Trẻ bị cao huyết áp do bệnh hiếm

Liên Châu
Liên Châu
24/06/2023 04:13 GMT+7

Lần đầu tiên trong khoảng 20 năm qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư gặp trường hợp có khối u tuyến thượng thận hai bên ở một bệnh nhi 14 tuổi.

HUYẾT ÁP CAO LIÊN TỤC

Trước khi vào điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), bệnh nhi (BN) 14 tuổi (nam, ngụ Nam Định) bị huyết áp cao liên tục, đã khám, điều trị nhiều nơi với chẩn đoán viêm cầu thận nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm.

Mới đây, BN được phát hiện có u tuyến thượng thận hai bên trong một lần kiểm tra sức khỏe tại BV ở địa phương và được chuyển đến Trung tâm nội tiết, chuyển hóa, di truyền và liệu pháp phân tử - BV Nhi T.Ư. Tại đây, BN được thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, siêu âm, chụp X-quang để xác định chính xác khối u.

Trẻ bị cao huyết áp do bệnh hiếm  - Ảnh 1.

BV Nhi T.Ư

Theo BV Nhi T.Ư, tuyến thượng thận gồm 2 phần: phần tủy thượng thận duy trì huyết áp và nhịp tim; phần vỏ thượng thận bài tiết ra 3 loại hormone giúp điều chỉnh trung gian chuyển hóa và đáp ứng miễn dịch, huyết áp, thể tích tuần hoàn, điện giải. Đặc biệt, lớp giữa của vùng vỏ thượng thận tiết ra hormone có tác dụng chống stress, chống viêm, tham gia chuyển hóa đường, mỡ, protein. Lớp trong cùng của vỏ có vai trò phát triển giới tính trong thời kỳ bào thai. Vì thế, các hormone ở tuyến thượng thận rất quan trọng để duy trì sự sống của con người.

Đối với ca bệnh bị tuyến thượng thận một bên, các bác sĩ BV Nhi T.Ư đã gặp, điều trị và phẫu thuật nhiều trường hợp. Nhưng với khối u tuyến thượng thận hai bên thì đây là lần đầu tiên trong khoảng 20 năm qua. Các bác sĩ đánh giá đây là ca bệnh có tính chất phức tạp. Bởi nếu cắt bỏ hai khối u, khả năng cao phải cắt bỏ cả hai tuyến thượng thận. Việc cắt bỏ hết tuyến thượng thận rất dễ gây suy thượng thận cấp, rối loạn huyết động, rối loạn nhịp tim, rối loạn cân bằng chuyển hóa muối nước, mất khả năng chống đỡ của cơ thể với các stress…, thậm chí dẫn đến tử vong. BV Nhi T.Ư đã hội chẩn liên khoa đưa ra kế hoạch điều trị.

Một tháng trước phẫu thuật, BN được điều trị để đưa huyết áp về bình thường, hạn chế những biến động nguy hiểm về tăng huyết áp trong phẫu thuật. BN cũng được can thiệp nhằm giảm bài tiết catecholamin vào máu và giảm nguy cơ chảy máu ồ ạt trong quá trình phẫu thuật.

Sau đó, BN được các bác sĩ phẫu thuật nội soi, cắt hoàn toàn 2 khối u tuyến thượng thận, cố gắng giữ lại một phần tuyến thượng thận bên phải. Ca mổ đòi hỏi sự thận trọng, tỉ mỉ từng thao tác, vì việc chạm vào khối u rất dễ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới xuất huyết não, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim.

Sau phẫu thuật, BN được chăm sóc đặc biệt để kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: rối loạn về huyết động, tụt huyết áp; nguy cơ hạ đường huyết và rối loạn về điện giải (tăng, giảm kali); chảy máu, nhiễm trùng sau mổ. Hiện BN ổn định, tỉnh táo, huyết áp trở về bình thường.

TRIỆU CHỨNG MƠ HỒ, DỄ BỎ SÓT

PGS-TS Vũ Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm nội tiết, chuyển hóa, di truyền và liệu pháp phân tử - BV Nhi T.Ư, cho biết u tuyến thượng thận rất hiếm gặp, ước chiếm khoảng 0,2 - 0,4%/100.000 người mỗi năm. Với trẻ em còn hiếm hơn nữa, chiếm khoảng 10% trong tổng số các ca u thượng thận phát hiện được; và khối u tuyến thượng thận cả hai bên thì chỉ khoảng 10% trong số trẻ mắc bệnh u tuyến thượng thận. Mỗi năm, tại BV Nhi T.Ư có khoảng 1 - 2 BN điều trị u tuyến thượng thận.

Các bác sĩ lưu ý, đối với u tuyến thượng thận, có thể có các biểu hiện như: đau đầu, tăng huyết áp, hồi hộp đánh trống ngực, vã mồ hôi… Các triệu chứng này thường rất mơ hồ và dễ bỏ sót nếu không được thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng. Thông thường, nếu có triệu chứng cao huyết áp, nhiều khả năng người bệnh sẽ được chẩn đoán viêm cầu thận, chỉ khi có nghi ngờ và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, siêu âm mới phát hiện được.

Do vậy, bên cạnh thăm khám sức khỏe định kỳ, khi trẻ có các triệu chứng huyết áp cao không thể kiểm soát bằng thuốc, gia đình nên đưa trẻ đến ngay BV chuyên khoa để được khám, chẩn đoán đúng càng sớm càng tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.