Trẻ em mắc Covid-19 không ngừng tăng

Thu Hằng
Thu Hằng
08/09/2021 15:47 GMT+7

Số trẻ em mắc Covid-19 trong đợt dịch 4 vẫn không ngừng tăng, đáng chú ý, có nhiều trẻ em (TE) mồ côi cha mẹ. Việc ưu tiên tiêm vắc xin cho TE cần phải được quan tâm và phải làm càng sớm càng tốt.

Đây là kiến nghị của các bộ ngành và địa phương tại Hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em (TE) trong đại dịch Covid-19 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng nay, 8.9.
Hội nghị được kết nối với 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch Covid-19, với sự tham gia của 200 đại biểu là đại điện lãnh đạo các bộ, sở, ngành, tổ chức, đoàn thể.

Gần 12.000 TE là F0

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, tính đến đầu tháng 9, cả nước đã có 11.822 TE là F0, 27.334 trẻ em là F1. Tại các địa phương đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền TE không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, sang chấn tâm lý. Việc học trực tuyến của các em học sinh không phải nơi nào cũng thuận lợi. Vì vậy, cần có các giải pháp sớm để bảo vệ, chăm sóc TE trong đại dịch Covid-19. 
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục TE (Bộ LĐ-TB-XH), thông tin thêm: TE bị lây nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng lên. Tính đến sáng nay, tại TP.HCM, số TE mắc Covid-19 đã tăng lên hơn 3.000 em. Số TE có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng do có cha mẹ tử vong vì Covid-19, hiện 250 em mồ cô cha mẹ.
Còn tại Hà Nội, số trẻ mắc Covid từ 0-5 tuổi chiếm 5% số ca mắc. “Rất may chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong là TE, tuy nhiên tại TP.HCM, Bình Dương đã có cơ sở nuôi dưỡng TE có các ca F0, đa số các em là khuyết tật, sức khỏe yếu, mắc bệnh nền… dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Điều mà chúng tôi lo ngại nữa là nhiều TE bỗng nhiên rơi vào hoàn cảnh không có người thân chăm sóc, nguy cơ sang chấn tâm lý là rất lớn”, ông Nam cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm tại địa bàn đang có dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng: “Cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề TE bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho TE an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời. Ngoài ra, kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho TE, cho gia đình TE bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp”.

Ưu tiên tiêm vắc xin cho TE trước khi mở lại trường học

Ông Trần Công Nguyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho hay trong thời gian thực hiện giãn cách, địa phương cũng gặp nhiều lúng túng trong chăm sóc TE là F0, F1, nhất là trong việc ăn ở, sinh hoạt, tư vấn tâm lý... Việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp rất khó thực hiện do các biện pháp pháp lý ứng phó an toàn cho TE trong thiên tai dịch bệnh chưa có.
Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động cho TE để sớm trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tiêm vắc xin cho TE. "Chúng ta cần quan tâm giải pháp này trước khi có các giải pháp tiếp theo. Đây cũng là biện pháp quan trọng để mở cửa trường học, dịch vụ và các hoạt động thường ngày”, ông Nguyên đề xuất.
Đại diện nhiều địa phương cũng đồng với kiến nghị trên. Ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bắc Giang, bày tỏ: “Hiện số TE theo cha mẹ đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp không phải là nhỏ, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 rất cao. Vì vậy, nếu có vắc xin, cần ưu tiên tiêm cho con công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại các KCN”.
Ngoài ưu tiên tiêm cho TE, ông Đặng Hoa Nam cũng đề nghị tới đây cần tiêm cho giáo viên, người lao động đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng TE. Đây cũng là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Covid-19.
“Trước mắt, UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên cứu chữa TE bị nhiễm Covid-19; đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa ứng phó, đặc biệt bảo vệ TE trong các khu cách ly tập trung và các em F0, F1 đang điều trị tại gia đình. Các địa phương, đặc biệt là nơi tâm điểm của dịch bệnh, cần quan tâm hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt và TE tại các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng TE để các em có điều sống, học tập an toàn”, ông Nam nhấn mạnh.
Về phía Bộ LĐ-TB-XH, ông Nam cho biết sẽ nghiên cứu tác động của Covid-19 đến đến quyền TE, để ban hành các chính sách pháp luật có thể ứng phó trong tình trạng khẩn cấp; đồng thời tao mạng lưới kết nối TE bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Liên quan đến vấn đề vắc xin cho TE, bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện Bộ Y tế đã tiêm vắc xin cho nhân viên y tế, tạp vụ chăm sóc TE trong khu cách ly; đồng thời cũng đã có hướng dẫn tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần.
“Khi Việt Nam có vắc xin cho TE dưới 18 tuổi, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyệt đối cho TE”, bà Ngọc nói.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, sau hơn 2 tháng triển khai gói hỗ trợ Covid-19, đến ngày 3.9, đã có 59/63 tỉnh, thành phố đã có phê duyệt và hỗ trợ tiền ăn cho F0, F1 và hỗ trợ thêm cho F0, F1 là TE.

Cụ thể, có 33 tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ cho 53.036 người lớn và trẻ em là đối tượng F0 tiền ăn với kinh phí là hơn 60 tỉ; 49 tỉnh, thành phố đã triển khai hỗ trợ 108.568 người lớn và TE F1 tiền ăn với kinh phí là hơn 115 tỉ đồng; 44 tỉnh, thành phố đã thực hiện hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 với số lượng 6.275 trẻ em, kinh phí 6,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, có trên 1.200 người lao động đang mang thai và trên 10.000 trẻ em dưới 6 tuổi con của người lao động đã được hỗ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.