Trẻ ăn uống nhiều, tiểu nhiều nhưng gầy gò, coi chừng đái tháo đường

Lê Cầm
Lê Cầm
17/12/2022 17:49 GMT+7

'Mặc dù trẻ mắc đái tháo đường chiếm tỷ lệ không cao, nhưng nếu thấy trẻ ăn uống nhiều, tiểu nhiều, cơ thể gầy gò, cần đưa trẻ thăm khám', bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận thêm 5 - 10 trường hợp mới là trẻ em mắc đái tháo đường, nâng tổng số trẻ mắc đái tháo đường đang được quản lý theo dõi tại bệnh viện trong 5 năm qua lên khoảng 70-80 trẻ.

“Mặc dù trẻ mắc đái tháo đường chiếm tỷ lệ không cao, tuy nhiên đây là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, do đó phụ huynh cần chú ý trong chăm sóc trẻ. Nếu thấy trẻ ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng cơ thể gầy gò, cần thăm khám vì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy bất thường trong chuyển hóa”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Mặc dù trẻ mắc đái tháo đường chiếm tỷ lệ không cao, tuy nhiên đây là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, do đó phụ huynh cần chú ý trong chăm sóc trẻ

minh họa: shutterstock

Đái tháo đường được phân loại thành loại 1 và 2. Trong đó, đái tháo đường loại 2 không phụ thuộc insulin, thường gặp ở nhóm trẻ béo phì, ăn nhiều bánh kẹo ngọt, nước ngọt... hoặc trẻ có yếu tố di truyền trong gia đình có người mắc đái tháo đường...

Đái tháo đường loại 1 thường gặp ở nhóm trẻ gầy, ăn nhiều uống nhiều, tiểu nhiều nhưng không lên cân, sụt cân. Ngoài ra, những trẻ bị nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng nhiễm toan cũng gây ra biến chứng.

Trẻ cần làm gì để phòng bệnh?

Theo bác sĩ Tiến, dấu hiệu nhận biết đái tháo đường ở trẻ dễ nhầm lẫn với bệnh khác, như nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiêu hóa… bởi trẻ có thể có các biểu hiện như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thở nhanh, sốc, mất nước môi khô, đau bụng… Một số trường hợp nhập viện nghi do viêm màng não, nhưng xét nghiệm phát hiện tiểu đường.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo với trẻ đã mắc đái tháo đường nên tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị của bác sĩ, từ ăn uống, sử dụng thuốc, đến tập luyện thể thao.

Với nhóm trẻ chưa mắc bệnh đái tháo đường cần ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm ngọt, đồ ngọt, nước ngọt… Với trẻ béo phì cần thay đổi chế độ ăn uống, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.