Theo Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), các bác sĩ của Đơn vị bỏng thuộc Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi T.Ư, gần đây đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện điều trị bỏng nặng, hoại tử da do tay các bé bị mài vào dây curoa và nhiệt của máy chạy bộ tại nhà.
Trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé trai M.K (3 tuổi, ở Nghệ An). Gia đình của bệnh nhi cho biết, tại nhà, anh trai của M.K bật máy chạy bộ để tập thể dục. Lúc này M.K đứng chơi bên cạnh anh đã đưa tay vào phía dưới máy để lấy đồ chơi bị rơi, khiến tay phải bị chà mạnh vào dây curoa của máy tập.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, bác sĩ Phùng Công Sáng, phụ trách Đơn vị bỏng, cho biết M.K nhập viện với chẩn đoán bỏng ma sát độ 3 và có dấu hiệu nhiễm trùng, tổn thương chuyển nặng và sâu hơn. Sau khi nhập viện, M.K được điều trị và chăm sóc vết thương hàng ngày, hiện sức khỏe của cháu đã ổn định.
Bệnh nhi khác là bé gái B.A (30 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện ngày 13.5 sau tai nạn xảy ra vào buổi chiều cùng ngày tại nhà, khi bố B.A đang tập với máy chạy bộ.
Theo gia đình bệnh nhi, trong lúc bố đang chạy bộ, B.A đi vào từ phía sau và đưa hai tay nghịch máy khiến hai tay bị kẹt phía dưới dây curoa. "Bé gái nhập viện với chẩn đoán bỏng bàn tay 2 bên độ 3. Rất may trẻ nhập viện sớm, điều trị kịp thời nên đã bình phục sớm, được ra viện ngày 22.5", bác sĩ Sáng cho hay.
Lưu ý giữ an toàn cho trẻ khi ở nhà
Các bác sĩ của Đơn vị bỏng cũng tiếp nhận bệnh nhân là bé gái T.T (3 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng bị bỏng ma sát các ngón 2, 3, 4 của bàn tay trái; tổn thương sâu các ngón tay, lộ gần hết phần gân cơ. Nguyên nhân do bé thò tay vào máy chạy bộ, trong lúc người lớn đang tập.
T.T được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng cấp cứu, nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu nối gân, cơ và phẫu thuật cắt lọc hoại tử.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc vết thương bỏng hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý. Sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng vết thương bỏng của trẻ đang cải thiện, lành dần.
Bác sĩ Phùng Công Sáng cho biết, máy chạy bộ tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thương cho trẻ em như trầy xước, bỏng, tổn thương lột da, dập nát gân cơ, gãy xương… Vì trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ gặp tai nạn.
Để giữ an toàn cho trẻ nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ Sáng khuyến cáo các bậc cha mẹ khi dùng máy chạy bộ nên đặt máy ở nơi an toàn để hạn chế trẻ em đến gần, đặc biệt với trẻ nhỏ; không để trẻ em tự đến gần máy chạy bộ khi hoạt động, nhất là trẻ dưới 10 tuổi.
Bình luận (0)