH, CĐ được cập nhật năm 2020 của trường ĐH này cũng quy định, kết quả môn học được đánh giá bằng điểm tổng kết môn học, tính từ các điểm thành phần theo tỷ lệ đánh giá tương ứng. Trường hợp điểm thi cuối kỳ hoặc điểm thí nghiệm nhỏ hơn 3 thì điểm tổng kết chính thức được tính là điểm nhỏ nhất trong các điểm. Như vậy, dù có cách làm khác nhưng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng có quy định mức điểm liệt dưới 3 với điểm thi cuối kỳ hoặc thí nghiệm trong đánh giá SV.
Không chỉ khối trường công lập, việc khống chế điểm liệt thi cuối kỳ cũng được vận dụng tại trường tư thục. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM từ năm học 2017 - 2018 đã bắt đầu triển khai cách tính điểm học phần mới cho SV tất cả các hệ gồm: 50% điểm quá trình và 50% thi cuối kỳ. Tuy nhiên, trường hợp SV có điểm thi kết thúc học phần dưới 1 thì dù điểm quá trình đạt tuyệt đối, điểm học phần tối đa vẫn không quá 3 điểm. Ví dụ, SV có điểm quá trình 10 điểm và điểm thi kết thúc học phần 0,5 điểm thì điểm học phần này tối đa 3 điểm do điểm thi cuối kỳ dưới 1.
Sinh viên trong giờ tự học |
đào ngọc thạch |
Quy chế đào tạo chưa đủ mạnh?
Với những quy định khác nhau của các trường như trên, câu hỏi được đặt ra là phải chăng quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT trong đánh giá SV chưa đủ mạnh để đảm bảo chất lượng đầu ra?
Hiện nay các trường ĐH xây dựng quy định riêng dựa vào Thông tư 08/2021 của Bộ
GD-ĐT về Quy chế đào tạo trình độ ĐH. Theo điều 9 quy chế này, mỗi học phần được đánh giá qua tối thiểu 2 điểm thành phần (trừ học phần nhỏ hơn 2 tín chỉ). Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10, điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng và được làm tròn tới một chữ số thập phân. Cụ thể, SV được đánh giá đạt khi từ 4 điểm trở lên và mức không đạt là dưới 4 điểm.
Quy định về đánh giá kết quả học tập SV
Quy chế đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT năm 2021 quy định có 4 mức đạt trong đánh giá học phần có tính điểm trung bình học tập: A từ 8,5 - 10 điểm; B từ 7 - 8,4 điểm; C từ 5,5 - 6,9 điểm và D từ 4 - 5,4 điểm. Học phần chỉ yêu cầu đạt không tính điểm trung bình học tập là P từ 5 điểm trở lên. Loại không đạt là F dưới 4 điểm.
Kết quả học tập của SV được đánh giá sau từng học kỳ hoặc từng năm học dựa trên kết quả các học phần. Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như sau: A quy đổi thành 4, B thành 3, C thành 2, D thành 1 và F thành 0.
SV được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy theo thang điểm 4 gồm: xuất sắc (3,6 - 4 điểm); giỏi (3,2 - cận 3,6 điểm); khá (2,5 - cận 3,2 điểm); trung bình (2 - cận 2,5 điểm); yếu (1 - cận 2 điểm) và kém (dưới 1 điểm).
Tiến sĩ Quách Thanh Hải cho rằng quy chế của Bộ là khung chung, được xem như căn cứ để các trường xây dựng quy chế riêng từng trường. Việc các trường vận dụng và đưa ra yêu cầu cao hơn quy chế chung của Bộ hoàn toàn có thể được phép. Giải thích rõ hơn điều này, ông Hải cho biết thông tư 08, điều 21, điểm 1, khoản a ghi rõ: “Căn cứ quy chế này, hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế đào tạo của cơ sở đào tạo trên cơ sở tư vấn của hội đồng khoa học và đào tạo cùng các quy định quản lý nội bộ; cụ thể hóa và có thể yêu cầu cao hơn nhưng không trái các quy định của quy chế”. Từ đó, theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, việc áp dụng điểm liệt không phải quy định riêng của trường mà là cách nhiều trường đang thực hiện để đảm bảo hơn chất lượng người học.
Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập, điểm quá trình là một yêu cầu bắt buộc để đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Trong khi quy chế đào tạo của Bộ không khống chế tỷ lệ tối đa điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ thì mức các trường thường áp dụng là 50 - 50%. Bên cạnh việc đưa ra quy định điểm liệt, kiểm soát tốt quá trình kiểm tra đánh giá mới là cốt lõi.
Bình luận (0)