Tranh Trần Phúc Duyên 'tái ngộ' công chúng sau 71 năm

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/07/2023 07:30 GMT+7

Nhiều tên tuổi của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã sang sống và làm việc tại châu Âu, như: Lê Phổ, Trần Phúc Duyên, Vũ Cao Đàm, Mai Thứ, Lê Thị Lựu, Phạm Thúc Chương, Võ Lăng, Phạm Tăng…

Trong số đó, chỉ họa sĩ Trần Phúc Duyên chọn sử dụng sơn mài như một chất liệu chủ đạo, với mong muốn đưa kỹ thuật sơn mài ngang hàng với sơn dầu.

Hơn 20 năm, di sản tranh của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên hầu như bị lãng quên trong một tòa lâu đài ở ngoại ô thủ đô Bern (Thụy Sĩ), cho tới năm 2018 mới được hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh (gọi tắt là Phạm Lê) tình cờ khám phá.

Chân dung cố họa sĩ Trần Phúc Duyên và một số tác phẩm tại triển lãm

Phạm Lê Collection

BẮT ĐẦU BẰNG… DUYÊN

Duyên đầu tiên là việc khởi nguồn cho hành trình sưu tập độc lập của Phạm Lê. Họ đã dành nhiều công sức để lần tìm thêm những manh mối, gặp gỡ gia quyến của Trần Phúc Duyên ở Pháp và VN. Từ đó, mở ra chuyến hồi hương kỳ diệu cho các tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ.

Nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt nhớ lại: "Lúc ấy, tôi đang làm nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương. Tình cờ gặp một du khách tại Paris từng qua Thụy Sĩ về, khoe triển lãm đặc biệt mà cô chứng kiến, giới thiệu khoảng 30 bức tranh của danh họa VN đã qua đời vào năm 1993. Các tác phẩm quý bị lãng quên như "cô gái ngủ trong rừng" cho đến một ngày người chủ nhân mới đến phát hiện, giao cho một đơn vị đấu giá nhỏ để tìm người thừa kế, bán phân chia tài sản (do họa sĩ Trần Phúc Duyên không có con)".

Bằng tình yêu tha thiết với mỹ thuật Việt, Phạm Lê gặp may khi có những bức tranh của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đã bán nhưng sau khi mang về nhà, người mua lại treo không vừa hoặc hợp với không gian phòng khách nên trả lại. "Tới lâu đài xem tranh, tôi hốt hoảng khi thấy một số tác phẩm của ông to quá, người ta phải để cả trên sàn nhà. Có loại khổ lớn còn bị tách ra làm đôi để bán một nửa, quá xót. Còn lại đều trải qua mưa nắng thời gian nên toàn bộ còn được hơn 100 bức, chúng tôi mừng quá tìm gia đình trực tiếp xin mua ngay. Chúng tôi cho rằng phải nhanh chóng quyết định để có cơ hội tiếp cận với bộ sưu tập một cách đầy đủ nhất về một họa sĩ tài hoa của một thời Đông Dương, để rồi tìm cách hồi hương gìn giữ cho thế hệ mai sau", ông Đạt chia sẻ.

NÂNG TẦM BIỂU ĐẠT sơn mài VIỆT

Nhà phê bình mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết: "Cách đây 5 năm, Phạm Lê có tìm gặp tôi ngay tại Paris để bàn về một cuộc triển lãm Họa duyên tương ngộ của Trần Phúc Duyên tại VN. Tôi ủng hộ ngay. Như vậy là sau 71 năm, kể từ triển lãm lần đầu tiên với 30 tác phẩm sơn mài tại Sài Gòn vào tháng 1.1952, người dân TP.HCM mới có dịp "tái ngộ" Trần Phúc Duyên trong một sự kiện văn hóa giàu màu sắc di sản".

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 - 1993), từ ngày 22.7 - 6.8, công chúng yêu mỹ thuật sẽ được ngắm cảnh sắc thủy mặc qua sơn mài Trần Phúc Duyên tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, TP.Thủ Đức, TP.HCM).

Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở cả VN và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo được giám tuyển Ace Lê chăm chút... Không gian triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600 m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền họa, Trừu tượng và Phúc niệm.

Mặc dù sống tại châu Âu, tiếp thu văn hóa và nghệ thuật phương Tây, các chủ đề về quê hương VN vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên. Nói về tranh của danh họa, ông Khôi khẳng định: "Điều đặc biệt nhất có lẽ được ẩn trong kết hợp Đông - Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý chỉ có trong sáng tác của Trần Phúc Duyên. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây. Tác phẩm của ông cứ bàng bạc nỗi nhớ quê hương, sự cô đơn nên màu vàng cứ thăm thẳm mà không cần nhiều chi tiết gì cả". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.